Mới đây, lãnh đạo Công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết đơn vị nghiệp vụ của Công an quận đang vào cuộc điều tra xác minh vụ giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó vào ngày 1/10, Công an phường Bồ Đề (quận Long Biên) nhận được đơn trình báo của ông P., 51 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội). Theo đơn, ông P. nhận được điện thoại từ một người xưng là cán bộ Công an Đà Nẵng thông báo có quyết định bắt giam ông liên quan tới 1 đường dây mua bán ma túy và rửa tiền.

Sau đó người này yêu cầu ông P. phải giải trình tài khoản ngân hàng và cung cấp mã OTP. Sau khi thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng thì ông P. phát hiện tài khoản bị rút mất 317 triệu đồng. Phát hiện mình bị lừa nên ông P. đã đến cơ quan công an trình báo.

Nghe một cuộc điện thoại từ kẻ lạ, người đàn ông tại Hà Nội mất hơn 300 triệu đồng
Theo Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) - Thiếu tướng Trần Ngọc Hà cho biết, thời gian qua, đơn vị đã khám phá nhiều vụ án liên quan đến lừa đảo qua mạng. Ví dụ như việc nhắn tin, gọi điện thoại giả công an, quân đội...

Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân đây là thủ đoạn lừa đảo, người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh “mắc bẫy của đối tượng xấu”.

Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Ngày 7/5 vừa qua, Công an phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) cũng tiếp nhận đơn trình báo của ông Q. (trú tại quận Cầu Giấy) về việc nhận được cuộc điện thoại từ một đối tượng tự xưng là công an, thông báo ông Q. đang bị điều tra về vụ án ma túy và yêu cầu ông Q. chuyển tiền cho anh ta để xác minh. Ông Q. đã chuyển 2,6 tỷ đồng cho người gọi điện thoại xong mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Trước đó, một phụ nữ ở quận Hai Bà Trưng cũng đã chuyển 360 triệu đồng cho đối tượng gọi điện tự xưng là công an đang điều tra vụ án ma túy liên quan đến bà. Hiện, Công an phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) đang tiến hành điều tra vụ việc theo đơn trình báo.

Chị Nguyễn Thị L. (huyện Phúc Thọ) cho biết, vào ngày 26/4, chị có nhận được cuộc điện thoại của người lạ (số 88260009275) thông báo việc chị mở tài khoản tại một ngân hàng chi nhánh Đà Nẵng và đang nợ số tiền gần 40 triệu đồng. Tuy phủ nhận việc mình vay nợ, nhưng khi người gọi xưng danh là cán bộ điều tra, yêu cầu phải phối hợp thì chị đã làm theo hướng dẫn, gửi ảnh chụp thẻ ngân hàng, chứng minh thư nhân dân, để rồi tài khoản ngân hàng bị "bốc hơi" 395 triệu đồng.

Tại TP HCM, một vụ lừa đảo bằng hình thức gọi điện thoại lớn nhất xảy ra đang được công an điều tra. Nạn nhân là bà Q., ngụ tại quận Bình Tân, chỉ sau cuộc điện thoại lạ, đã bị kẻ gian lừa, chuyển toàn bộ 17 tỉ đồng từ 2 tài khoản ngân hàng của bà cho chúng.

Được biết, bà Q. bị một người lạ, gọi qua số điện thoại cố định, tự xưng là nhân viên ngân hàng, dọa bà lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gần 40 triệu đồng. Sau đó, người này cho hay, hồ sơ được chuyển sang công an thụ lý. Kẻ này yêu cầu bà cung cấp tài khoản, mật khẩu của hai tài khoản để phục vụ công tác điều tra, rồi chiếm đoạt số tiền trên.

Bộ Công an khuyến cáo người dân cảnh giác với lừa đảo qua điện thoại

Theo Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) - Thiếu tướng Trần Ngọc Hà cho biết, thời gian qua, đơn vị đã khám phá nhiều vụ án liên quan đến lừa đảo qua mạng. Ví dụ như việc nhắn tin, gọi điện thoại giả công an, quân đội...

"Không phải gần đây mà từ 1-2 năm trước đã điều tra khám phá các vụ liên quan 4 - 5 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc). Công an đã bắt và đang giam giữ số đối tượng này", tướng Hà nói.

Cục trưởng C02 cho biết, hình thức lừa đảo trên xảy ra nhiều, đơn vị đã phối hợp, tuyên tuyền rất nhiều. "Cơ quan truyền thông cũng phải vào cuộc cùng để nâng cao nhận thức của người dân, cảnh giác trước loại tội phạm này", ông Hà cho biết.

Thực tế, khoảng tháng 11/2019, C02 cũng đã thông báo một số phương thức, thủ đoạn chủ yếu của loại tội phạm dùng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

C02 cũng đồng thời, khuyến cáo người dân cảnh giác trước những hành vi sau: giả nhà mạng thông báo nợ cước rồi mạo danh công an, Viện Kiểm sát "dọa" nạn nhân liên quan đến vụ án ma túy; Thông qua mạng xã hội Facebook... làm quen, chuyển quà; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để lừa đảo bạn bè, người thân của nạn nhân.

Theo cơ quan chức năng, thực tế vẫn có nhiều người bỗng dưng mất tiền tỉ sau cú điện thoại từ kẻ lạ.

Công an thành phố Hà Nội đã khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác, tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống, không làm theo yêu cầu từ số điện thoại lạ, kể cả cá nhân tự nhận là đại diện của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… Được biết, thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội sẽ tăng cường xác minh, điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi giả mạo hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.