Từ trái qua: Bộ đôi nhà khoa học Syukuro Manabe và Klaus Hasselmann cùng ông Giorgio Parisi. Nguồn: nobelprize.org
Từ trái qua: Bộ đôi nhà khoa học Syukuro Manabe và Klaus Hasselmann cùng ông Giorgio Parisi. Nguồn: nobelprize.org

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển chiều 5/10 đã công bố chủ nhân giải thưởng Nobel Vật lý 2021, nhằm tôn vinh "những đóng góp đột phá của họ cho sự hiểu biết của giới khoa học về các hệ thống vật lý phức tạp".

Những người được vinh danh là Giáo sư Syukuro Manabe (90 tuổi - người Mỹ gốc Nhật Bản) - hiện là nhà khí tượng học tại Đại học Princeton (Mỹ); Giáo sư Klaus Hasselmann (90 tuổi - người Đức) - hiện làm việc tại Viện Khí tượng Max Planck (Đức); và Giáo sư Giorgio Parisi (73 tuổi - người Italy) - hiện làm việc tại Đại học Rome Sapienza (Italy).

Cả ba nhà khoa học nêu trên đều được tôn vinh với những nghiên cứu về các hiện tượng hỗn loạn và có vẻ ngẫu nhiên. Tuyên bố của Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nêu rõ: "Các hệ thống phức tạp, đặc trưng bởi sự hỗn loạn và ngẫu nhiên, rất khó để nắm bắt. Giải Nobel Vật lý năm nay tôn vinh những phương pháp mới để mô tả và dự đoán hành vi dài hạn của chúng".

Hai nhà khoa học Syukuro Manabe và Klaus Hasselmann được đánh giá là những người đã đặt nền móng cho tri thức của nhân loại về khí hậu Trái Đất và tác động của con người, thông qua việc lập mô hình vật lý của khí hậu Trái Đất, định lượng độ biến động và dự đoán một cách đáng tin cậy về sự ấm lên toàn cầu.

Trong khi đó, nhà khoa học Giorgio Parisi được vinh danh nhờ những đóng góp mang tính đột phá về việc phát hiện sự ảnh hưởng lẫn nhau của các dao động và rối loạn trong những hệ thống vật lý từ quy mô nguyên tử đến hành tinh.

Giải Nobel, là một giải thưởng quốc tế được công bố hàng năm kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực Vật lý, Hoá học, Y sinh, Văn học và Hoà bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức.

Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel, người đã sáng lập ra giải Nobel.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định giải Nobel Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế; Ủy ban Nobel của Viện Karolinska quyết định giải Y sinh ; Ủy ban Nobel thuộc Quốc hội Na Uy quyết định giải Hòa bình

Năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel truyền thống ở Stockholm (Thụy Điển) không thể diễn ra như đã định do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo thông báo ngày 23/9 của Quỹ Nobel, những người đoạt giải sẽ được trao các huy chương và bằng khen ngay tại quê nhà của họ.

Năm ngoái, giải Nobel Vật lý thuộc về 3 nhà khoa học Roger Penrose (người Anh), Reinhard Genzel (người Đức) và Andrea Ghez (người Mỹ) với những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực vật lý thiên văn và giúp giải mã những bí ẩn quan trọng trong vũ trụ, cụ thể là các nghiên cứu về hố đen và vật thể siêu nặng vô hình ở tâm dải ngân hà.