Lực lượng tham gia lần này gồm Đội công binh 184 người, đã có thời gian chuẩn bị hơn 5 năm, với nhân lực có chuyên môn cao. Đa phần là kỹ sư, chuyên gia máy, thợ xây dựng… bậc cao, được tuyển chọn từ 21 đơn vị để triển khai huấn luyện. Điểm đến lần này của các cán bộ, chiến sĩ sẽ là phái bộ UNISFA, có vị trí nằm ở Abyei, châu Phi.

Abyei là khu vực có diện tích hơn 10.000 km2, nằm ở biên giới giữa Sudan và Nam Sudan. Abyei được trao "quy chế hành chính đặc biệt" bởi Nghị định thư năm 2004 về Giải quyết Xung đột trong cuộc nội chiến Sudan.

lhq.jpg

Phái bộ Liên hợp quốc tại Abyei. (Nguồn: Liên hợp quốc)

Theo QĐND, Abyei dồi dào tài nguyên dầu mỏ là khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan nên luôn tiềm ẩn những tình huống bất ngờ về an ninh. Đại tá Mạc Đức Trọng - Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ ở Abyei, Đội trưởng Đội Công binh số 1 của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - cũng từng chia sẻ thêm về những khó khăn trong hành trình tới Abyei trước đây.

Hành trình gần như là duy nhất từ thủ đô Khartoum tới Kadugli của Sudan rồi mới tới được Abyei. Vượt qua gần 1.000km, các sĩ quan trong đoàn khảo sát mới tới được nơi cần tới trên một chiếc trực thăng đáp tại bãi đỗ duy nhất. Thông thường, mỗi ngày chỉ có một chuyến bay chở tối đa 20 người. Sau khi sang địa bàn, thời gian đầu, Đội Công binh số 1 phải dựng lều ở tạm cho đến khi hoàn thành việc xây dựng các nhà ở lắp ghép kiểu container. LHQ trước đây yêu cầu Đội Công binh Việt Nam phải tự bảo đảm hậu cần trong 42 ngày đầu tới địa bàn, nhưng sau giảm chỉ còn 12 ngày và LHQ sẽ cung cấp thực phẩm để đội tự nấu.

Đây là lần đầu tiên, Việt Nam đưa một lực lượng lớn tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc kể từ khi bắt đầu tham gia vào tháng 6.2014 đến nay.

Trước đó, theo thông tin từ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng), toàn bộ trang thiết bị của Đội Công binh được vận chuyển đợt này gồm 147 loại xe, máy bao gồm các loại xe máy công binh công trình, các loại xe tải trong đó có cả các xe bảo vệ lực lượng. Tổng trọng lượng trang bị, hàng hóa hậu cần khoảng 2.000 tấn.

Toàn bộ vũ khí, trang bị, phương tiện, hàng hóa của Đội Công binh Việt Nam sẽ được Liên hợp quốc vận chuyển bằng đường biển xuất phát từ cảng Hải Phòng đến cảng Sudan; sau đó vận chuyển bằng đường bộ đến Khartoum (Sudan) - Kaduqli (Sudan) - Abyei (UNISFA).

Theo kế hoạch ban đầu, từ tháng 3.2022 Đội Công binh Việt Nam đã phải có mặt tại phái bộ ở Abyei và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên do những trục trặc, khó khăn về tàu biển và đường hàng hải quốc tế cũng như về kỹ thuật tàu, chuyến tàu này bị chậm so với dự kiến của Việt Nam và Liên hợp quốc.

Đội Công binh số 1 của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có tổng quân số 184 người và là lần đầu tiên Việt Nam có Đội Công binh tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cũng là đội hình cấp đơn vị có số lượng thành viên lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình.

Dự kiến cuối tháng 4.2022 đoàn tiền trạm sẽ lên đường sang đón nhận toàn bộ số hàng hóa trang bị này từ cảng Sudan và tại phái bộ ở Abyei. Sau khi đoàn tiền trạm đến phái bộ và triển khai doanh trại cùng hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống văn phòng, đoàn chính sẽ tới Abyei dự kiến vào ngày 10.5.2022, trước khi khu vực này bắt đầu vào mùa mưa.

Các thành viên của đoàn chính sẽ di chuyển bằng máy bay cánh cứng do Liên hợp quốc bảo đảm, với hành trình xuất phát từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) đến Entebbe (Uganda), sau đó đến Kaduqli (Sudan). Từ Kaduqli (Sudan), các thành viên của đội cơ động bằng trực thăng của Liên hợp quốc đến Abyei (UNISFA), chia theo các chuyến nhỏ.

Bên cạnh Đội công binh, Việt Nam tiếp tục cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan với biên chế 63 quân nhân, trong đó có 10 nữ quân nhân.

Sau 8 năm, Việt Nam đã cử 76 lượt sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ Liên Hiệp Quốc tại phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và UNISFA; cử 189 lượt cán bộ, nhân viên y tế trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Phái bộ Nam Sudan.