Kể từ ngày 23/2, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành lệnh cấm TikTok - ứng dụng chia sẻ video ngắn trực thuộc công ty ByteDance ở Trung Quốc – trên các thiết bị làm việc của nhân viên.

Được biết, lệnh cấm này đến từ mối quan ngại về mất an ninh bảo mật dữ liệu trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường an ninh mạng của khối.

Ủy ban châu Âu cấm TikTok trên các thiết bị công việc của nhân viên
TikTok đang chịu sự giám sát chặt chẽ của các quốc gia châu Âu.

Theo đó, nhân viên EC buộc phải xóa ứng dụng càng sớm càng tốt, trước ngày 15/3. Phát ngôn viên của EC khẳng định động thái này không phải do chịu áp lực từ Mỹ.

Khi được hỏi lệnh cấm tương tự có thể xảy ra đối với ứng dụng nhắn tin WeChat của Trung Quốc hay không, người phát ngôn cho biết WeChat không được đề cập trong các cuộc thảo luận.

Ông cũng từ chối nêu chi tiết cách bộ phận kỹ thuật của EC sẽ thực hiện và giám sát lệnh cấm TikTok đối với nhân viên.

Phía TikTok cho rằng lệnh cấm của EC dựa trên những quan điểm sai lầm về nền tảng này.

“Chúng tôi thất vọng với quyết định này”, người phát ngôn của công ty cho hay.

Trong thời gian gần đây, nền tảng TikTok đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn của các chính phủ các quốc gia châu Âu bởi mối lo ngại về việc Bắc Kinh có thể thu thập dữ liệu người dùng.

Gần đây nhất, chính phủ Hà Lan khuyến cáo quan chức tránh xa ứng dụng này vì những lo ngại tương tự.

Tháng trước, tại cuộc đàm phán giữa Shou Zi Chew - Giám đốc điều hành TikTok với quan chức EU tại Brussels, Bỉ. Công ty này đã được yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho dữ liệu của người dùng châu Âu.

Shou khẳng định công ty đang làm việc trên hệ thống “hiệu quả" để xử lý dữ liệu của người dùng ở châu Âu, phát ngôn viên EU cho biết vào thời điểm đó. TikTok cũng cam kết sẽ bảo vệ dữ liệu của người dùng Mỹ tại Mỹ để xoa dịu những lo ngại của Washington.

Vào năm ngoái, chính phủ Mỹ đã cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị của chính phủ. Thậm chí, một số nghị sĩ đang thúc đẩy dự luật cấm TikTok trên cả nước.

Tháng 11/2022, TikTok thừa nhận một số nhân viên ở Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của người dùng châu Âu.