Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 245/VPCP-KGVX về việc nghỉ Quốc khánh năm 2022 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Theo đó, năm nay, người lao động có chế độ nghỉ 2 ngày/tuần (vào thứ Bảy và Chủ nhật) sẽ được nghỉ 4 ngày liên tục từ ngày 1/9 đến hết 4/9. Đây là khoảng thời gian tốt để mỗi người chúng ta dành thời gian nhiều hơn cho bản thân, gia đình và những người yêu thương sau một thời gian làm việc chăm chỉ. Dịp lễ ý nghĩa không thể thiếu những nơi chốn ý nghĩa. Nếu ở Hà Nội, hãy sắp xếp thời gian ghé 05 địa điểm dưới đây!

1. Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình lịch sử

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Lăng Bác) được xem là trái tìm của thủ đô, di tích lịch sử nổi tiếng của du lịch Hà Nội. Lăng Bác là nơi đặt và lưu giữ thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng Bác được xây dựng vào 2/9/1973 có địa chỉ ở số 2 đường Hùng Vương, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Lăng Bác được xây dựng với tổng chiều cao 21.6 mét, rộng 41,2 mét bằng hàng vạn mét khối đá. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có kết cấu 3 lớp: Lớp đỉnh, dưới và dạng bậc tam cấp với khu giữa là nơi chứa thi hài Bác, cầu thang và hành lang. Bốn khu xung quanh được ốp hoàn toàn bằng đá, bên ngoài ốp đá hoa cương, phần cửa chính được ốp đen bóng, tường và cột bằng đá cẩm thạch.

Khu Bác nằm được ốp hoàn toàn bằng đá cẩm thạch, lá cờ Đảng và Tổ quốc được ghép từ 4000 miếng đá hồng. Hình ảnh ngôi sao cùng búa liềm được làm từ đá cẩm vân với màu vàng sáng rực rỡ, hai bên cửa được làm bằng gỗ do miền Nam. Với kiến trúc độc đáo như vậy, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem là công trình văn hóa nghệ thuật lớn nhất ở Việt Nam.

Ngoài ra, một trong những trải nghiệm nhất định phải thử trong ngày 2/9 chính là xem thượng cờ ở Lăng Bác. Để không bị bỏ lỡ khoảnh khắc thiêng liêng này, bạn cần chịu khó dậy sớm bởi ở Lăng Bác, lễ thượng cờ được bắt đầu từ 6h sáng hàng ngày.

Bên cạnh đó, cột mốc lịch sử đáng nhớ chính là ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam, nằm trên đường Hùng Vương và trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây đã lưu giữ dấu ấn nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đã 77 năm trôi qua kể từ lễ Độc lập 2/9/1945, Quảng trường Ba Đình vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa. Quảng trường Ba Đình vẫn là trung tâm chính trị - văn hóa, là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của đất nước. Đây cũng là nơi có quy hoạch, cảnh quan và quần thể kiến trúc đẹp nhất ở Hà Nội.

Hà Nội: Top 05 địa điểm nhất định phải tới dịp 2/9

2. Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang: Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập

Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang nằm trong khu phố cổ của Thủ đô Hà Nội. Nơi đây, năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm tháng trôi qua, căn nhà 48 Hàng Ngang nay được mở cửa cho khách đến tham quan, tìm hiểu. Căn nhà mãi đi vào dòng chảy lịch sử của dân tộc, trở thành một di tích lịch sử thiêng liêng.

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang vốn thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, một doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có. Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ. Nhà hai mặt phố, gắn số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, gắn số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân.

Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, ngôi nhà là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu trở về Hà Nội và ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với dân tộc Việt Nam.

Hà Nội: Top 05 địa điểm nhất định phải tới dịp 2/9

3. Phố cổ Hà Nội

Phố cổ Hà Nội hay còn được biết đến với một tên gọi không chính thức khác là “Hà Nội 36 phố phường” là một khu vực đô thị nằm ở khu vực trung tâm Hà Nội. Đây là nơi hình thành những phố nghề đặc trưng, mang một nét truyền thống văn hóa đặc sắc, đậm dấu tích lịch sử. Do đó, đây là một địa điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi du lịch tại Hà Nội.

Phố cổ Hà Nội nằm ở phía Tây và Bắc của hồ Hoàn Kiếm gồm 36 phố phường, mỗi phố lại tập trung bán một mặt hàng khác nhau. Giới hạn của phố cổ phía Bắc đến phố Hàng Đậu, phía Tây là phố Phùng Hưng, phía Nam là các tuyến phố: Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng, phía Đông là đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật.

Khu phố cổ được bảo tồn và gìn giữ ngày nay là một hình ảnh thu nhỏ của Hà Nội 36 phố phường xưa. Đến thăm phố cổ bạn sẽ phần nào mường tượng được văn hóa, kinh tế xã hội và con người Thăng Long Hà Nội xưa cũ. Nét đặc trưng nhất của Khu phố cổ chính là các phố nghề. Từ các làng nghề quanh thành Thăng Long xưa, các thợ thủ công nổi tiếng của Hà Nội tụ tập về đây theo từng khu vực làm nghề cùng nhau tạo nên các khu phố nghề truyền thống.

Phố cổ Hà Nội có lối kiến trúc cổ gồm nhiều ngôi nhà được xây san sát, các tuyến đường đan xen lẫn nhau tạo nên những cung đường tham quan thú vị, kích thích sự tò mò cho khách du lịch. Tại phố cổ vào mỗi tối thứ 6, thứ 7, chủ nhật sẽ "lột xác" ngoạn mục, những vẻ đẹp cổ kính thường ngày được thay mới bằng nhịp sống sầm uất, trẻ trung với các ban nhạc, nhóm nhảy, những nghệ sĩ đường phố... Vào kỳ nghỉ lễ 2/9 nơi đây sẽ là một điểm đến hoàn hảo cho nhiều gia đình.

Hà Nội: Top 05 địa điểm nhất định phải tới dịp 2/9

4. Chùa Trấn Quốc

Có thể bạn chưa biết, chùa Trấn Quốc chính là ngôi chùa cổ nhất ở thủ đô với lịch sử gần 1500 năm. Toạ lạc gần hồ Tây, chùa Trấn Quốc sở hữu khung cảnh vô cùng thơ mộng. Không dừng lại ở đó, kiến trúc của ngôi chùa cũng là điều khiến cho du khách khi ghé tới cũng thấy trầm trồ.

Một trong những công trình nổi tiếng của chùa Trấn Quốc chính là tòa Bảo Tháp 11 tầng với chiều cao lên tới 15m. Bên trong mỗi tầng của tòa Bảo Tháp được đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh của tòa tháp cũng là đài sen 9 tầng cũng được làm bằng đá quý. Bảo Tháp được dựng đối xứng với cây bồ đề do Tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959 trong chuyến đến thăm thủ đô Hà Nội của ông. Cây bồ đề này được chiết từ cây đại bồ Đạo Tràng – nơi mà Đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ.

Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia vào năm 1989. Chùa Trấn Quốc ngày nay không chỉ nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử đến hành lễ mà còn là điểm thu hút khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước khi đến du lịch Hà Nội, nhất là trong dịp lễ Quốc Khánh.

Hà Nội: Top 05 địa điểm nhất định phải tới dịp 2/9

5. Làng văn hóa các dân tộc - Khu du lịch Đồng Mô - Sơn Tây

Làng văn hóa cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Tây nằm dưới chân núi Ba Vì với địa hình bán sơn địa có đồi núi, thung lũng và bao quanh là mặt hồ Đồng Mô thơ mộng. Làng văn hóa các dân tộc có tổng diện tích là 1.344ha, đây là nơi bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em.

Hiện nay, tại đây có cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hàng ngày như: Dao, Tày, Mường, Khơ Mú, Ê Đê, Khmer… nhằm tái hiện đời sống, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, bảo tồn các giá trj văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Khi đến với làng văn hóa các dân tộc, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn. Làng văn hóa các dân tộc sẽ là điểm đến lý tưởng cho nhiều gia đình tổ chức trải nghiệm, cắm trại, hoạt động ngoài trời...

Hà Nội: Top 05 địa điểm nhất định phải tới dịp 2/9

Ngày 2/9 đã trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhân kỳ nghỉ lễ sắp tới, hãy dành thật nhiều yêu thương cho bản thân bạn, gia đình và những người quan trọng nhé!