Nguồn vốn thấp, thiếu kinh phí đầu tư, hoạt động quản lý chưa phân cấp rõ... Sau hai năm thí điểm, Bệnh viện K xin dừng tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33, chỉ thực hiện theo Nghị định 60.
Theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15.9.2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ toàn diện của 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K và Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến nay, mới có 2 bệnh viện thực hiện thí điểm là Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai. Thế nhưng, cả 2 bệnh viện này đang 'hụt hơi' trước cơ chế thí điểm này.
Tối 23/8, Giám đốc Bệnh viện K Lê Văn Quảng cho biết xin dừng tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33, chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60.
"Sau hai năm thực hiện thí điểm, bệnh viện đã tổng kết, phân tích ưu, nhược điểm và thấy còn có nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được chuyển sang thực hiện tự chủ theo nhóm hai ở Nghị định 60, như Bệnh viện Bạch Mai đề xuất ", ông Quảng nói.
Sau 2 năm, bệnh viện K xin dừng tự chủ toàn diện. Ảnh minh hoạ. |
Bệnh viện K là bệnh viện tuyến cuối chuyên điều trị ung thư tại miền Bắc và là một trong 4 bệnh viện cả nước được giao thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 (nhóm một). Tuy nhiên, đến nay chỉ có Bệnh viện Bạch Mai và K thực hiện tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33. Hai bệnh viện Chợ Rẫy và Việt Đức ngay từ đầu (năm 2019) kế hoạch thí điểm đã xin không thực hiện "do chưa đủ điều kiện".
Nghị quyết 33 ban hành năm 2019, giao bệnh viện tự chủ toàn diện, tức được quyết định giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu theo khung giá được Bộ Y tế ban hành; kê khai, công khai giá theo quy định pháp luật. Bệnh viện quyết định quy mô, lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn, thực hiện mô hình như doanh nghiệp, có hội đồng quản lý gồm 7 đến 11 người... mà không cần thông qua Bộ Y tế.
Nghị định 60 ban hành năm 2021 quy định về tự chủ tài chính, bao gồm: danh mục và giá, phí dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước; phân loại chi tiết hơn mức độ tự chủ tài chính; cách thức xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên; quy định các nguồn tài chính của đơn vị... Trong đó nhóm hai không cần tự đảm bảo chi phí đầu tư như nhóm một, chỉ tự đảm bảo các khoản chi thường xuyên như lương, các khoản góp theo tiền lương, hoạt động chuyên môn, phí quản lý...
Ông Quảng cho biết, tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được đánh giá là có nhiều ưu điểm trong việc nâng cao quản lý hoạt động, song mỗi ngành nghề có đặc thù riêng. Với ngành y, nếu tự chủ toàn diện cả đầu tư và chi thường xuyên tại thời điểm này còn gặp nhiều khó khăn thách thức nhất định.
"Bệnh viện K và các bệnh viện tham gia thí điểm tự chủ đều là những bệnh viện đầu ngành. Việc chọn bệnh viện đầu ngành để thí điểm sẽ khó đánh giá hiệu quả bởi dù tự chủ hay không thì vẫn có lượng lớn bệnh nhân đến khám và điều trị ít có sự thay đổi", ông Quảng nói.
Tương tự Bạch Mai, Bệnh viện K cũng gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu thí điểm lúc dịch Covid-19 bùng phát. Bệnh viện bị phong tỏa cùng với số lượng người bệnh đến khám giảm mạnh do dịch bệnh, nguồn thu sụt giảm 35-40%, tương đương khoảng 1.300 tỷ.
"Cơ chế tự chủ nhóm một cho phép bệnh viện đầu tư nhưng bệnh viện chưa đủ nguồn vốn. Trong điều kiện hoạt động bình thường không có dịch bệnh, một năm bệnh viện tích lũy được khoảng trên dưới 100 tỷ đồng. Nếu dùng tiền này để đầu tư như trang bị một hệ thống máy xạ trị trung bình có giá khoảng 150 tỷ thì cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong hai năm qua, bệnh viện K chưa đủ kinh phí để mua sắm trang thiết bị mới", ông Quảng nói.
Theo tiêu chuẩn, một máy xạ trị đáp ứng cho khoảng 50-70 bệnh nhân/ngày. Hiện bệnh viện có 9 máy, để đáp ứng nhu cầu của người bệnh cần phải có thêm 6-7 máy nữa. Thiếu máy, bệnh nhân phải kéo dài thời gian xạ trị từ 5h sáng đến 22h đêm. Đặc biệt, khi tự chủ, bệnh viện sẽ phải đóng thuế đất hàng chục tỷ đồng mỗi năm. "Đây là một bài toán khó trong công tác tài chính của bệnh viện", ông Quảng nói và bày tỏ nỗi lo ngại "nếu tự chủ toàn diện thì bệnh viện sẽ phải nâng cao nguồn thu để bù chi".
Đặc thù là bệnh viện đầu ngành, Bệnh viện K thường xuyên phải làm công tác đào tạo và chỉ đạo tuyến. "Khi tự chủ, mọi thứ phải tự lo, học viên đến bệnh viện học có phải đóng tiền học phí không, đóng bao nhiêu và việc chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho tuyến dưới cũng phải có chi phí... đây cũng là một bài toán", ông Quảng nói.
Về mặt tổ chức, khi tự chủ, mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng quản lý, Ban Giám đốc còn nhiều bất cập, như hoạt động quản lý chồng chéo, vai trò chưa được phân định rõ ràng... Những vấn đề này Bệnh viện Bạch Mai cũng gặp phải.
Hiện, một ngày Bệnh viện K tiếp đón khoảng 2.000 bệnh nhân, ngày đông thì 2.300. Theo ông Quảng, tự chủ toàn diện hay tự chủ một phần thì bệnh viện vẫn phải đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh cho người bệnh, và đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân.
Bệnh viện K chuyên điều trị ung thư, hầu hết bệnh nhân nghèo, phải điều trị lâu dài tốn kém. Khi không có nguồn thu, bệnh viện khó có thể đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhu cầu người bệnh. Mặt khác, thực hiện tự chủ toàn diện, bệnh viện vẫn không thể giảm ngay được tình trạng quá tải do số lượng người bệnh đến khám và điều trị vẫn còn lớn.
Như vậy, chỉ trong vòng một tuần, hai bệnh viện lớn tuyến trung ương là Bạch Mai và K đều xin thay đổi cơ chế tự chủ. Sáng 18/8, làm việc với quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, đại diện Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện, chỉ thực hiện tự chủ tài chính về chi thường xuyên.
Bốn ngày sau, tại cuộc họp với Thủ tướng và các bộ ngành, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế này tại các bệnh viện công. "Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. Vậy việc tự chủ có ảnh hưởng tới các bệnh viện không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá... Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế", ông Phớc nói, đồng thời cho rằng cần làm sớm, nếu muộn thì phải mất 3 năm nữa vì Bộ Tài chính đang lập ngân sách cho năm 2023 để tháng 10 trình Quốc hội. Khi đó, nếu vấn đề này không nằm trong dự toán ngân sách thì phải đến năm 2026 mới có thể bàn lại.
Còn GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng tự chủ bệnh viện là cần thiết nhưng phải có chế tài quy định. "Đừng nghĩ rằng tự chủ là khoán đứt mà tự chủ là tận dụng tối đa năng lực của bệnh viện, Chính phủ vẫn phải đứng đằng sau hỗ trợ. Cần có những chế độ, quy định để phát huy thế mạnh, hỗ trợ cho bệnh viện", ông nói.
© thitruongbiz.vn