Mất gần 200 triệu đồng điều trị hậu Covid-19 cho trẻ chưa tiêm vaccine
Cụ thể, suốt 1 tuần mắc bệnh, bé T.A.Đ chỉ có triệu chứng nhẹ. Nhưng 10 ngày sau đó, cứ cuối giờ chiều, những cơn sốt cao 39-40 độ C lại ập đến với cậu bé học lớp 4. Lúc đầu gia đình không nghĩ cháu mắc Covid-19 mà là sốt virus nên đã để nhà theo dõi, uống thuốc hạ sốt, chườm ấm...
Bé Đ. bị sốt lặp lại 2 lần, mỗi lần kéo dài 3-4 ngày rồi cắt cơn, sau đó bé ngoan ngoãn, vui chơi bình thường. Gia đình cháu Đ. cũng cho bé đi khám 2 lần và uống kháng sinh, điều trị hết sốt rồi lại tái sốt.
Đến lần 3, bé Đ. nhập viện điều trị 5 ngày, bác sĩ đề nghị chọc dịch não tủy tìm nguyên nhân nhưng gia đình không đồng ý, đưa con đi chữa theo đông y. Bé cắt sốt nhưng vẫn đau khớp, đau cơ.
Một tháng trước, Đ. có biểu hiện khó thở, nhịp tim nhanh hơn, gia đình đưa con đến Bệnh viện Bạch Mai khám. Bác sĩ nghi ngờ bé mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) hậu Covid-19.
Sau 3 tuần điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, bé được cho về nhà, kháng sinh được “nạp” vào người bằng đường uống thay vì đường truyền như ở viện nhưng trẻ vẫn mệt mỏi. Mấy hôm nay, Đ. tái sốt, đau khớp cơ tay, lan ra ngực.
Chi phí điều trị của bé lên tới 250 triệu đồng, được bảo hiểm y tế chi trả 25% trong số đó, số tiền còn lại gia đình phải tự trang trải. Vì đi viện, việc học của bé phải gián đoạn. Thời điểm tựu trường sắp đến, cậu bé mong mỏi được gặp bè bạn nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào tình hình sức khỏe.
Hệ lụy hậu Covid-19 ở trẻ nhỏ nếu chần chừ tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương |
Tính đến ngày 23/6/2022, cả nước có hơn 5,4 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (48,1%) được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19 và hơn 1,4 triệu trẻ đã hoàn thành 2 mũi tiêm an toàn.
Phản ứng thông thường sau tiêm vaccine phòng Covid-19 ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được ghi nhận với tỷ lệ khoảng 0,4%, thấp hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất, với các triệu chứng như: sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi... và thường tự hết sau vài ngày.
Tuy nhiên hiện nay có nhiều gia đình có con nhỏ đã nhiễm Covid-19 từ chối tiêm vaccine vì sự những tác dụng phụ có thể xảy ra với con em mình.
Theo TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trẻ em mắc Covid-19 thường nhẹ hơn so với người lớn, nguy cơ tử vong cũng ít hơn.
Số liệu theo dõi tử vong do Covid-19 ở trẻ từ 0 đến dưới 18 tuổi của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho thấy: số tử vong ở độ tuổi này mặc dù thấp, chỉ chiếm 0,59% trên tổng số tử vong chung của cả nước.
"Tuy nhiên, một trong những vấn đề lo ngại với trẻ em sau mắc Covid-19 là Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), đây là hội chứng với diễn biến bệnh cảnh rất nặng, tổn thương từ 2 cơ quan trở lên như: da niêm mạc, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh…”, TS Dương cho hay.
Việt Nam đã ghi nhận hàng trăm trường hợp trẻ em mắc hội chứng MIS-C với các biểu hiện viêm đa hệ thống đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau khi mắc Covid-19, có thể tiến triển nặng, thậm chí có trường hợp tử vong.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu Covid-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi của trẻ, và có thể có những hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ, cần tiếp tục theo dõi, điều trị. Trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ trước đó có thể vẫn mắc hậu Covid-19 và hội chứng MIS-C mức độ nặng.