Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát đối tượng ưu tiên tiêm vaccine tại các "tâm dịch" Covid-19
Thủ tướng yêu cầu rà soát đối tượng ưu tiên tiêm vaccine tại các "tâm dịch" Covid-19
Cụ thể, thông báo Kết luận của Thủ tướng nêu rõ: Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấp ủy, chính quyền 2 tỉnh phân công rõ trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, cá nhân; thống nhất tư tưởng chỉ đạo, cách làm, cách tổ chức thực hiện, giải pháp phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả và nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội.
Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tiễn tại 2 tỉnh, Bộ Y tế cử một đồng chí thứ trưởng, chủ trì Tổ công tác tại mỗi tỉnh. Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng... chủ động phối hợp, cử cán bộ tham gia Tổ công tác của Bộ Y tế thường trực tại 2 tỉnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả công tác phòng ngừa. Coi phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ khi chưa có dịch bằng các biện pháp đã chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia và hướng dẫn của Bộ Y tế là cơ bản, chiến lược, quyết định trong phòng, chống dịch.
Lãnh đạo địa phương phải bám sát, đánh giá thấu đáo tình hình, huy động trí tuệ của tập thể cấp ủy và của hệ thống chính trị trong đánh giá tình hình để chủ động, sáng tạo, quyết định theo thẩm quyền việc lựa chọn, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, chủ động, hiệu quả theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đúng thẩm quyền; vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên (nhất là các giải pháp liên quan đến phong tỏa, giãn cách), phù hợp với tình hình dịch bệnh tại từng địa bàn, từng khu vực cụ thể.
Thủ tướng yêu cầu rà soát đối tượng ưu tiên tiêm vaccine tại các "tâm dịch" Covid-19 |
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong phòng, chống dịch.Tăng cường năng lực, huy động tối đa các nguồn lực để xét nghiệm, tập trung xét nghiệm nhanh, thần tốc sàng lọc các trường hợp nghi mắc bệnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện phương châm lấy tấn công là chủ yếu và theo tinh thần thần tốc hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.
Thực hiện áp dụng bắt buộc các giải pháp công nghệ phục vụ kiểm soát dịch bệnh. Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, hoàn thiện các ứng dụng công nghệ để chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế quy định triển khai trên toàn quốc, trước hết áp dụng ngay tại 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Giải pháp 5K; yêu cầu quán triệt, nghiêm túc thực hiện và xử phạt nghiêm hành vi không đeo khẩu trang theo quy định; thành lập các Tổ phòng chống dịch Covid cộng đồng. Đẩy mạnh kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh, cư trú trái phép. Đối với 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh cần phải làm mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.
Các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng chủ động phối hợp với 2 tỉnh tăng cường nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất theo phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm “phòng ngừa chủ động, tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”. Tăng cường công tác kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh; chủ động tham gia, hỗ trợ Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp cận các nguồn vaccine trên thế giới với đề xuất, hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả, tránh hình thức, chung chung.
Bộ Y tế khẩn trương có văn bản hướng dẫn địa phương thí điểm áp dụng các mô hình mới, phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch và đặc điểm của địa phương. Triển khai mạnh mẽ chiến lược mua, sản xuất và tiêm vaccine. Khẩn trương rà soát để bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm vaccine, bổ sung Bắc Ninh và Bắc Giang, trong đó lập danh mục các đối tượng được tiêm theo thứ tự ưu tiên. Tiếp tục thông tin, truyền thông kịp thời, trung thực, toàn diện, sát thực tế, khách quan về dịch bệnh. Thực hiện chặt chẽ và chịu trách nhiệm các yêu cầu về chuyên môn phòng, chống dịch và nguồn lực con người phải đáp ứng đủ, có chất lượng theo quy định.
Bộ Ngoại giao chủ động làm việc với đại sứ các nước ở Việt Nam, yêu cầu các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài chủ động làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan để hỗ trợ Bộ Y tế tiếp cận với các nguồn vaccine nhanh nhất, sớm nhất, nhiều nhất có thể.
Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, tiêu thụ hàng hóa, cung ứng các loại hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ hàng nông sản.
Bộ Giao thông vận tải cử 1 đồng chí thứ trưởng tập trung chỉ đạo, điều hành hoạt động vận tải, vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, vận chuyển công nhân qua lại giữa 2 tỉnh và các địa phương lân cận.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ động và trực tiếp làm việc với 2 tỉnh để thực hiện các chính sách, cơ chế cụ thể hỗ trợ nhân dân, công nhân, người lao động, người có điều kiện khó khăn, người yếu thế và cả doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh trên địa bàn 2 tỉnh.
Bộ Tài chính chủ động, tích cực tháo gỡ các vướng mắc, quy định về thủ tục hành chính liên quan đến công tác phòng chống dịch.
Hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh hiện là tuyến đầu, pháo đài phòng, chống dịch. Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Lao động-Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành và địa phương liên quan (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang...) chủ động, phối hợp, hỗ trợ tích cực 2 tỉnh với tinh thần “Bắc Ninh, Bắc Giang đang nỗ lực phòng chống dịch vì cả nước; cả nước đang quan tâm, hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh”.
Theo dự báo, trong các ngày tới, dịch bệnh tại Bắc Giang, Bắc Ninh vẫn sẽ diễn biến phức tạp; sẽ tiếp tục gia tăng các ca mắc mới trong các khu cách ly, khu vực đã phong tỏa và nguy cơ dịch bệnh lây lan ra cộng đồng (ngoài khu vực đã được phong tỏa) rất cao và có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả không được duy trì liên tục. Việc gia tăng số người mắc sẽ làm gia tăng các yêu cầu về nhân lực, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết về xét nghiệm, cách ly, điều trị, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh... và nhiều khó khăn, thách thức mới về quản lý phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Mục tiêu cao nhất hiện nay trong phòng chống dịch là phải tập trung ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh ở 2 tỉnh. Do đó, cả Bắc Giang và Bắc Ninh với sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ tích cực của các bộ, ngành liên quan và của các địa phương liền kề, tiếp tục tập trung cao độ, chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao hơn và thực hiện có hiệu quả hơn các biện pháp theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg, số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo không được quên dịch ở ngoài cộng đồng
Chiều 27/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Tại cuộc họp, cả hai tỉnh đều đề nghị, để chuẩn bị tình huống xấu có nhiều ca nhiễm, dù ở trong khu cách ly, Trung ương cần tiếp tục hỗ trợ thiết lập các bệnh viện dã chiến để tiếp nhận những bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng nặng. Các bộ ngành đang chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ, chi viện cho Bắc Ninh, Bắc Giang với tinh thần “hai tỉnh lúc này đang là pháo đài chống dịch cho cả nước, vì cả nước. Cả nước cũng phải vì Bắc Ninh và Bắc Giang”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. |
Từ thực tế chống dịch ở Bắc Giang tập trung vào KCN, Phó Thủ tướng đề nghị: Bắc Ninh, Bắc Giang và các địa phương trên cả nước, cả những nơi chưa thực hiện giãn cách xã hội không được quên ở ngoài cộng đồng, phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc, đánh giá thường xuyên. Những địa phương có KCN phải rà soát, đánh giá, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo phòng, chống dịch; kiểm tra đánh giá an toàn từng cơ sở sản xuất, thực hiện khai báo y tế với người lao động.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tất cả các địa phương phải nâng cao cảnh giác ở mức cao nhất, tuyệt đối không được có suy nghĩ “dịch chỉ có ở các KCN, không ở tỉnh mình” hay “dịch chỉ ở trong KCN mà không ở những khu vực khác, hoạt động khác”.