Báo cáo mới nhất của Chainalysis công bố trong tuần ước tính tổng thiệt hại do các vụ lừa đảo tiền điện tử trong năm 2024 đã lên tới 9,9 tỷ USD. Chainalysis dự đoán con số này có thể tăng lên mức 12,4 tỷ USD, khi họ tiếp tục thu thập thêm thông tin.
Một trong những hình thức lừa đảo phát triển mạnh nhất trong năm qua là "pig butchering" – mô hình lừa đảo kết hợp giữa lừa đảo tình cảm và đầu tư. Theo báo cáo, doanh thu từ mô hình này đã tăng gần 40% so với năm trước, cho thấy mức độ tinh vi ngày càng gia tăng của các tổ chức lừa đảo.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) cũng góp phần thúc đẩy các hoạt động lừa đảo tiền điện tử. Kẻ gian đang tận dụng AI để giả mạo danh tính, tạo ra nội dung chân thực hơn, từ đó khiến nạn nhân khó phân biệt thật giả. Những công nghệ này giúp lừa đảo qua tin nhắn, email và mạng xã hội trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
“Pig butchering” (tạm dịch: “mổ lợn”) là một loại hình
lừa đảo kết hợp giữa lừa đảo tình cảm và lừa đảo đầu tư, trong đó kẻ gian tạo dựng
mối quan hệ với nạn nhân qua mạng xã hội hoặc ứng dụng hẹn hò, sau đó dụ dỗ họ
tham gia vào các cơ hội đầu tư giả mạo để chiếm đoạt tài sản.
Tên gọi "mổ lợn" xuất phát từ việc kẻ gian “vỗ béo” nạn nhân bằng những lời tán tỉnh, hứa hẹn và xây dựng lòng tin trước khi chiếm đoạt toàn bộ số tiền của họ.
Năm 2024, doanh thu từ “pig butchering” tăng gần 40% so với năm trước, trong khi số lượng giao dịch gửi tiền vào các vụ lừa đảo theo mô hình này tăng 210%. Chainalysis nhận định rằng sự chênh lệch giữa hai tỷ lệ tăng trưởng cho thấy các tổ chức lừa đảo đang mở rộng quy mô nạn nhân, ưu tiên số lượng hơn giá trị mỗi lần lừa đảo.
Trước đây, các vụ “pig butchering” chủ yếu bắt nguồn từ các tổ chức lừa đảo quy mô lớn tại Đông Nam Á, nhưng báo cáo cho thấy các trung tâm lừa đảo đang ngày càng phân tán hơn về mặt địa lý.
Vào tháng 12/2024, cơ quan chống tham nhũng Nigeria đã bắt giữ 792 nghi phạm trong một cuộc đột kích vào một tòa nhà, nơi được cho là trụ sở của các vụ lừa đảo tình cảm nhằm vào nạn nhân từ châu Âu và châu Mỹ, theo Reuters.
Các tổ chức tội phạm này thường ép buộc nạn nhân của các vụ buôn người tham gia vào hoạt động lừa đảo. Một cuộc điều tra của ProPublica năm 2022 đã phanh phui cách các băng nhóm tội phạm Trung Quốc đã buôn bán người sang Campuchia, Lào và Myanmar, buộc họ phải tham gia các hoạt động lừa đảo trên mạng dưới sự đe dọa của bạo lực.
Bên cạnh “pig butchering”, các trại lừa đảo này còn là căn cứ cho nhiều loại hình lừa đảo trực tuyến khác, theo ông Eric Heintz, chuyên gia phân tích toàn cầu tại International Justice Mission, được trích dẫn trong báo cáo của Chainalysis.
Không hiếm trường hợp trong cùng một tổ chức có nhiều nhóm tội phạm khác nhau hoạt động song song, mỗi nhóm tập trung vào một hình thức lừa đảo riêng biệt.
Báo cáo của Chainalysis cho thấy các nhóm tội phạm mạng không chỉ hoạt động riêng lẻ mà còn liên kết chặt chẽ thông qua các chợ đen trực tuyến và mạng lưới giao dịch phi pháp, tạo ra một hệ sinh thái lừa đảo ngày càng tinh vi.
Một trong những nền tảng đóng vai trò trung tâm trong xu hướng này là Huione Guarantee, một diễn đàn trực tuyến và chợ ngang hàng (P2P), nơi các nhóm tội phạm có thể mua bán công nghệ lừa đảo, cơ sở hạ tầng và các nguồn lực hỗ trợ gian lận.
Huione Guarantee được điều hành bởi Huione Group, một tập đoàn có trụ sở tại Campuchia, chuyên cung cấp các dịch vụ hợp pháp như chuyển tiền quốc tế, bảo hiểm và trước đây từng hoạt động trong lĩnh vực du lịch cao cấp.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của Chainalysis, nền tảng Huione Guarantee đã trở thành đầu mối quan trọng trong ngành lừa đảo “pig butchering" và các giao dịch tiền mã hóa phi pháp.
Một trong những dịch vụ phổ biến nhất trên nền tảng này là rửa tiền, giúp tội phạm che giấu dấu vết của các giao dịch bất hợp pháp. Ngoài ra, các sản phẩm gian lận được buôn bán trên Huione Guarantee bao gồm danh sách dữ liệu cá nhân mục tiêu, dịch vụ lưu trữ web, tài khoản mạng xã hội và phần mềm AI phục vụ lừa đảo.
Trong năm 2024, các nhà cung cấp công nghệ lừa đảo trên Huione đã nhận ít nhất 375,9 triệu USD tiền mã hóa. Từ năm 2021 đến nay, nền tảng này và các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đã xử lý tổng cộng 70 tỷ USD giao dịch tiền mã hóa.
"Huione Guarantee đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho một hệ sinh thái lừa đảo khổng lồ, ngày càng phát triển và có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhóm tội phạm," báo cáo của Chainalysis nhấn mạnh.
Trước những cáo buộc này, Huione Guarantee không phản hồi yêu cầu bình luận từ CNBC. Trên trang web của mình, nền tảng này khẳng định rằng họ không tham gia vào hoặc hiểu rõ các hoạt động kinh doanh cụ thể của khách hàng và chỉ chịu trách nhiệm đảm bảo thanh toán giữa người mua và người bán, theo bản dịch từ CNBC.
AI tổng hợp (Generative AI) đã giúp các nhóm tội phạm tạo nội dung giả mạo chân thực, cho phép chúng giả danh người khác, tạo trang web đầu tư giả hoặc phát tán nội dung lừa đảo một cách tinh vi hơn.
Theo báo cáo của Chainalysis, hiện có hàng chục nhà cung cấp phần mềm trên Huione Guarantee bán các công cụ AI chuyên dụng cho mục đích lừa đảo.
Năm 2024, các nhà cung cấp dịch vụ AI trên Huione Guarantee đã ghi nhận tăng trưởng doanh thu lên đến 1.900% so với năm trước, cho thấy sự bùng nổ của công nghệ AI trong các vụ lừa đảo tiền mã hóa.
Elad Fouks, trưởng bộ phận sản phẩm chống lừa đảo tại Chainalysis và là đồng sáng lập ứng dụng phát hiện gian lận Alterya, nhận định rằng AI đang làm tăng tốc và mở rộng quy mô các vụ lừa đảo tiền mã hóa.
AI tổng hợp giúp tạo ra các nội dung giả mạo cực kỳ chân thực, từ trang web, danh sách sản phẩm giả cho đến các chiêu trò lừa đảo đầu tư, mua bán gian lận và nhiều hình thức khác, khiến chúng trở nên thuyết phục hơn và khó bị phát hiện hơn.
Một số nhà cung cấp trên Huione thậm chí còn bán dịch vụ "thay đổi khuôn mặt" với giá 200 USD bằng tiền mã hóa, giúp tội phạm tạo ra danh tính ảo để qua mặt các hệ thống xác thực danh tính.
Mặt khác, kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào năm 2022, các vụ lừa đảo deepfake đã xuất hiện ngày càng nhiều, gây tổn thất hàng triệu USD cho nhiều doanh nghiệp lớn. Các nhóm tội phạm mạng có thể tạo danh tính và giọng nói giả, giả mạo người thật để qua mặt hệ thống xác minh danh tính và lừa đảo tài chính.
Chainalysis cảnh báo rằng sự phát triển nhanh chóng của AI đang giúp các vụ lừa đảo tiền mã hóa đạt quy mô lớn chưa từng có, gây thách thức lớn cho các cơ quan thực thi pháp luật và nhà quản lý.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, để chống lại các vụ lừa đảo tiền mã hóa trên diện rộng, cần có nỗ lực bền bỉ từ chính phủ, cơ quan quản lý và các tổ chức công nghệ.
© thitruongbiz.vn