Theo thông tin từ Cục QLTT TP. Hà Nội, ngày 15/3, Đội QLTT số 8 (QLTT Hà Nội) phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Gia Lâm, Công an xã Đa Tốn đã phát hiện và xác minh, làm rõ đối tượng Ong Văn Tuấn (sinh năm 1996; ở thị trấn Neo, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) sử dụng facebook " Tuấn versace", cùng số điện thoại đuôi tứ quý 6 … rao bán "bóng cười" trên địa bàn.

Hà Nội: 9x biến tầng 24 chung cư thành điểm tập kết, cung cấp ‘khí cười’ thu lãi không dưới 300.000 đồng/ bình

Lực lượng chức năng xác định thời điểm này, đối tượng Tuấn đang vận chuyển 1 bình khí N20 trọng lượng 20kg, mục đích bán cho khách. Qua đấu tranh mở rộng, Tuấn khai đã nhập 55 bình khí N20 trôi nổi trên thị trường và cất giấu tại căn hộ trên tầng 24 ở một chung cư trên địa bàn xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.

Ngoài trực tiếp giao dịch và vận chuyển, Tuấn còn thuê 2 đồng hương là Ong Thế Minh (SN 2003) và Nguyễn Quang Huy (SN 2003), chuyên vận chuyển bình khí N20 khi khách có nhu cầu. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, đưa những người liên quan cùng tổng số 56 bình khí N20 về trụ sở để đấu tranh.

Hà Nội: 9x biến tầng 24 chung cư thành điểm tập kết, cung cấp ‘khí cười’ thu lãi không dưới 300.000 đồng/ bình

Tài liệu lực lượng Cảnh sát kinh tế thu thập được cho thấy, Ong Văn Tuấn có xuất phát điểm là nhân viên đi giao bình “khí cười”. Nhận thấy lợi nhuận lớn từ mặt hàng này, và biết rõ hành vi mua bán trái phép bị pháp luật cấm, nhưng Tuấn vẫn cố tình, biến căn hộ chung cư trên tầng 24 làm địa điểm tập kết. Mỗi khi có khách đặt hàng qua Zalo, facebook, Tuấn sẽ trực tiếp vận chuyển, hoặc điều 2 nhân viên đi giao. Trước khi nhận hàng, khách phải đặt cọc bình khí N20, đến khi trả bình sẽ được nhận lại. Bình quân mỗi giao dịch trót lọt, nhóm Ong Văn Tuấn thu lãi không dưới 300.000 đồng/ bình.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ 56 bình khí N20 trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Quy định xử lý vi phạm liên quan sản xuất, kinh doanh, sử dụng bóng cười

Hiện nay, việc nhập khẩu, mua bán chất N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội… vẫn được thực hiện nhưng phải đảm bảo đúng những quy định chặt chẽ của pháp luật.

Tại phụ lục II danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp ban hành kèm theo nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Do đó, khi sản xuất, kinh doanh bóng cười các cá nhân, tổ chức cần được cấp giấy phép theo quy định của pháp luật. Trường hợp sản xuất, kinh doanh bóng cười khi chưa được cấp phép sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định hiện hành.

Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hóa chất Nhà nước ta đã ban hành hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực này. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất được quy định tại nghị định số 71/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ (được sửa đổi tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).

Tháng 5/2019, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đồng ý với việc ngừng cho phép sử dụng khí N2O cho mục đích giải trí như dùng để bơm vào bóng cười, chỉ được sử dụng trong công nghiệp.

Cụ thể, Bộ Y tế cho biết trước tác hại của việc sử dụng khí N2O để kích thích, giải trí, Bộ Y tế đồng ý với đề nghị của UBND TP Hà Nội về yêu cầu ngừng sử dụng N2O cho mục đích giải trí.

Như vậy, kể từ nay, việc sử dụng bóng cười (bơm bằng khí N2O) sẽ được xếp vào danh mục không được phép tại Hà Nội.

Theo Bộ Y tế, khí N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ được mua bán, sản xuất cho công nghiệp, không được sử dụng cho người. Tuy nhiên, gần đây liên tiếp xảy ra các trường hợp yếu chi, liệt do tổn thương tủy sống không phục hồi hoặc phục hồi không hoàn toàn sau sử dụng bóng cười.