Đến tết lại gặp những câu hỏi “khó đỡ”

Chuyện thường gặp đối với những bạn trẻ khi về với gia đình ngày tết là bị hỏi han liên tục từ các thành viên gia đình, họ hàng, hàng xóm láng giềng về những vấn đề như yêu đương, hôn nhân, công việc hay thu nhập.

Bên cạnh những câu hỏi mang tính quan tâm, nhiều câu hỏi còn mang tính dò xét, soi mói, đánh giá như “xinh thế này sao chưa có người yêu?”, “bằng tuổi mày người ta đã đẻ mấy đứa rồi”, “có vấn đề gì mà chưa lấy chồng/vợ?”, “lương tháng bao nhiêu, đưa về cho nhà được bao nhiêu?”,…

Ứng xử như thế nào trước những câu hỏi 'khó đỡ' ngày tết?
Ngày Tết, nỗi ám ảnh của nhiều bạn trẻ là hay bị "tra hỏi" về vấn đề hôn nhân, công việc, thu nhập. (Ảnh minh hoạ)

Nhiều bạn trẻ cho rằng đây là những vấn đề riêng tư của mỗi người, họ không có nghĩa vụ phải phơi bày đời tư cá nhân của mình cho người khác, và mong muốn mọi người tôn trọng điều đó.

Thực tế, không phải ai cũng biết cách xử lý những tình huống “khó đỡ” này. Thậm chí, việc bị “tra hỏi” quá nhiều cũng là nguyên do khiến nhiều bạn trẻ ái ngại mỗi khi về quê ăn tết, ảnh hưởng đến tâm trạng ăn tết, vui xuân của họ.

Trước hết, cần phân biệt rằng, với những câu hỏi mang tính quan tâm từ những thành viên trong gia đình như cha mẹ, việc đáp trả nhẹ nhàng, giúp cha mẹ yên tâm, mà vẫn có thể trả lời theo ý của mình là một điều nên làm. Không nên suy diễn và ứng xử gay gắt khiến cho không khí ngày tết của gia đình trở nên căng thẳng, mất vui.

Bên cạnh đó, động cơ của các bậc cha mẹ thường là bởi lo lắng, quan tâm con cái không biết đi làm xa đã ổn định, tìm được hạnh phúc của mình hay chưa, do đó các bạn trẻ cũng nên lắng nghe, cảm thông và biết ơn những tình cảm chân thành ấy.

Mặt khác, những người ngoài, không liên quan thường hỏi dò trong những câu chuyện phiếm, phần lớn động cơ là sự tò mò, hy hữu mới có trường hợp bày tỏ sự ác ý qua những câu hỏi về các vấn đề trên. Dù vậy, người bị hỏi vẫn cảm thấy áp lực và không thoải mái trước những câu hỏi này.

Nhiều người đã bày tỏ sự khó chịu và ứng xử gay gắt khi bị hỏi và đáp trả ngược lại như “việc của ai người ấy lo”, “đừng có xen vào chuyện của người khác”,… Những câu trả lời như vậy đem đến sự căng thẳng không cần thiết, thậm chí có thể cãi nhau. Nhiều người khác chọn cách nhẫn nhịn, chịu đựng thì dẫn tới việc bị hỏi liên tục hết lần này tới lần khác, thậm chí còn bị mang ra trêu đùa.

Các "tuyệt chiêu" ứng xử, đối đáp

Tóm lại, việc xử lý những tình huống như thế này cần có kỹ năng phù hợp. Trước hết, các bạn trẻ cần chuẩn bị sẵn tinh thần trước những buổi sum họp gia đình, thậm chí lường trước những câu hỏi có thể xuất hiện.

Về phần ứng xử đối đáp, hãy cố gắng tỏ ra bình tĩnh, lạc quan, câu trả lời vẫn mang tính lịch sự, tôn trọng người khác nhưng hàm ý trong đó thể hiện sự khôn khéo né tránh những vấn đề bạn không muốn đề cập tới.

Mặt khác, bạn cũng nên thể hiện thái độ rõ ràng trong việc yêu cầu mọi người tôn trọng cuộc sống đời tư của mình nếu không muốn họ hỏi thêm về sau. Trong nhiều trường hợp, sự hài hước là một công cụ “bẻ lái” tuyệt vời.

Đồng thời, tránh việc suy diễn, đáp trả gay gắt, tỏ thái độ tiêu cực, hỗn láo, nói sẵng với người bề trên. Bên cạnh đó, dù là người bề trên hay những người bạn bè, hàng xóm, bạn luôn có thể từ chối trả lời câu hỏi một cách lịch sự.

Dưới đây là một số câu ứng xử để chúng ta cùng tham khảo:

1. Lương cháu được bao nhiêu? – Dạ, cháu làm việc cũng ổn ạ, cũng đủ nuổi sống bản thân ạ.

2. Bao giờ cháu lấy chồng? – Dạ, lúc nào cháu lấy chồng nhất định sẽ báo với cô/dì/chú/bác, nên cô/dì/chú/bác cứ yên tâm nhé ạ.

3. Tiền lương bao nhiêu? Để dành được nhiều tiền không? – Dạ, đây là câu hỏi về vấn đề đời tư cá nhân nên cháu xin từ chối trả lời ạ.

4. Anh/chị đã có người yêu chưa? – Tại sao em/chị/anh lại tự nhiên quan tâm đến vấn đề người yêu của mình thế nhỉ?

6. Sao dạo này mập/gầy thế? – Quan trọng là khoẻ mạnh mọi người ơi, trông như thế này nhưng khoẻ lắm đó nha mọi người.

Nếu không muốn tiếp tục trả lời mọi người, bạn có thể rời khỏi cuộc vui một cách nhẹ nhàng, “êm đẹp”, bằng cách cách đưa ra một lý do nào đó. Bạn không có nghĩa vụ phải tham gia một cuộc đối thoại khiến bản thân hoặc người khác tổn thương chỉ vì người khác lôi bạn vào.

Còn hàng vạn câu hỏi đa dạng, nhiều màu sắc khác nữa của họ hàng làng xóm mỗi dịp Tết đến xuân về khiến người được hỏi dở khóc dở cười, không biết ứng xử sao. Tết vui thôi nhưng đừng vui quá, đừng để niềm vui của người này trở thành nỗi ám ảnh, khó chịu của người khác.

Tựu trung lại, từ bày học của những mùa tết trước đây, Tết đúng là dịp để mọi người sum vầy tụ họp, quan tâm hỏi thăm tình hình cả một năm qua, nhưng có những câu hỏi biết là sẽ khiến người khác khó chịu thì đừng nên cố hỏi, kẻo lại mất vui.

Mặt khác, nếu rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” nêu trên, các bạn trẻ vẫn nên bình tĩnh ứng xử một cách lịch sự, khôn ngoan, và thêm một chút “gia vị” hài hước, sáng tạo cũng có thể đem đến một hiệu ứng bất ngờ.

Hãy cùng nhau đón một cái Tết Quý Mão 2023 văn minh, thanh lịch và vui vẻ, “không quạu”.