Hà Nội: Khởi công tuyến đường nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với Vành đai 3
Hà Nội: Khởi công tuyến đường nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với Vành đai 3

Dự án có chiều dài tuyến khoảng 3,4km, mặt cắt ngang rộng 60m với 4 - 6 làn xe, tổng mức đầu tư 3.241 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025.

Các hạng mục chính của dự án gồm nút giao bán hoa thị Tứ Hiệp, đoạn đường từ Tứ Hiệp đến vành đai 3, nút giao với vành đai 3 và hạ tầng kỹ thuật, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, đường gom.

Trong thời gian tới, dự án phải tiến hành giải phóng mặt bằng diện tích khoảng 31,05ha, phần lớn là ao, hồ, đất nông nghiệp (chiếm khoảng 74%). Đặc biệt là khối lượng lớn công việc xử lý nền đất yếu trên diện tích rộng, trải dài qua địa bàn xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) và phường Yên Sở (quận Hoàng Mai).

Được biết, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 930 tỉ đồng, chi phí xây dựng trên 1.900 tỉ đồng, chi phí quản lý dự án 16 tỉ đồng, chi phí tư vấn đầu tư 71 tỉ đồng, chi phí khác 19 tỉ đồng và dự phòng phí 268 tỉ đồng.

Dự án được triển khai kỳ vọng sẽ hình thành tuyến đường theo quy hoạch, giải quyết tình trạng ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội đô. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực phía nam, đông nam Hà Nội.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn từ Hà Nội đến Ninh Bình dài gần 90km. Đây là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh phía Nam, lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn và thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Thống kê của đơn vị quản lý đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, lưu lượng trên tuyến đang khoảng 70.000-80.000 lượt xe một ngày đêm. Trong dịp cao điểm Tết vừa qua, lưu lượng khoảng 150.000 xe một ngày đêm, gấp hai lần so với ngày bình thường, gây ùn tắc giao thông.

Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc đầu tư tuyến đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3 có ý nghĩa quan trọng. Sau khi dự án hoàn thành, ngoài giúp thành phố hoàn thiện thêm hạ tầng giao thông tại khu vực phía Nam, dự án còn giúp giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế các quận, huyện trong khu vực.

Để sớm phát huy hiệu quả đầu tư của dự án, ông Tuấn yêu cầu, sau lễ khởi công huyện Thanh Trì, quận Hoàng Mai sớm hoàn thành GPMB theo kế hoạch để bàn giao đủ 31,05 ha mặt bằng cho chủ đầu tư; Sở GTVT phối hợp với các đơn vị có liên quan có phương án tổ chức giao thông phù hợp để dự án tổ chức thi công sớm nhất. Các nhà thầu thi công đúng tiến độ theo hợp đồng và phấn đấu vượt tiến độ đề ra.

UBND thành phố giao UBND quận Hoàng Mai, UBND huyện Thanh Trì phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án trong công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân bị thu hồi đất; Chỉ đạo UBND phường Yên Sở, UBND xã Tứ Hiệp tuyên truyền, vận động người dân bị ảnh hưởng ủng hộ, bàn giao mặt bằng để dự án sớm hoàn thành theo tiến độ.

Sở Giao thông Vận tải, UBND quận Hoàng Mai, UBND huyện Thanh Trì phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư tổ chức giao thông; quản lý chất lượng công trình xây dựng theo đúng quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính cân đối, ưu tiên bố trí vốn kịp thời cho dự án theo tiến độ thực hiện.

Các nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn, giám sát xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết đảm bảo thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký với chủ đầu tư; tổ chức thi công, giám sát xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, phấn đấu vượt tiến độ và tuyệt đối an toàn.