Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05km, sử dụng vốn vay ưu đãi của Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Hiệp định khung của dự án được ký kết ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án vào tháng 10/2008. Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC được ký kết vào tháng 8/2010 do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện (đơn vị được chỉ định thầu trong hiệp định). Ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư là 8.769 tỉ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỉ đồng (khoảng 868 triệu USD), tăng hơn 9.231 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu. Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ. Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông ban đầu được xác định đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015. Sau đó lùi tới tháng 6/2016, rồi tháng 12/2016, tháng 2/2017, tháng 10/2017, quý 2/2018, cuối năm 2018, tháng 4/2019, cuối năm 2019, đầu năm 2020, cuối năm 2020, đầu năm 2021, giữa năm 2021, và cuối cùng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tới ngày 10/11/2021, Bộ GTVT phải bàn giao cho Hà Nội để đưa vào khai thác. Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhiệm kỳ này. Và cuối cùng sau 13 năm từ ngày phê duyệt và 10 năm xây dựng, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông cũng về đích, trở thành tuyến đô thị đầu tiên của Việt Nam và Hà Nội đưa vào khai thác. Ngày 6/11/2021, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức được đưa vào khai thác, vận hành. |