Sáng ngày 13/5, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, ghi nhận 2 trường hợp dương tính Covid-19 liên quan đến ổ dịch mới tại quận Thanh Xuân. Đây là 2 F1 của 2 vợ chồng trú tại Lê Văn Lương - trường hợp bị Phòng khám Đa khoa quốc tế (PKĐKQT) Thu Cúc từ chối tiếp nhận hôm 9/5 - và được công bố dương tính ngày 12/5.

Nếu PKĐKQT Thu Cúc không từ chối phục vụ 2 ca bệnh có dấu hiệu mắc Covid-19 và có lịch sử dịch tễ liên quan đến Đà Nẵng thì có lẽ đã hạn chế rất nhiều khả năng lây nhiễm lan rộng ra cộng đồng…

PKĐKQT Thu Cúc gián tiếp làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng?

Cụ thể, chiều 12/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin 3 ca dương tính SARS-CoV-2 mới, trong đó, có 2 vợ chồng tại Hà Nội từng đi du lịch Đà Nẵng từ 30/4 đến 2/5, di chuyển nhiều nơi trong thành phố trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính bằng phương pháp GenExpert tại Bệnh viện Hữu Nghị.

Theo khai báo dịch tễ của 2 trường hợp này, đáng chú ý là vào 9h30 ngày 9/5 có đi khám tại PKĐKQT Thu Cúc (Cơ sở 216 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy), tiếp xúc với nhân viên y tế có mặc đầy đủ bảo hộ nhưng lại bị từ chối ở cửa do có yếu tố đi từ Đà Nẵng.

BVĐKQT gián tiếp làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng?
BVĐKQT Thu Cúc nằm trong danh sách 125 đơn vị được Bộ Y tế cấp phép việc đủ điều kiện xét nghiệm Covid-19.

Sau khi bị PKĐKQT Thu Cúc từ chối, 2 vợ chồng này đã di chuyển thêm rất nhiều nơi với lịch trình phức tạp trước khi bị xác nhận dương tính vào ngày 12/5. Do đó, kéo theo việc truy vết của các tổ công tác phòng chống dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn hơn và làm tăng nguy cơ lây nhiễm lan rộng ra cộng đồng.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt trong thời điểm Hà Nội đang là tâm dịch, các y/bác sỹ, lực lượng tuyến đầu đang từng giờ , từng phút chạy đua với thời gian để chống dịch thì PKĐKQT Thu Cúc lại từ chối và không có bất cứ hướng dẫn nào cho người dân về việc khai báo y tế hay đến các Bệnh viện hoặc các Trung tâm Y tế kháclàm xét nghiệm?

Đặc biệt, đáng nói là BVĐKQT Thu Cúc nằm trong danh sách 125 đơn vị được Bộ Y tế cấp phép việc đủ điều kiện xét nghiệm Covid-19. Trường hợp nói trên dù không thuộc ổ dịch nhưng cũng có lịch sử dịch tễ về từ vùng dịch, tại sao PKĐKQT Thu Cúc lại không khoanh vùng sàng lọc mà lại "bỏ sót" để lây lan dịch bệnh? Điều này đã khiến dư luận và lãnh đạo các cơ quan chức năng bức xúc và đặt ra dấu hỏi về lương tâm nghề y cũng như trách nhiệm của BVĐKQT Thu Cúc. Phải chăng, đơn vị này chỉ biết nghĩ đến các lợi ích kinh tế mà đi ngược lại với các quy định phòng chống dịch?

Tòa nhà 27 Lê Văn Lương nơi hai vợ chồng sinh sống đã bị phong tỏa. Anhr:TL
Tòa nhà 27 Lê Văn Lương nơi hai trường hợp đến BVĐKQT Thu Cúc khám nhưng bị từ chối tiếp nhận đã sinh sống đã bị phong tỏa. Ảnh :TL

Liên quan tới thông tin Phòng khám đa khoa Quốc tế Thu Cúc không tiếp nhận bệnh nhân, ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc CDC Hà Nội khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, TP Hà Nội cũng như ngành y tế đều đã có quy định tất cả các nhà thuốc, cơ sở y tế tư nhân hay công lập đều phải có trách nhiệm giám sát, điều tra các ca nghi liên quan đến Covid-19. Tùy vào năng lực từng cơ sở y tế, nếu không đủ năng lực thì phải liên hệ với cơ sở y tế địa phương để cùng phối hợp. Việc cơ sở y tế từ chối tiếp nhận bệnh nhân có yếu tố dịch tễ, để bệnh nhân ra về là không đúng quy định.

Hiện tại, trường hợp bệnh nhân có lịch sử dịch tễ Đà Nẵng nhưng không khai báo y tế, Chủ tịch UBND Hà Nội đã giao Sở Nội vụ khẩn trương phối hợp với Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong vi phạm quy định phòng chống dịch đối với ông N.V.T – Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội. Đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan đối với vi phạm của ông N.V.T và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Vậy, đối với BVĐKQT Thu Cúc - đơn vị không tiếp nhận trường hợp có dấu hiệu mắc Covid-19 và không tư vấn, hướng dẫn người bệnh thực hiện theo các quy định phòng dịch, gián tiếp để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng sẽ bị xử lý như thế nào?

Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và thực hiện nghiêm tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống Covid-19, Bộ Y tế đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thường xuyên đánh giá bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống Covid-19 (theo Bộ tiêu chí ban hành tại Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020 và 4999/QĐ-BYT ngày 01/12/2020). Các cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí bệnh viện và phòng khám an toàn. Kiên quyết đóng cửa, tạm dừng hoạt động cũng cơ sở không đạt tiêu chuẩn; xem xét xử lý kỷ luật các cơ sở không chấp hành quy định.

Đồng thời, tổ chức nghiêm công tác sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh ngay từ khi đến cổng/ cửa tiếp đón của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng dẫn tại Công văn số 1385/CV-BCĐQG ngày 19/3/2020 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng dẫn tại Quyết định số 5188/QĐ-BYT ngày 14/12/2020.

Đình chỉ hoạt động từ ngày 13/5 cho đến khi có thông báo mới

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - ông Hoàng Đức Hạnh vừa ký quyết định số 2726/QĐ-SYT về việc đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh đối với PKĐKQT Thu Cúc do liên quan đến ca bệnh Covid-19.

Theo quyết định, PKĐKQT Thu Cúc trực thuộc Công ty Cổ phần Y khoa và Thẩm Mỹ Thu Cúc tại địa chỉ số 216 Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) bị đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để xác minh và xử lý thông tin liên quan đến quá trính tiếp nhận, xử lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận ngày 12/5.

Việc tạm đình chỉ hoạt động để đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám theo quy định của Bộ Y tế. PKĐKQT Thu Cúc không được hoạt động khám bệnh, chữa bệnh kể từ ngày 13/5 và chỉ được phép hoạt động trở lại khi có văn bản cho phép của Sở Y tế Hà Nội.

BVĐKQT Thu Cúc gián tiếp “làm khó” công tác phòng chống dịch Covid-19?
Đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh đối với PKĐKQT Thu Cúc từ ngày 13/5 cho đến khi có thông báo mới.

Trong thông cáo báo chí, PKĐKQT cho biết: Bệnh nhân N.T.T.H (SN 1979, trú tại 27 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội) đến khám tại phòng khám vào lúc 9h51 phút ngày 9/5 do có biểu hiện đau họng. Tại đây, bộ phận sàng lọc - phân luồng đã khai thác tiền sử và sàng lọc theo quy trình do Bộ Y tế hướng dẫn. Bệnh nhân khai báo về các nơi đến/qua/ở tại Đà Nẵng và các chuyến bay Hà Nội - Đà Nẵng. Tuy nhiên, những nơi đến và các chuyến bay bệnh nhân khai báo không nằm trong danh sách các ổ dịch đang lưu hành theo thông báo của Bộ Y tế (có bảng cập nhật kèm theo ngày 9/5).

Căn cứ vào thông tin khai báo của bệnh nhân, phòng khám xác định bệnh nhân không nằm trong đối tượng có yếu tố dịch tễ. Bệnh nhân tại thời điểm sàng lọc không có biểu hiện bị sốt, ho, khó thở (đo thân nhiệt 36,4 độ). Do thời điểm này có một số ổ dịch tại Đà Nẵng nên phòng khám đã hướng dẫn người bệnh về trạm y tế phường để khai báo dịch tễ cũng như được hỗ trợ xét nghiệm sàng lọc với mục đích nâng cao hơn nữa một mức cảnh báo về phòng chống dịch của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê từng khẳng định, đối với các cơ sở khám chữa bệnh không đủ điều kiện giữ bệnh nhân điều trị cần thông báo rõ để các đối tượng, người có nguy cơ chỉ đến khám tại cơ sở y tế được các tỉnh, thành phố cho phép điều trị. Nếu các cơ sở y tế tư nhân không thực hiện đúng quy định cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định thì Sở Y tế, Bộ Y tế sẽ rút giấy phép, đình chỉ theo các quy định của pháp luật.

"Các bệnh viện tư nhân cần chuẩn bị phương án ứng phó với tình huống người nghi mắc cần phẫu thuật can thiệp cấp cứu nhằm vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh vừa đảm bảo an toàn cho nhân viên. Bệnh viện tư nhân phải có trách nhiệm sàng lọc, phát hiện người bệnh mắc COVID-19, nhất là những bệnh nhân nước ngoài, tuyệt đối không được từ chối người có dấu hiệu nhiễm bệnh" - đây là chỉ đạo của Phó Giáo sư - Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh.

BVĐKQT Thu Cúc gián tiếp “làm khó” công tác phòng chống dịch Covid-19?
Đình chỉ hoạt đông khám chữa bệnh tại phòng khám Đa khoa Quốc tế Thu Cúc số 216 Trần Duy Hưng (Hà Nội) để xác minh và xử lý các thông tin liên quan đến quá trình tiếp nhận, xử lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận ngày 12/5.

Hiện, Sở Y tế vẫn đang tiếp tục làm việc với cơ sở này để xác định có vi phạm quy định trong phòng chống dịch bệnh hay không. "Liệu họ từ chối tiếp nhận bệnh nhân, hay hướng dẫn bệnh nhân sang bệnh viện khác, hay bệnh nhân tự ý đi về, chúng tôi sẽ phải làm rõ điều này thì mới kết luận được vụ việc" - ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin ./.

Để ngăn chặn, kiểm soát, hạn chế dịch Covid-19 lan rộng trong cộng đồng, Bộ Y tế cũng đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-BYT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở y tế.

Theo đó, đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ đạo thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh. Yêu cầu các cơ sở y tế phải chuẩn bị sẵn phương án cho tình huống dịch bệnh lan rộng trên địa bàn.