Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/8, VN-Index tăng nhẹ 4,01 điểm, đạt 1.256,75 điểm; HNX-Index tăng 1,43 điểm, đạt 301,33 điểm. Sắc xanh lan trên diện rộng, tâm lý nhà đầu tư đã lạc quan hơn.
Diễn biến phiên giao dịch thị trường chứng khoán ngày 8/8 |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/8, VN-Index tăng 4,01 điểm, đạt 1.256,75 điểm; HNX-Index tăng 1,43 điểm, đạt 301,33 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên mua với 544 mã tăng và 307 mã giảm. Rổ VN30 phân hóa mạnh với 13 mã giảm, 14 mã tăng và 3 mã tham chiếu.
Khối lượng giao dịch của VN-Index duy trì ở mức khá, đạt 699 triệu đơn vị, với giá trị 15,7 nghìn tỷ đồng; HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt 96 triệu đơn vị, với giá trị 1,9 nghìn tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index duy trì sắc xanh nhẹ đến cuối phiên nhờ diễn biến khả quan của các mã PVS, HUT, KSF, L14...
Nhóm ngành chế biến thủy sản giao dịch với chiều hướng tích cực với 8 mã tăng và 3 mã tham chiếu. Trong đó, ACL và ANV kịch trần 7% cùng thanh khoản tăng mạnh, IDI tăng 6,5%, VHC tăng 5,13%, FMC, CMX tăng hơn 4%, SJ1 tăng 3,8%.
Bên cạnh đó, các nhóm ngành khai khoáng, thiết bị điện, bán buôn, sản xuất nhựa – hóa chất,… cũng ghi nhận diễn biến khả quan.
Ở chiều ngược lại nhóm ngành nông-lâm-ngư suy yếu trước sự điều chỉnh của các cổ phiếu HAG (-4,82%), BAF (-3,96%), HNG (-2,34%),…
Về giao dịch của khối ngoại, khối này bán ròng trên sàn HOSE với giá trị 99 tỷ đồng, trong đó VNM và HPG là hai mã bị bán ròng nhiều nhất. Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng hơn 37 tỷ đồng, trong đó SHS được mua ròng nhiều nhất, với giá trị hơn 35 tỷ đồng.
Nhận định về thị trường chứng khoán, SSI Research dự báo VN-Index vận động trong kênh giá 1.220 – 1.300 điểm trong tháng 8. Mốc 1.300 điểm đóng vai trò là kháng cự quan trọng xác định xu hướng trung hạn của chỉ số.
Góc nhìn tương đồng, ông Nguyễn Hồng Điệp, CEO của CTCP Tư vấn Đầu tư S-Talk chia sẻ quan điểm cá nhân để VN-Index vươn lên 1.300 điểm phải cần đột phá, đặc biệt dòng tiền HOSE phải trên 20.000 tỷ đồng/phiên. Trong ngắn hạn, thị rường có thể rơi vào vùng quá mua.
Còn theo bộ phận phân tích Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), xu hướng ngắn hạn của thị trường nghiêng về tích cực và VN-Index có thể hướng đến vùng kháng cự tiếp theo khoảng 1.260 – 1.285 điểm thời gian tới. Xét về trung và dài hạn, thị trường vẫn đang hình thành vùng tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với nhiều năm.
Mốc điểm 1.260 điểm trên cũng được Chứng khoán VNDirect đưa ra. Dự báo trong tháng 8 này, chỉ số dao động trong vùng 1.180 – 1.260 điểm.
Ngưỡng mục tiêu trên đang khá gần với vùng điểm số hiện tại của VN-Index. Nếu xét theo chỉ số, dư địa tăng của thị trường sẽ không còn nhiều.
Tuy vậy, sự quan tâm của nhà đầu tư vẫn hướng đến các nhóm ngành hay từng cổ phiếu hơn là chỉ số thị trường chung. Xu hướng phân hóa có thể khiến nhiều nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa thấp tăng giá mạnh trong khi không tác động nhiều về mặt điểm số.
Song, nhà đầu tư cũng không nên mua đuổi trong các nhịp tăng mạnh để tránh rủi ro. Thị trường vẫn đang được đánh giá là hồi phục sau nhịp giảm sâu. Những rủi ro của thị trường vẫn đang thường trực như lạm phát cao hơn dự kiến cho giá lương thực tăng, đồng USD tiếp tục mạnh lên gia tăng áp lực tỷ giá.
Nhìn dài hơi, SSI Researsch cho rằng nhà đầu tư trong nước sẽ tiếp tục phải lo lắng về các rủi ro bên ngoài, bao gồm lạm phát tại Mỹ, Fed tăng lãi suất và suy thoái toàn cầu.
Về yếu tố trong nước, những rủi ro trong nước sẽ rõ ràng hơn trong năm 2023 và 2024 rủi ro tiềm ẩn của ngành ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên rõ ràng hơn. Rủi ro sẽ phản ánh vào chất lượng tài sản của các ngân hàng.
SSI Research kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ có thể phản ánh trước tương lai và tạo đáy sớm hơn do các đợt điều chỉnh gần đây đã phản ánh được một phần những thách thức và rủi ro này. Kịch bản tốt nhất của đơn vị này đưa ra là VN-Index có thể sẽ biến động theo xu hướng lình xình (sideway) cho đến khi các rủi ro và bất ổn lớn được giải quyết.
© thitruongbiz.vn