Niken là gì và vì sao những ngày qua cả thế giới "điên cuồng" vì thứ kim loại này
Niken được ứng dụng rộng rãi trong đời sống của con người trong thời hiện đại. Tại Việt Nam, tổng trữ lượng và tài nguyên niken ước tính khoảng 3,6 triệu tấn, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa hơn 3 triệu tấn, Sơn La: 420.523 tấn, Cao Bằng: 133.677 tấn,

Niken là gì và bất ngờ về tên gọi Niken

Niken là 1 trong 5 kim loại thuộc nhóm kim loại sắt từ có màu trắng bạc còn được gọi là Nickel, kí hiệu hóa học là Ni.

Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) đã thêm niken vào danh sách đề xuất về "50 khoáng chất quan trọng" là danh sách gồm những khoáng chất thiết yếu đối với kinh tế hoặc an ninh quốc gia và có chuỗi cung ứng dễ bị gián đoạn.

Niken là kim loại cứng, láng thuộc nhóm sắt và cần độ bóng cao, nóng chảy ở nhiệt độ cao khoảng 1455oC, thường ở dạng hợp chất vì ở dạng hợp chất nó trơ với khí oxy trong khi dạng nguyên chất thì nó có tác dụng với oxy. Niken cũng là một chất dẫn nhiệt và điện khá tốt.

Ở điều kiện bình thường, Niken ổn định trong không khí và trơ với oxy nên thường được dùng làm tiền xu nhỏ, bảng kim loại, đồng thau.., cho các thiết bị hóa học và trong một số hợp kim.

Theo PGS. TS Ngô Xuân Thành (Đại học Mỏ - Địa chất) cho biết, trên thế giới, khoảng 70% lượng niken được dùng để sản xuất thép không gỉ, 17% được dùng để làm "siêu hợp kim" và 7% được dùng trong công nghiệp mạ, còn lại được ứng dụng trong các lĩnh vực khác, như pin sạc, chất xúc tác và các hóa chất khác.

Vì sao được đặt tên là Niken?

Hàng nghìn năm trước, người Đức phát hiện ra một thứ kim loại ánh vàng trông giống quặng đồng tại Erzgebirge và đã thử cố gắng chiết xuất đồng từ kim loại này nhưng không thành công. Do đó, những người thợ rèn đổ vạ cho Nickel (một nhân vật ưa quậy phá trong tín ngưỡng Đức), và gọi thứ kim loại là “kufernickel” (ghép giữa từ “kufer” nghĩa là “đồng” trong tiếng Đức và Nickel).

Niken là gì và vì sao những ngày qua cả thế giới "điên cuồng" vì thứ kim loại này
Nickel nguyên chất được xem là kim loại quý ứng dụng trong ngành thép không gỉ, siêu hợp kim và các ứng dụng khác như pin sạc.

Năm 1751, Nam tước Axel Fredrik Cronstedt - nhà hóa học người Thụy Điển khi cố gắng tách đồng từ một khối kufernickel đã thu được một thứ kim loại trắng bạc mà khoa học chưa biết tới và ông đặt tên cho kim loại là “Nickel”, dựa theo phỏng theo câu chuyện của người Đức.

Là một trong số 4 nguyên tố có từ tính ở nhiệt độ phòng là (sắt, cobalt, gadolinium, niken) nên Niken có ứng dụng mạnh trong sản xuất nâm châm. Do đó, Niken đang là kim loại thiết yếu trong sản xuất pin sạc, công nghệ làm nên sự thành công của xe điện.

Niken chủ yếu được khai thác ở dạng kết hợp với sắt. Hỗn hợp sắt-niken được cho tạo nên lõi của trái đất. Ở nhiệt độ phòng bị oxy hóa rất chậm nên được ứng dụng làm chất chống ăn mòn, chất phủ, hợp kim. Là một trong số 4 nguyên tố có từ tính ở nhiệt độ phòng là (sắt, cobalt, gadolinium, nickel) nên có ứng dụng mạnh trong sản xuất nâm châm. Ngoài ra nó còn là chất xúc tác cho các phản ứng hóa học quan trọng, chất dinh dưỡng cần thiết cho động vật với một lượng nhỏ.

Hiện nay Niken được khai thác chủ yếu tại Nga, Canada, New Caledonia, Úc và Indonesia. Ở dạng quặng pentlandit((Fe, Ni)₉S₈), garnierit(NiO). Nickel nguyên chất được xem là kim loại quý ứng dụng trong ngành thép không gỉ, siêu hợp kim và các ứng dụng khác. Nó được niêm yết trên sàn giao dịch kim loại Newyork và London để trao đổi với đơn vị tấn. Thị trường công nghiệp càng phát triển thì Niken có giá trị càng cao.

Tài nguyên Niken tại Việt Nam

Nghiên cứu của ThS Đào Công Vũ cho biết, tổng trữ lượng và tài nguyên niken ở Việt Nam ước tính khoảng 3,6 triệu tấn niken kim loại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa hơn 3 triệu tấn, Sơn La: 420.523 tấn, Cao Bằng: 133.677 tấn,

Trong đó phần lớn tài nguyên niken tồn tại ở dạng khoáng vật đi kèm trong quặng crôm như vùng mỏ crômit Cổ Định (Thanh Hóa), hiện chưa có giải pháp thu hồi hiệu quả. Quặng niken ở khu vực Sơn La và Cao Bằng chủ yếu là loại hình quặng niken - đồng xâm tán.

Cũng theo ThS Đào Công Vũ, định hướng phát triển công nghệ chế biến sâu niken phù hợp nhất hiện nay là sản xuất các chế phẩm muối niken và tiến tới hợp tác với các doanh nghiệp có công nghệ nguồn để sản xuất pin từ nguồn quặng niken trong nước.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, molipden đến năm 2025, có xét đến năm 2035, trong đó đã nêu rõ "hướng đi" đối với khoáng sản niken.

Theo đó, phấn đấu sản lượng khai tuyển đạt 118.000 tấn tinh quặng niken vào năm 2025. Đến năm 2025, đầu tư và đưa vào hoạt động 2 nhà máy sản xuất sản phẩm niken với tổng sản lượng khoảng 8.000-11.000 tấn/năm.

18 phút giá Niken gây "địa chấn" thị trường kim loại thế giới

Chiều 7/3 (giờ London), giá niken trên thị trường quốc tế đã tăng lên hơn 48.000 USD/tấn so với giá 29.775 USD/tấn ngày 4/3.

Những cảm xúc trái ngược đã đến từ giới giao dịch tới nhà đầu tư kim loại, nhưng "địa chấn" thực sự bùng nổ vào lúc 5h42 sáng 8/3 khi giá nickel tăng vọt thêm 30.000 USD/tấn chỉ sau vài phút và đến 6h00 cùng ngày, giá niken chính thức vượt ngưỡng 100.000 USD/tấn và khiến cả thị trường choáng váng.

Giá niken tăng đột biến 250% trong vòng chưa đầy 24 giờ đã đẩy thị trường kim loại vào tình trạng hỗn loạn, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho các nhà giao dịch đặt cược ngược chiều và khiến Sàn giao dịch kim loại London (LME) phải ra quyết định gần như chưa từng có trong lịch sử khi hủy tất cả các giao dịch diễn ra vào sáng 8/3 với tổng giá trị khoảng 3,9 tỉ USD.

Theo giới phân tích, lý do khiến giá niken tăng đột biến phần lớn được thúc đẩy bởi hoạt động "bán non" (short squeeze) tập trung vào nhà tài phiệt Trung Quốc Xiang Guangda - người đã đặt cược lớn vào giá niken sẽ giảm.

Niken là gì và vì sao những ngày qua cả thế giới "điên cuồng" vì thứ kim loại này
Niken đóng vai trò to lớn trong tương lai ngành xe điện trên khắp thế giới.

Đáng chú ý, đợt "bán non" này không phải mới xuất hiện mà đã nhen nhóm từ 2021 khi giá niken tăng lên từ mức thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhưng Xiang Guangda không tin rằng đà tăng giá sẽ kéo dài nên hông qua công ty của mình, Xiang Guangda bắt đầu tăng vị thế bán trên LME.

Theo giới chuyên gia nhận định, niken cũng không hề rẻ ngay cả trước khủng hoảng Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Các chuyên gia đã lo ngại về khả năng khan hiếm niken bởi các nhà sản xuất toàn cầu tăng tốc độ sản xuất xe điện.

Tuy nhiên, 18 phút lịch sử (từ 5h42 đến 06h00 ngày 8/3 - theo giờ London) của thị trường kim loại chắc chắn sẽ không lặp lại và giá niken sẽ giao dịch dưới 20.000 USD/tấn sau quý I/2022, một chuyên gia dự báo.

Tại Việt Nam, công ty duy nhất trên sàn chứng khoán đang có dự án khai thác mỏ niken - đồng là Công ty cổ phần tập đoàn PC1 (HOSE: PC1) cũng được hưởng lợi khi giá niken thế giới tăng vọt.

Cụ thể, ngày 8/3 cổ phiếu PC1 tăng lên ngưỡng 42.300 đồng và đạt đỉnh 46.500 đồng vào ngày 10/3, tăng 22.69% so với ngày 4/3. Dù dự án mỏ niken - đồng tại Cao Bằng phải đến quý IV năm 2022 mới đi vào hoạt động và sang 2023 mới có sản phẩm.

Theo thống kê, cổ phiếu PC1 tiếp tục đà giảm từ 11/3 đến nay nhưng vẫn đang ở ngưỡng 43.050 ngày 18/3 và tăng 9.4% so với ngày phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022.

Được biết, Công ty cổ phần tập đoàn PC1 được thành lập vào ngày 02/03/1963 với tên gọi ban đầu là Công ty Xây lắp đường dây và trạm, hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp điện. Sau gần 60 năm, Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 đã mở rộng phạm vi sang lĩnh vực SXCN, đầu tư năng lượng, đầu tư bất động sản, tư vấn và dịch vụ. Lợi nhuận thời gian qua của PC1 nằm chính ở mảng bất động sản với mục tiêu mang lại lợi nhuận sau thuế 150 tỉ đồng và mảng năng lượng với mục tiêu doanh thu tăng 89% cùng biên lợi nhuận gộp đến 57% như năm 2021.

Công ty liên tiếp nhiều năm nằm trong TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, TOP 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, TOP 50 doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc, TOP 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam với quy mô hơn 20 đơn vị thành viên và doanh thu trên 6.000 tỷ đồng.

Hiện tại, PC1 đang sở hữu mỏ Niken - đồng tại Hà Trì (Cao Bằng) - mỏ có trữ lượng Niken lớn thứ 3 ở Việt Nam thuộc quyền sở hữu khai thác của Công ty cổ phần Khoáng sản Tấn Phát (một công ty con của PC1 khi PC1 có tỷ lệ sở hữu 57,27%).