UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam đồng ý với kế hoạch khai thác các chuyến bay nội địa đi và đến Cảng hàng không Phù Cát. UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản thống nhất với các nội dung đề xuất khai thác vận tải hàng không nội địa giai đoạn 1 đến và đi từ Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.

Tương tự, UBND tỉnh Điện Biên cũng đã có văn bản đồng ý với kế hoạch khôi phục vận tải hàng không giai đoạn 1, dự kiến áp dụng từ ngày 5/10 mà Cục Hàng không đề xuất. Trước đó, ngày 3/10, UBND tỉnh Phú Yên cũng có văn bản thống nhất với đề xuất khai thác vận tải hàng không giai đoạn 1 tần suất Phú Yên - Hà Nội 3 chuyến khứ hồi/ngày, Phú Yên - TP Hồ Chí Minh 4 chuyến/ngày.

Mới đây nhất, UBND TP Hồ Chí Minh cũng có văn bản "cơ bản thống nhất với dự thảo kế hoạch khai thác các đường bay nội địa". Riêng với đường bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Cục Hàng không Việt Nam tổ chức một số chuyến bay (khứ hồi) trong tuần để giải quyết một phần nhu cầu đi lại cấp thiết giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với TP Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc.

Mở lại đường bay nội địa: Khó nhất là mỗi địa phương áp dụng một kiểu
Mở lại đường bay nội địa: Khó nhất là mỗi địa phương áp dụng một kiểu

Bên cạnh 5 địa phương đồng ý với kế hoạch khôi phục hàng không, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Lê Khắc Nam ký văn bản đề nghị Cục Hàng không "tạm thời chưa khai thác các đường bay chở hành khách đi/đến Hải Phòng".

Kế hoạch phục hồi các đường bay nội địa được Cục Hàng không Việt Nam gửi đến các địa phương (ngày 1/10) để thống nhất trước khi triển khai cấp phép hoạt động trở lại sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách. Các địa phương gồm: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau.

Tổng số các đường bay nội địa dự kiến khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày. Trong đó, TP Hồ Chí Minh khôi phục lại 18 đường bay với 132 chuyến bay khứ hồi/ngày. Từ Đà Nẵng đi và đến các địa phương là 10 đường bay.

Riêng các đường bay đến và đi từ Thủ đô Hà Nội, Cục Hàng không đề xuất, từ ngày 5/10, ngành hàng không sẽ khai thác 91 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày trên đường bay giữa Hà Nội đi với các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang (Phú Quốc, Rạch Giá), Nghệ An, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo), Quảng Nam, Cần Thơ, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Điện Biên, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Đắk Lắk.

Ngày 3/10, UBND TP Hà Nội đã có văn bản phản hồi đề nghị Cục Hàng không Việt Nam làm rõ một số nội dung sau:

Đối với hành khách đi tàu bay, cần làm rõ tiêu chỉ được bay như: Hành khách thuộc các vùng xanh; hành khách thuộc các vùng có mức độ dịch ở cấp 3, cấp 4 cần được sự cho phép của chính quyền nơi đi và sự tiếp nhận của chính quyền nơi đến.

Đối với người dân hiện đang ở tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An tạm thời chưa di chuyển đến địa phương khác theo đúng tinh thần và nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1265/CĐ-TTg ngày 30/9/2021 về việc tiếp tục kiểm soát người ra vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An; và công văn số 351/UBND-ĐT ngày 1/10/2021 của UBND TP Hồ Chí Minh về việc phối hợp, hỗ trợ người dân lưu thông trong trường hợp cần thiết.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu cần làm rõ phương án bố trí phương tiện đưa đón hành khách đi/đến sân bay quốc tế Nội Bài với các địa phương có khách đi/đến đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của các địa phương, và để đảm bảo hành khách đi sân bay quốc tế Nội Bài được các địa phương tiếp nhận,

Đồng thời, cần làm rõ cơ chế phối hợp với các cơ quan y tế các địa phương để đảm bảo những hành khách đi tàu bay theo dự thảo kế hoạch có thuộc nhóm đối tượng phải thực hiện cách ly và các biện pháp cách ly cụ thể để đảm bảo phối hợp được chặt chẽ.

UBND TP Hà Nội đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ tổ chức khai thác các đường bay nội địa đi/đến sân bay quốc tế Nội Bài khi đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và được sự thống nhất bằng văn bản với UBND TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Thủ đô.

Trước đó, tại buổi giao ban công tác 9 tháng năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải diễn ra sáng 29/9, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai kế hoạch bay nội địa trở lại nằm ở các địa phương.

Ông Thắng nhấn mạnh: “Khôi phục vận tải là vấn đề sống còn, không chỉ với hàng không. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo và có quan điểm thống nhất trên cả nước, cứ để mỗi địa phương áp dụng một kiểu sẽ rất khó để bay nội địa trở lại”.