Theo UBND TP HCM, đến tháng 8/2021, HURC1 đã sử dụng hết kinh phí tạm ứng từ nguồn vốn điều lệ ban đầu là 14 tỉ đồng. Từ đó đến nay, người lao động công ty vẫn chưa được thanh toán lương và đóng các khoản bảo hiểm xã hội. Tổng các khoản nợ tính đến nay khoảng 6,7 tỉ đồng.

Do không có kinh phí để trả các khoản điện nước, viễn thông, dịch vụ bảo vệ… nên công ty phải ngừng sử dụng trụ sở tạm được UBND thành phố bố trí và phải sử dụng tạm các phòng họp của Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) để duy trì nơi làm việc.

Số nhân sự cần tuyển dụng để đáp ứng yêu cầu vận hành, bảo trì tuyến Metro số 1 vào cuối năm 2023 là 706 người. Tuy nhiên, từ khi thành lập năm 2015 đến nay công ty mới có 36 nhân sự và đến nay có 21 người đã nghỉ việc.

Trong khi đó, các nhà thầu xây lắp của dự án Metro số 1 có khả năng khiếu kiện chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị do không cung cấp được nhân sự để tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ theo hợp đồng ban đầu.

UBND TP HCM cho biết Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã nhiều lần có văn bản đôn đốc các cấp sớm xem xét giải quyết kinh phí cho Công ty vận hành metro số 1 để không ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho vận hành, khai thác tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên.

Năm 2015, UBND TP HCM trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 TP HCM và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Tháng 12/2015, UBND TP HCM ban hành quyết định thành lập công ty, vốn điều lệ là 14 tỷ đồng.

Giai đoạn UBND TP HCM trình hồ sơ đề nghị thành lập Công ty, dự án tuyến metro số 1 có kế hoạch khai thác từ năm 2018. Tuy nhiên, dự án đến nay chưa thể hoàn thành.

Tàu metro số 1 thử nghiệm hồi cuối năm 2022. Ảnh: MAUR.
Tàu metro số 1 thử nghiệm hồi cuối năm 2022. Ảnh: MAUR.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, với thời gian hoàn thành thi công là cuối quý 4/2023.

Cũng theo UBND TP HCM, do quy định pháp luật thay đổi từ khi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp được ban hành, UBND TP HCM không thể bố trí vốn từ ngân sách đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của công ty trong giai đoạn chuẩn bị vận hành tuyến metro dố theo Đề án thành lập.

Tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên hiện đã đạt khối lượng thi công tổng thể trên 94%. Các nhà thầu đã có kế hoạch và yêu cầu cung cấp nhân sự để triển khai đào tạo, chuyển giao công nghệ theo dự án.

Tuy nhiên, do Công ty vận hành metro số 1 chưa có kinh phí hoạt động nên chưa đáp ứng được yêu cầu về cung cấp nhân sự. Điều này ảnh hưởng đến việc hoàn thành, đưa dự án vào vận hành, khai thác.

“Việc giải quyết kinh phí, đảm bảo nguồn lực cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động hiện nay là vấn đề rất cấp bách,” UBND TP HCM nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, UBND TP HCM đề xuất Bộ Tài Chính tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho công ty.

Trường hợp việc trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về đầu tư bổ sung vốn điều lệ có phát sinh khó khăn, vướng mắc, Ủy ban Nhân dân Thành phố kiến nghị Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh một số nội dung liên quan về việc thành lập công ty.