“Bệnh nhân nhập viện lúc 14h36 ngày 12/7 trong tình trạng ngừng thở, các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra, cấp cứu cho bệnh nhân như bóp bóng giúp thở, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, mắc monitor theo dõi... Bệnh nhân đã tím tái toàn thân, mạch bẹn cảnh không bắt được, tim không nghe, phổi lồng ngực mất di động. Chẩn đoán của bác sĩ là đột tử chưa rõ nguyên nhân” bác sĩ Phương cho hay.

Theo lời khai lúc vào viện của bà T.L (mẹ bệnh nhân), khoảng 13 giờ ngày 12/7, em T. có ăn cá lau kiếng và canh cua đồng, đến 14 giờ thì người nhà phát hiện T. hôn mê, nên đã đưa vào viện cấp cứu.

Ăn cá lau kiếng, bé gái 13 tuổi tử vong
Bé gái 13 tuổi tử vong nghi do ăn trứng của cá lau kiếng. Ảnh minh họa

Bà T.L (mẹ của bé T.) cho biết thêm, bé T. nói với gia đình đi mò cua, mò cá ở ao nước gần nhà. Khi về nhà, T. có ăn thịt, trứng của cá lau kiếng mà T. mang về. Khoảng 1 tiếng sau, bà L. phát hiện con gái có biểu hiện bất thường, ngã từ võng xuống trong tình trạng nửa người trước dưới đất, nửa người sau còn trên võng. Bà L. đã đưa con đến bệnh viện nhưng không qua khỏi.

Cá lau kiếng (hay còn gọi là cá lau kính) là một loài cá nhiệt đới da trơn. Sở dĩ chúng có tên gọi như vậy là bởi loài cá này có tập tính hút rong rêu, chất nhớt ở thành bể làm thức ăn, giúp môi trường nước sạch sẽ, bớt chất bẩn hơn. Kích thước của loại cá này không lớn, chiều dài thường từ 25–30 cm, một số loài đặc biệt có thể đạt chiều dài lên tới 50–70cm.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không nên ăn các loài cá lạ, có biểu hiện nghi vấn. Bởi, nếu người ăn có hệ tiêu hóa nhạy cảm, hoạt động không tốt, hoặc cơ địa dị ứng thì nên tuyệt đối tránh sử dụng các thực phẩm lạ như loài cá lau kiếng này chẳng hạn.