Bất cứ ai khi đến chùa đều mong tìm bình an, sự sung túc và nhưng điều tốt đẹp đến với bản thân, gia đình, đồng thời cũng để chiêm nghiệm ra những triết lý, bài học nhân - quả thông qua những chuyến hành hương, giáo lý nhà Phật. Bởi vậy, mỗi người cần hiểu đúng ý nghĩa của việc đi chùa, đi chùa có nguyên tắc để lưu giữ phong tục truyền thống này một cách trọn vẹn nhất.

Lễ chùa bái Phật đầu xuân như thế nào để cầu sung túc cả năm?
Đầu năm lễ chùa bái Phật là nét đẹp văn hoá tâm linh của người Việt. (Ảnh minh hoạ)

Đầu năm đi lễ chùa như thế nào là đúng?

- Đi chùa vào ngày Cầu Phúc: Nhiều người tin rằng, đi lễ chùa vào Ngày Cầu Phúc thì khả năng linh ứng cho các mong cầu là rất lớn. Năm 2023, cỏ thể đi chùa cầu may vào trong số các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 6, mùng 8 Tết, 1/2, 2/2, 5/2.

- Chuẩn bị lễ vật đi chùa: Người đi lễ chùa đầu năm thường chỉ dâng lễ chay, các lễ chay như xôi, chè, oản, hoa quả,… không mang những lễ vật mặn như thịt, giò, chả,...

- Khi đi vào chùa, ra khỏi chùa: Theo quan niệm từ xưa, khi vào chùa nên vào ở bên tay phải, tức cửa Không quan – Cửa này là tượng trưng cho việc mở ra con đường “nhất chánh đạo”, nghĩa là giải thoát và giác ngộ. Khi ra khỏi chùa, nên đi qua cửa bên tay trái là cửa Giả quan, mang ý nghĩa là sự vật đều biến hóa, vô thường, thể hiện quan điểm có sinh có diệt nên không mong cầu điều gì, từ đó không tạo nghiệp sinh tử. Không nên vào bằng cửa chính bởi theo truyền thuyết, đây là nơi ra vào của đức Phật, Ngọc đế, Quân vương, do đó, cửa này chỉ dành cho các bậc cao tăng để tỏ lòng kính trọng.

- Trang phục đi lễ chùa: Tránh các trang phục hở hang, gợi cảm, sặc sỡ, không phù hợp. Nên chọn trang phục gọn gàng, thanh lịch, màu sắc nhã nhặn, phù hợp với sự trang nghiêm nơi cửa chùa.

- Xưng hô: Với nhà sư thì xưng là A di đà Phật, bạch thầy và xưng mình là con. Khi thưa gửi gì với nhà sư thì đều chắp tay hình búp sen.

- Giữ cho tâm thanh tịnh: Đi lễ chùa trong ngày này, cần giữ cho tâm mình thật thanh tịnh, khi khấn vái thỉnh cầu cũng cần thể hiện tấm lòng chân thành.

- Cần tránh làm những điều kiêng kị ở chùa: ví như, khi lễ chùa, nên làm là thắp hương tại đỉnh đặt bên ngoài sân chùa, hạn chế thắp hương trong chùa. Không nên chụp ảnh, quay phim khi vào chùa. Tại chính điện, không được phép đặt lễ mặn, đặt lễ tiền vàng mã, tiền âm phủ. Không cho trẻ em đùa nghịch trong Tam Bảo và sờ mó vào tượng Phật. Không tự ý mang bất cứ món đồ nào trong chùa về nhà. Không nói chuyện to, không đùa giỡn không khạc nhổ. Không sử dụng đồ ăn thức uống của nhà chùa tùy ý. Không được quỳ chính giữa phật đường mà nên quỳ chếch sang bên và không được ngắm tượng Phật trực diện vì điều này thiếu sự cung kính….

Đầu năm đi chùa nào cầu may mắn, sung túc cả năm?

Sau đây là một ngôi chùa linh ứng, linh thiêng ở các tỉnh, thành trên cả nước mà bạn đọc có thể tham khảo cho hành trình du xuân, lễ chùa cầu may mắn, tài lộc và sung túc trong năm.

Lễ chùa bái Phật đầu xuân như thế nào để cầu sung túc cả năm?
Nhiều ngôi chùa linh thiêng là điểm đến tâm linh của hàng vạn, hàng triệu du khách du xuân, hành hương đầu năm. (Ảnh minh họa)

Hà Nội

- Chùa Trấn Quốc: là một trong các ngôi chùa lâu đời linh thiêng nhất của đất Thăng Long, với 1500 năm lịch sử. Kiến trúc của chùa là sự phối hợp hài hoà giữa vẻ uy nghi, trang nghiêm và cảnh quan thiên nhiên, trong không gian rộng lớn của hồ nước mênh mông. Đây cũng là ngôi chùa cầu công danh ở Hà Nội rất nổi tiếng, nằm trong quần thể Thăng Long Tứ trấn nức tiếng trong lịch sử.

- Chùa Quán Sứ: là trụ sở của Trung ương hội Phật giáo Việt Nam, và cũng là một trong bốn trấn vào kinh thành xưa, giống như chùa Trấn Quốc. Chùa Quán Sứ là một ngôi chùa thiêng tại đất Thăng Long - Hà Nội. Khi tới nơi, du khách sẽ cảm nhận sự độc đáo, ở ngay từ tên và những biển hiệu trước cửa đều ghi bằng chữ quốc ngữ.

- Chùa Phúc Khánh: còn có cách gọi riêng là chùa Sở hoặc chùa Thịnh Quang, thường xuyên tổ chức các khoá lễ lớn nhỏ và quan trọng nhất là khoá lễ đầu năm. "Đại lễ cầu an cả năm cho mọi nhà" diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch mỗi năm. Không chỉ vậy chùa cũng hấp dẫn du khách hành hương vì lễ cúng sao giải hạn hàng năm, được thực hiện vào các mùng 8, 15 và 18 tháng Chạp.

- Chùa Hà: nổi tiếng cầu tình duyên vô cùng linh ứng. Theo như nhiều người dân quan niệm, để cầu duyên thì nên thắp nhang tại đền Mẫu. Bên cạnh đó, ngôi chùa này cũng nức tiếng trong việc cầu mua may bán đắt.

- Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột: Được xây dựng dưới triều đại của vua Lê Thánh Tôn, Văn Miếu là nơi thờ phụng vị thánh Khổng Tử và những người thầy đáng kính của nền giáo dục Việt Nam. Quốc Tử Giám được xây dựng dưới thời vua Lý Nhân Tông, là nơi đào tạo nhân tài của quốc gia và trường đại học đầu tiên của nước ta. Đầu năm, nơi đây luôn tấp nập khách trong và ngoài nước, tới thắp hương cầu may, mong muốn con cái học hành tấn tới, sự nghiệp vang danh.

- Chùa Hương: là một trong các địa điểm văn hoá du lịch nổi tiếng ở miền Bắc, nhất là vào mùa xuân. Vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến cuối tháng 3 (âm lịch), nhất là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai Âm là dịp diễn ra lễ hội chùa Hương, thu hút hàng vạn lượt khách hành hương.

Hồ Chí Minh

- Chùa Ngọc Hoàng: còn có tên gọi khác là Chùa Thần tài TPHCM. Ngôi chùa có lối kiến trúc mang đậm phong cách Trung Hoa vì thờ vị thần Hoàng của người Hoa, đặc biệt, có miếu Thần Tài, nơi cầu mong những điều may mắn và hạnh phúc. Ngôi chùa này cũng rất nổi tiếng với điện thờ 12 bà mẹ sanh, và những lời cầu nguyện cầu sinh ở đây cũng thú vị không kém, dành cho cặp đôi đang mong ngóng có thêm thành viên nhỏ cho gia đình mình.

- Chùa Vĩnh Nghiêm: có lối kiến trúc thời Lý - Trần độc đáoToàn bộ ngôi chùa lấy kiến trúc từ chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), vốn là nơi truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm. Khi đến đây, du khách thường mang theo nến và hoa để cầu phúc cho một năm mới đầy tài lộc, cùng với nhiều an lành, hạnh phúc tới bản thân và gia đình.

- Chùa Xá Lợi: là một tòa tháp 7 tầng, cao 32 mét, trưng bày nhiều kiến trúc hiện đại. Đặc biệt trên tầng cao nhất của tháp là quả chuông đồng nặng hai tấn, được chạm khắc sắc nét và tinh xảo. Khách du lịch từ khắp nơi tới với ngôi chùa này, vì muốn chạm vào chiếc chuông đồng quý giá để cầu may, cầu duyên.

Các ngôi chùa nổi tiếng khác trên toàn quốc

- Chùa Bái Đính (Ninh Bình): là một điểm đến phổ biến cho những du khách có nhu cầu du lịch, vãn cảnh, kết hợp cầu may đầu năm bởi kết hợp với vùng sinh thái Tràng An tạo thành quần thể thiên nhiên ấn tượng.

- Chùa Đồng Yên Tử (Quảng Ninh): được coi là “Đất Phật Tổ ngàn đời của Việt Nam”. Lễ hội Yên Tử diễn ra từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 (âm lịch). Tương truyền, khi leo lên đỉnh chùa Đồng, nếu xát tiền vào gậy, chuông, bàn thờ thì người đó sẽ làm ăn thuận lợi quanh năm, may mắn và hạnh phúc sẽ theo về.

- Chùa Đại Giác (Quảng Bình): nổi tiếng với Bảo tháp A Di Đà chín tầng, trên cùng của tượng thờ Đức Từ Lô Giá Na Phật - pho tượng ngọc thạch được thỉnh từ Myanmar. Tầng dưới cùng là Đức Chuẩn Đề Bồ Tát được tạc với nhiều cánh tay cầm pháp khí, thể hiện sức mạnh và sự linh thiêng của vị bồ tát nhân từ. Nơi đây còn có tượng Phật A Di Đà bằng đá cẩm thạch cao 9 mét, nặng 9 tấn - lớn nhất trong cả nước, bởi vậy là điểm đến tâm linh cầu an, sung túc đầu năm linh thiêng nổi tiếng vào bậc nhất tại các tỉnh miền Trung.

- Chùa Linh Ứng (Đà Nẵng): là ngôi chùa được coi là “cõi Phật giữa nhân gian”. Tương truyền, vào thời vua Minh Mạng, một ngư dân đi biển không biết từ đâu tìm thấy một pho tượng Phật nổi trên mặt nước, sóng vỗ vào bờ nên lập chùa thờ. Từ đó sóng yên, biển lặng, ngư dân làm ăn được. Nơi đây cũng vì thế mà được gọi là Bãi Bụt hay Cõi Phật. Từ lâu, chùa đã trở thành điểm đến hành hương, xin lộc, cầu may của không chỉ nhưng dân địa phương mà còn từ các du khách trên khắp cả nước. Điểm nhấn chính của chùa Linh Ứng Bãi Bụt là tượng Quan Thế Âm Bồ tát cao 67m, được cho là cao nhất Việt Nam.

- Chùa Bà Đen (Tây Ninh): còn gọi là Linh Sơn Thiền Đức Tự, nằm ở độ cao 200 mét so với mực nước biển. Chùa có lối kiến trúc cổ điển với mái ngói đỏ cam, tường sơn vàng làm chủ đạo. Đây là nơi thờ Sơn Thánh Mẫu - Tiêu Diện, Phật Thích Ca, Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Quan Âm, Thập Bát La Hán cùng nhiều vị Bồ Tát khác. Bởi vậy, không chỉ là nơi vãn cảnh, đây cũng là điểm đến cầu bình an, sung túc linh thiêng có tiếng.

- Miếu Bà Chúa Xứ (An Giang): tọa lạc trên núi Sam, lưng tựa vào vách núi và nhìn ra khung cảnh bình dị. Nơi đây có kiến trúc theo đúng hình dáng chữ Quốc, mô phỏng hình dáng bông sen tinh tế. Miếu Bà Chúa Xứ trên núi Sam lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của nghệ thuật Ấn Độ, với hàng loạt hoa văn chạm khắc tinh xảo ở chính điện. Điểm đến này cũng nổi tiếng linh ứng, thu hút du khách thập phương đến cầu an, cầu may mắn.

- Chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng): đã tồn tại với lịch sử hơn nửa thế kỷ. Chùa thể hiện đời sống tinh thần đa dạng của người Khmer Nam Bộ. Truyền thuyết kể rằng vào năm 1537, người dân bản địa đã phát hiện ra một bức tượng Phật cực kì tỉ mỉ với 5 vị Phật được chạm khắc trên 4 mặt, quay về 4 hướng. Các bậc tiền nhân xem đây là điềm linh thiêng nên đã xây chùa bốn mặt, cầu mong cho cuộc sống yên bình ấm no.