Động thái cần thiết

Thời gian qua, dư luận đã chia thành hai luồng ý kiến trái chiều rõ rệt liên quan đến vấn đề dẹp bỏ hay duy trì phố cà phê đường tàu ở Hà Nội.

Luồng quan điểm ủng hộ duy trì chủ yếu cho rằng phố cà phê đường tàu là một điểm du lịch hút khách trong những năm qua, đặc biệt với du khách nước ngoài, tạo ra nguồn thu nhập không nhỏ cho những người dân sống ở khu vực này, đóng góp vào ngành du lịch thủ đô.

Phố cà phê đường tàu tại Hà Nội đã từng được các báo, đài quốc tế và các du khách nước ngoài gợi ý là một trong những điểm du lịch thú vị. Nhiều ý kiến cho rằng việc cấm hoàn toàn phố đường tàu tại Hà Nội không chỉ là một niềm tiếc nuối đối với người dân, du khách mà còn bớt đi một điểm đến tiềm năng đối với ngành du lịch Hà Nội.

Phố cà phê đường tàu Hà Nội vi phạm hành lang an toàn đường sắt: Lệnh cấm là cần thiết
Việc kinh doanh trong hành lang an toàn đường sắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt. Ảnh: AFP/Getty Image

Ngược lại, những quan điểm cho rằng nên đóng hẳn phố cà phê đường tàu lại nhấn mạnh, những hoạt động kinh doanh ven hoặc ngang đường tàu tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trật tự giao thông đường sắt, có khả năng gây ra những tai nạn nguy hiểm đến tính mạng con người. Các chuyên gia giao thông cũng đánh giá, hoạt động kinh doanh ven hoặc ngang đường tàu đã khiến tốc độ tàu giảm xuống rất thấp, ảnh hưởng đến thời gian di chuyển của tàu.

Trước đây, cơ quan chức năng đã nhiều lần thực hiện dẹp bỏ các hoạt động kinh doanh ở phố đường tàu, tuyên truyền cho người dân hiểu và đảm bảo an toàn, nhưng sau đó tình trạng hàng quán lại đâu vào đấy.

Ngày 12/9, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu đang ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Từ ngày 15/9, UBND quận Hoàn Kiếm đã cho đóng cửa các quán cà phê trong phố cà phê đường tàu; xem xét rút giấy phép hoạt động kinh doanh của những cửa hàng vi phạm hành lang an toàn đường sắt qua phố Phùng Hưng. Đây được xem là động thái quyết liệt, mạnh mẽ nhất từ trước đến nay từ các cơ quan chức năng đối mô hình kinh doanh du lịch tự phát này.

Không dừng ở đó, chính quyền địa phương còn vận động, tuyên truyền người dân và du khách tạm thời không nên tập trung đông người trên phố cà phê đường tàu trong thời gian đợi biện pháp giải quyết giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải.

Tuy vậy, theo thông tin từ các cơ quan chức năng, vào khoảng 12h ngày 18/9, một du khách nước ngoài có hành vi cố tình lách qua khu vực chắn tàu để chụp ảnh “selfie” trong phố cà phê đường tàu tại khu vực đường ngang phố Trần Phú - Lý Nam Đế. Do bất cẩn, du khách này đã va chạm với đoàn tàu Lào Cai - Hà Nội đang kéo còi xin đường từ cầu Long Biên về ga.

Sau khi xảy ra va chạm, du khách may mắn không bị thương nặng và đã tự rời khỏi hiện trường. Tuy nhiên, vụ việc khiến đoàn tàu khách phải dừng lại để giải quyết sự cố, tuyến đường Điện Biên, Trần Phú ùn tắc.

Qua vụ việc này, có thể thấy hoạt động kinh doanh, chụp ảnh trong khu vực hành lang an toàn đường sắt khi tàu hoả đang chạy qua tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, mất an ninh trật tự giao thông. Việc các cơ quan chức năng tạm thời dừng các hoạt động kinh doanh tại phố cà phê đường tàu hoàn toàn có cơ sở, nhằm bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Nhiều chuyên gia giao thông cũng nhận định, không chỉ cà phê đường tàu mà các hoạt động kinh doanh khác sát đường sắt cũng không nên có. Hành lang an toàn của tàu hỏa nên được đảm bảo. Bên cạnh đó, không có cà phê đường tàu, Hà Nội vẫn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, an toàn với khách du lịch.

Đề án gắn với tuyến đường sắt: Khả thi không?

Nhiều ý kiến từ phía người dân, du khách và chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cũng nên cân nhắc những kế hoạch phát triển phố cà phê đường tàu thành sản phẩm du lịch mà vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn giao thông.

Phố cà phê đường tàu Hà Nội vi phạm hành lang an toàn đường sắt: Lệnh cấm là cần thiết
Lệnh cấm là một động thái cần thiết.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết, hơn 30 quán cà phê dọc phố đường tàu nằm trên địa bàn quận quản lý.

Thời gian qua, địa phương nhận được văn bản của ngành đường sắt kiến nghị dẹp bỏ khu vực này vì các hộ kinh doanh vi phạm an toàn hành lang đường sắt. Trước mắt, quận chỉ đạo các phường liên quan tổ chức thu hồi giấy phép kinh doanh và đình chỉ có thời hạn đối với các hộ tại đây.

Tuy nhiên, lãnh đạo quận cũng cho biết, địa phương dự kiến xây dựng đề án nhằm biến khu vực này trở thành điểm đến thu hút khách du lịch nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cả người dân và du khách, nhưng phải đảm bảo an toàn. Cụ thể, địa phương sẽ phối hợp với ngành giao thông và đường sắt xây dựng đề án cho hàng quán tại đây hoạt động theo khung giờ, phù hợp với thời gian tàu chạy.

Đáng nói, đề án gắn với tuyến đường sắt để tạo điểm nhấn về du lịch có thể là một phương án hay nhưng có khả thi hay không lại là một vấn đề khác.

Theo các chuyên gia đánh giá, tần suất đoàn tàu đi qua nội thành Hà Nội không nhiều, do đó ga Hà Nội hiện hữu cũng có thể sẽ phải di dời trong tương lai theo quy hoạch ngành Đường sắt đã được duyệt.

Thiết nghĩ, một đề án xây dựng và phát triển mộtt tụ điểm du lịch đòi hỏi nhiều chi phí, công sức, thời gian và tất nhiên phải đánh giá được nhiều yếu tố như hiệu quả về lâu dài, mức độ ảnh hưởng, nhóm đối tượng bị tác động, … Quan trọng hơn, đề án phải dựa trên cơ sở đúng luật, đảm bảo an toàn cho người dân, du khách và các đoàn tàu.