Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 309,7 triệu USD, tăng 22,9% so với tháng 9/2022 và tăng 28,1% so với tháng 10/2021. Tính chung trong 10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu rau quả đạt 2,75 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu rau quả đã có sự khởi sắc trong tháng 10/2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã tăng mạnh, đạt 151,7 triệu USD, tăng 44,2% so với tháng 10/2021.

Triển vọng xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc có nhiều tín hiệu tích cực như: Trái sầu riêng đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 9/2022. Sau sầu riêng, cơ hội xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Trung Quốc đang mở ra khi Nghị định thư về xuất khẩu chuối tươi được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng 44,2%
Trái sầu riêng đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 9/2022.

Việc chuyển dịch mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan. Ngoài ra, trong 10 tháng đầu năm 2022, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường khác cũng tăng trưởng tốt như: Hoa Kỳ đạt 219 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2021; Thái Lan đạt 153,4 triệu USD, tăng 26,4%; Nhật Bản đạt 141,3 triệu USD, tăng 6%...

Cục Xuất nhập khẩu cũng dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, nhập khẩu quả chuối (HS 0803) của Trung Quốc trong tháng 9/2022 đạt 74,3 triệu USD, tăng 12,5% so với tháng 9/2021. Trong 9 tháng năm 2022, trị giá nhập khẩu quả chuối của Trung Quốc đạt 948,56 triệu USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trung Quốc nhập khẩu chuối nhiều nhất từ thị trường Philippines, trong 9 tháng năm 2022 đạt 375,5 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu quả chuối từ Philippines chiếm 39,6% tổng trị giá nhập khẩu, giảm 4,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, Trung Quốc tăng nhập khẩu quả chuối từ Việt Nam trong 9 tháng năm 2022, đạt 213,3 triệu USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2021. Các chính sách về đất thuê nông nghiệp và chi phí lao động tăng khiến diện tích trồng chuối của Trung Quốc giảm. Dịch bệnh Panama cũng khiến chất lượng chuối Trung Quốc giảm mạnh, từ đó thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu chuối từ Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn tăng mạnh nhập khẩu quả chuối từ Campuchia, Ecuador và Lào trong 9 tháng năm 2022.

Ngoài ra, trong 7 tháng năm 2022, Trung Quốc đã mua 1,95 triệu tấn sắn lát khô và tinh bột sắn của Việt Nam, chiếm tới 93% trong tổng khối lượng xuất khẩu sắn của nước ta. Nguyên nhân là do giá xăng dầu tăng cao, Trung Quốc đã tăng cường sử dụng sắn và ngô để sản xuất xăng sinh học (ethanol), khiến nhu cầu nhập khẩu sắn của nước này tăng cao.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 108,7 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021. Với mặt hàng tinh bột sắn, Việt Nam là thị trường cung cấp lớn thứ 2 của Trung Quốc (sau Thái Lan) với 744.320 tấn, trị giá 379,67 triệu USD, tăng 228,6% về lượng và tăng 270% về trị giá so với cùng kỳ 2021.

Mới đây vào đầu tháng 11/2022, Việt Nam chính thức xuất khẩu yến sào và khoai lang sang thị trường Trung Quốc. Đây là nông sản thứ 12 và 13 của nước ta lấy được chính thức nhập khẩu vào thị trường này.