Ngày 26/5/2023, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng VIX50 – Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023.

Đây là kết quả nghiên cứu khách quan, khoa học và độc lập của Vietnam Report, được công bố chính thức trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.

Trong danh sách này, xuất hiện những cái tên quen thuộc như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP, Công ty Cổ phần FPT, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân Đội, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Á Châu, Công ty Cổ phần Vinhomes và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang...

Top 10 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023

Tuy nhiên bảng xếp hạng cũng có sự thay đổi đáng kinh ngạc. Trong top 10 công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023 đã có sự xáo trộn đáng kể về thứ hạng so với năm 2022.

Vinhomes năm 2022 đứng đầu top 10 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả đã bị thay thế bởi Ngân hàng Vietcombank trong danh sách năm 2023. Vietcombank vươn lên từ vị trí số 6 năm ngoái, Vinhomes bị đẩy lùi xuống gần cuối bảng.

Loạt doanh nghiệp của các tỷ phú gồm có Hòa Phát, Masan, Thế giới Di động đồng loạt rời khỏi top 10 dù năm ngoái là những cái tên dẫn đầu.

Thay thế vào đó là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), FPT lọt vào top 3.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MBBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) vẫn trụ lại top 10 với một số thay đổi về thứ hạng.

Bảng xếp hạng Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report. Kế thừa thành quả nghiên cứu từ bảng xếp hạng top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín đã được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản – Xây dựng, Ngân hàng, Bảo hiểm, Dược, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Logistics...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting của 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng từ năm 2012. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp được đăng tải trên các trang báo có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023, đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty.

Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.