Vì sao tin giả, tin đồn vẫn ngang nhiên “oanh tạc" thị trường?
Cần xử lý nghiêm những hành vi tung tin giả, tin đồn thất thiệt gây hoang mang nhà đầu tư. Ảnh minh hoạ: Đ.T

Những tin đồn chao đảo thị trường

Liên quan đến những tin đồn gây chao đảo thị trường không thể không nhắc đến sự việc liên quan đến ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch BIDV. Vào đầu năm 2013, xuất hiện tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt dẫn đến hàng loạt hệ luỵ tiêu cực lên thị trường.

Các nhà đầu tư dù chưa có thông tin chức đã liên tục bán tháo cổ phiếu. Thị trường chứng khoán cùng ngày đã giảm chung khoảng 4%, “bốc hơi” khoảng 1,6 tỉ USD trên cả 2 sàn Chứng khoán TPHCM và Hà Nội. Ngay sau đó, ngân hàng BIDV đã phải lên tiếng bác bỏ tin đồn. Đơn vị này cho biết, đây là thông tin bịa đặt với dụng ý xấu nhằm mục đích trục lợi.

Đến tháng 8.2017, một lần nữa, tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt lại gây xôn xao dư luận. Cổ phiếu BIDV khi đó rơi vào tình trạng “trắng bên mua”, đồng thời, vốn hóa trên thị trường chứng khoán “bốc hơi” tổng cộng 1,8 tỉ USD. Đi cùng với đó là hàng loạt cổ phiếu ngân hàng tụt giảm mạnh.

Chỉ tới ngày 29.11.2018, mới chính thức có thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tống đạt quyết định khởi tố bị can, khám xét với ông Trần Bắc Hà và Trần Lục Lang (cựu phó tổng giám đốc), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Tĩnh). Những người này bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015.

Gần đây, sau khi lãnh đạo các tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh bị bắt, hàng loạt các tin đồn thất thiệt đã xuất hiện trong các hội nhóm kín. Có tài khoản còn làm một video với tiêu đề: "Lộ danh sách 12 ông lớn bất động sản sắp bị thanh tra". Thông tin chưa kiểm chứng này đã gây ra sự hoang mang cho nhà đầu tư, khiến cổ phiếu các đơn vị xuất hiện trong video bị ảnh hưởng mạnh.

Ứng phó với một thị trường nhạy cảm

Về nguyên nhân khiến cho các tin đồn, tin giả vẫn có đất sống, một số ý kiến cho rằng những chế tài xử lý hiện nay vẫn còn chưa đủ sức răn đe. Đơn cử như tin đồn cựu chủ tịch BIDV bị bắt xuất hiện năm 2013, cơ quan chức năng sau đó đã xác định được 3 đối tượng đứng ra phát tán thông tin. Những đối tượng này sau đó chỉ bị xử phạt ở mức 10 - 15 triệu đồng. Chỉ tới mới đây, dư luận mới chứng kiến một vụ khởi tố hình sự một Facebooker đã thông tin sai sự thật trên trang cá nhân, làm ảnh hưởng đến danh dự người khác, khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán thiệt hại.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, thị trường tài chính nói chung hay thị trường chứng khoán nói riêng cực kỳ nhạy cảm. Khi xuất hiện những tin đồn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của thị trường, tác động mạnh tới những tổ chức, cá nhân hứng chịu các tin đồn này. Thậm chí cả các doanh nghiệp, ngân hàng có liên quan tới họ.

Chuyên gia kinh tế này cho rằng có một số mục đích của việc tung tin đồn bao gồm: Cố tình câu view gây biến động xã hội; nói xấu, trả thù trên mạng; các nhà đầu cơ tạo sóng cho những loại chứng khoán; hoặc những mục đích để thâu tóm hay phá hoại thị trường.

"Thị trường chứng khoán đang có số lượng đầu tư lớn, trên dưới 5 triệu tài khoản, trong đó có nhiều nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Đây là một đặc tính và cũng là sự rủi ro của thị trường. Chính vì lẽ đó, cần loại trừ các can thiệp mang tính chất phi thị trường hay phá hoại của những kẻ đầu cơ, tung tin thất thiệt. Việc yêu cầu cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác là rất quan trọng" - TS Nguyễn Minh Phong cho biết.

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, tung tin giả làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư, gây nhiễu loạn thị trường là hành vi vi phạm pháp luật. Cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính. Bên cạnh đó, tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm theo điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an - cho biết, Bộ Công an đang chỉ đạo các lực lượng chức năng thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định tất cả những cá nhân có hoạt động đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, nhằm góp phần tạo môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh. Bộ Công an khuyến cáo người dân không nghe theo và tiếp tay lan tỏa những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng.