Chiều ngày 28/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TPHCM đã họp báo cung cấp thông tin định kỳ về tình hình dịch bệnh TPHCM.

Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM - ông Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, từ ngày 28/10, Thành phố cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được buôn bán, phục vụ tại chỗ với thời gian tới 21 giờ hàng ngày. Và việc sử dụng thức uống có cồn tại hệ thống nhà hàng tổ chức tiệc cưới là được phép, kể cả sau 21h nhưng số lượng người tham dự phải tuân thủ theo Chỉ thị 18.

TP HCM: Nhà hàng tiệc cưới được phục vụ rượu bia kể cả sau 21h
Việc sử dụng thức uống có cồn tại hệ thống nhà hàng tổ chức tiệc cưới là được phép, kể cả sau 21 giờ nhưng số lượng người tham dự phải tuân thủ theo Chỉ thị 18.

Tối 28/10, các quán nhậu tại TP Thủ Đức và quận 7 (là 2 địa phương được UBND TP HCM thí điểm cho phép hàng quán phục vụ thức uống có cồn cho khách ngồi ăn uống tại chỗ từ nay đến ngày 15/11) đã tấp nập khách vào ra.

Dù số lượng quán nhậu mở lại vẫn chưa nhiều vì có quán chưa chuẩn bị kịp đồ ăn thức uống, có quán thì chưa mặn mà và để theo dõi tình hình lượng khách như thế nào. Hơn nữa, UBND TP HCM chỉ cho phép các quán ăn uống mở bán đến 21h hàng ngày và không quá 50% công suất nên phố nhậu Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) chỉ có vài quán mở cửa đón khách.

Trong khi quán nhậu ở TP Thủ Đức chưa có nhiều quán đông khách thì ở quận 7 có nhiều quán nhậu nhận rất đông khách. Có quán hầu như kín chỗ, khách ngồi la liệt uống bia.

Lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM thông tin thêm, nguồn hàng của Thành phố hiện ổn định, không biến động, khoảng 1.800 tấn/đêm về tại 3 điểm trung chuyển ở chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức. Đến nay, Thành phố đã mở lại 129/234 chợ truyền thống. Dự kiến, từ nay đến hết 31/10, TPHCM mở thêm 16 chợ truyền thống.

Lãnh đạo Sở Công thương thông tin, thông thường như mọi năm, thời gian này Sở đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng tết. Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh, đi lại khó khăn nên Sở Công thương đang phối hợp với Sở Công thương các tỉnh để rà soát lại nguồn hàng. Lãnh đạo Sở này cũng khẳng định sẽ cung ứng hàng Tết đảm bảo đầy đủ như mọi năm.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH TP HCM - ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, việc chi trả gói hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn đợt thứ 3 là hơn 5,6 triệu người.

Liên quan đến việc chi trả nhầm gói hỗ trợ tại huyện Hóc Môn, ông Lâm cho biết, lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn đang tiến hành rà soát để có giải pháp phù hợp và kêu gọi người dân tự giác, sử dụng phần mềm CNTT để có những biện pháp tiếp theo.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TBXH TP HCM, hiện có 121.321 doanh nghiệp hoạt động trở lại, với số lượng lao động tham gia là 1.897.295 người, trong đó khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao là 1.321 doanh nghiệp hoạt động trở lại với số lượng lao động là hơn 201.000 người.

Về các giải pháp triển khai tiếp theo để đáp ứng nhu cầu tìm việc làm và nhu cầu cần tuyển lao động của các doanh nghiệp TP HCM, ông Lâm cho hay, Sở sẽ phối hợp với Thành đoàn, Liên đoàn lao động quận huyện phối hợp rà soát, lập danh sách người lao động chưa có việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để kết nối thông tin, hỗ trợ cho người lao động có việc làm.

Đồng thời, Sở phối hợp với các tỉnh ĐBSCL tổ chức các sàn giao dịch trực tuyến. Dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 29/10 nhằm tư vấn, giao lưu gặp gỡ trực tiếp giữa người lao động đã làm việc ở TPHCM nhưng chưa lên được để trao đổi trực tiếp, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin trực tiếp với các doanh nghiệp, cũng qua đó để doanh nghiệp có cơ hội mời người lao động trở lại làm việc.

“Bên cạnh đó, tiếp tục tư vấn người lao động tham gia tìm kiếm việc làm trên địa bàn TPHCM bằng các giải pháp phù hợp mà từ trước đến nay ngành Lao động thương binh và xã hội đã triển khai” – lãnh đạo Sở LĐ-TB & XH TPHCM nói.