"Nếu cứ chờ thì du lịch sẽ bị xoá sổ"

Chiều 24/1, tại Hội thảo “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế” Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) - Trương Gia Bình chia sẻ việc mở hay không mở cửa đón khách quốc tế thì tình hình dịch trong nước vẫn thế. Bản chất vấn đề phòng chống dịch là tiêm vaccine và các biện pháp giãn cách cần thiết. Việc mở cửa đón khách quốc tế cũng không làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong nước. Điều đó minh chứng qua việc gần 9.000 khách đến Việt Nam hai tháng qua mà vẫn đảm bảo an toàn.

Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia, doanh nghiệp đều đề xuất mở sớm du lịch quốc tế, không chờ đến 1/5/2022

Chưa kể, ông Bình cho rằng, không mở cửa du lịch quốc tế là đi ngược lại chính sách của Chính phủ - mong muốn phục hồi kinh tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc làm của hơn 2,5 triệu lao động, tác động đến nhiều ngành kinh tế khác, khiến Việt Nam tự đánh mất cơ hội. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã vượt ngưỡng chịu đựng.

Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock - TS. Thu Anh cũng chia sẻ quan điểm, Việt Nam có độ bao phủ vaccine cao, không có lý do gì phải đóng cửa. Ngay cả với biển chủng mới Omicron, chúng ta dự báo số người lây nhiễm có thể lên tới 100.000, 400.000, song, thực tế hầu hết các ca mắc đều nhẹ.

Do đó, chuyên gia gợi ý ba giải pháp có thể áp dụng tại Việt, đó là: đảm bảo cho người dân được miễn dịch, tức là được tiêm vaccine, nhất là với người có nguy cơ cao, bệnh nặng và tử vong; thế giới đã chuyển từ việc giãn cách xã hội từ rộng sang hẹp, giữa người với người; cần có phương án điều trị bệnh tốt, truyền thông hàng ngày, cho phép y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19 có thu phí.

“Các giải pháp này không ảnh hưởng đến việc mở hay đóng cửa du lịch. Chúng ta đang thích ứng an toàn, đóng cửa không làm giảm sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Tôi cho rằng, chúng ta chỉ chờ vaccine phòng lây nhiễm chứ không thể đóng cửa mãi. Thời gian chờ vaccine lại khá lâu, nếu cứ chờ thì du lịch sẽ bị xoá sổ", bà chia sẻ.

Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia, doanh nghiệp đều đề xuất mở sớm du lịch quốc tế, không chờ đến 1/5/2022.

Ủng hộ việc mở cửa du lịch quốc tế ngay từ đầu tháng 2/2022, đại diện Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), Phó Cục trưởng Đinh Việt Sơn cho hay, chúng ta đã mở các chuyến bay quốc tế thường lệ với 10 thị trường, như: Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Lào, Campuchia...

Theo ông Sơn, vướng mắc hiện nay là ngoài xét nghiệm âm tính PCR, trước và sau khi xuống tàu bay, khách quốc tế còn phải test nhanh. Việc xét nghiệm tại sân bay đã gây ra tình trạng tắc nghẽn, trong khi các nước không làm vậy. Nếu chúng ta vẫn giữ nguyên quy định, việc tổ chức bay sẽ rất vất vả, du khách sẽ thấy rắc rối.

Vì vậy, ông Sơn đề nghị nếu vẫn phải thực hiện test nhanh thì không nên tổ chức xét nghiệm ở sân bay, mà đưa về các điểm du lịch, cơ sở lưu trú đã có cam kết.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh (Bộ Công an) Việt Nam - Đại tá Trần Văn Dự cho biết, đang duy trì miễn visa đơn phương đối với 13 nước, song phương với các nước chủ yếu trong khu vực ASEAN, cấp thị thực điện tử cho 78 nước. Cơ quan này đề xuất nên miễn visa cho toàn bộ du khách, nhưng cần cân nhắc khi cấp thị thực tự do.

Đề xuất giảm bớt các quy định cách ly, thủ tục phức tạp

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch, chỉ ra nguyên nhân xuất phát từ quy định chống dịch hiện hành như thị thực, hạn chế di chuyển trong 7 ngày. Vì vậy ông đề xuất giảm thiểu các quy định cách ly, thủ tục phức tạp. Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành nên được tham gia đón khách và sự hỗ trợ tốt nhất là nới lỏng quy định đăng ký của họ.

Các đại biểu trong hội thảo cũng cho rằng "không phải Việt Nam mở cửa là sẽ có khách", vì vậy đề xuất nhiều biện pháp. Cụ thể cho phép chương trình miễn thị thực của năm 2019 được áp dụng trở lại, chỉ quy định du khách có kết quả âm tính nCoV 72 giờ trước khi lên máy bay mà không phải cách ly.

Thực tế hiện nay, quy định phòng, chống dịch và hạn chế đi lại chưa có sự thống nhất từ cấp Trung ương tới địa phương. Theo ông Lương Thanh Quảng, Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đây là điều khách du lịch quốc tế sợ nhất. Ông lý giải người nước ngoài du lịch Việt Nam có chuẩn bị từ rất sớm, nên chính sách nhất quán sẽ tạo sự yên tâm cho họ.

Các đại biểu trong hội thảo cũng cho rằng "không phải Việt Nam mở cửa là sẽ có khách", vì vậy đề xuất nhiều biện pháp. Cụ thể cho phép chương trình miễn thị thực của năm 2019 được áp dụng trở lại, chỉ quy định du khách có kết quả âm tính nCoV 72 giờ trước khi lên máy bay mà không phải cách ly. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng nên cho phép địa phương được chủ động lựa chọn doanh nghiệp tham gia đón khách và giảm bớt các quy định đăng ký khó khăn.

Tổng kết hội thảo với 14 phần phát biểu, trong đó đa phần ý kiến đồng tình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ tổng hợp, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho mở cửa lại thị trường quốc tế hoàn toàn và sớm công bố thời điểm rộng rãi.

Hiện nay Việt Nam có nhiều điểm mạnh để mở cửa du lịch như đường bay quốc tế được nối trở lại, tỷ lệ tiêm vaccine đứng thứ 6 toàn thế giới và dự kiến đến 30/3 sẽ tiêm đủ mũi thứ 3 cho toàn dân. Du lịch nội địa có thể là cứu cánh, song doanh thu chủ yếu đến từ thị trường quốc tế, do đó việc mở cửa làm sống lại "hơi thở" ngành du lịch, là mong muốn của hàng nghìn doanh nghiệp.