Nước cuối cùng ở châu Âu gỡ quy định phòng dịch COVID-19
Ảnh: Reuters |
Theo đó, từ ngày 21/10, du khách nhập cảnh Tây Ban Nha bao gồm công dân Liên minh châu Âu (EU) và ngoài khối EU không cần phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19. Các quy định xét nghiệm nhanh, điền thông tin tờ khai sức khỏe trước chuyến đi cũng được loại bỏ.
Theo Euronews.com, ngoài ra, quy định đeo khẩu trang tại nhà hàng, quán bar, bảo tàng, rạp chiếu phim... cũng không còn bắt buộc. Tuy nhiên, du khách vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang khi đến các cơ sở y tế và khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Các quy tắc có thể khác nhau theo từng khu vực. Do đó, du khách được khuyến cáo nên tự tra cứu các yêu cầu theo vùng dự định đến để tránh các khoản phạt không đáng có.
Tháng trước, Tây Ban Nha đã áp dụng các quy định nhập cảnh mới này đối với du khách đến từ EU hoặc khu vực Schengen. Nhiều người cho rằng phải đến tháng 11, nước này mới dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản du lịch. Tuy nhiên, quốc gia này đã thực hiện sớm hơn dự kiến.
Hiện nhiều điểm đến nổi tiếng thế giới vẫn còn một số quy định phòng dịch với khách quốc tế. Mỹ yêu cầu du khách 18 tuổi trở lên phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng khi nhập cảnh. Tương tự, Nhật Bản và Singapore cũng yêu cầu khách nhập cảnh phải có giấy tờ này. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa có động thái mở cửa du lịch trở lại.
COVID-19 vẫn là mối đe dọa tiềm tàng
Đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và sự xuất hiện của các biến thể mới vẫn là mối đe dọa tiềm tàng, tiếp tục gia tăng sức ép đối với hệ thống y tế vốn chưa phục hồi sau hơn 2 năm đại dịch hoành hành. Đây là cảnh báo của ông Babatunde Olowokure - Giám đốc Văn phòng Tình trạng khẩn cấp và An ninh y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực Tây Thái Bình Dương - đưa ra ngày 21/10.
Theo quan chức WHO, từ tháng 8 đến nay, Singapore và New Zealand ghi nhận số ca mắc mới gia tăng trở lại, trong khi số ca mắc mới và bệnh nhân COVID-19 cần nhập viện điều trị tại nhiều nước như Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản duy trì đà giảm. Ông cho biết biến thể phụ XBB của Omicron gây ra số lượng lớn ca mắc mới tại Singapore, trong khi BA.5 vẫn là biến thể lây nhiễm chủ đạo tại New Zealand. Hiện Singapore đã tái áp đặt nhiều biện pháp đảm bảo an toàn y tế công cộng như hạn chế số người vào thăm tại các bệnh viện và nhà dưỡng lão.
Báo cáo mới nhất của WHO cho biết kể từ khi COVID-19 lây lan mạnh vào năm 2020, khu vực Tây Thái Bình Dương đã có hơn 92 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 270.000 ca tử vong. Ông Olowokure cho rằng số ca mắc mới giảm tại nhiều nước là do mức độ bao phủ vaccine cao và người dân các nước cần tiếp tục cảnh giác với dịch bệnh khi các biến thể mới tiếp tục được phát hiện.
Mới đây, Ấn Độ phát hiện 2 biến thể phụ mới của Omicron là BF.7 và BQ.1, đồng thời đưa ra cảnh báo làn sóng dịch mới vào mùa Đông sắp tới.