Giải ngân vốn đầu tư công: Vào cuộc với trách nhiệm cao
Thành phố Hà Nội phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Trong ảnh: Công trường thi công hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3. Ảnh: Nguyễn Quang

Tỷ lệ giải ngân mới đạt 11,88%

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31-3, các bộ, ngành, địa phương mới giải ngân được hơn 61.536 tỷ đồng, bằng 11,88% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (13,17%). Có 4 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20% và 46/51 bộ, cơ quan trung ương và 29/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, 29 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến hết ngày 30-3, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã giao chi tiết cho các dự án là hơn 466.123 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch. Đáng lo ngại, còn 13/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022.

Bộ Tài chính đánh giá, tỷ lệ giải ngân đạt thấp có nguyên nhân là 3 tháng đầu năm các chủ đầu tư thường tập trung hoàn chỉnh hồ sơ thanh toán cho dự án của năm trước, đồng thời hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án mới. Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét, việc giải ngân vốn đầu tư chậm chủ yếu do chủ đầu tư, một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, thiếu các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Ngoài ra, theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, giá nguyên, vật liệu xây dựng tăng cao, vượt dự toán cũng là yếu tố bất lợi, khiến nhiều nhà thầu khó có thể dồn lực bứt phá khi chi phí đầu vào tăng cao.

Thực tế cho thấy, cùng một cơ chế, chính sách, có bộ, địa phương giải ngân tốt, nhưng có bộ, địa phương giải ngân rất thấp. Năm 2022, Bộ Giao thông - Vận tải được giao kế hoạch vốn là 50.328 tỷ đồng, lớn nhất từ trước tới nay, chiếm 23,5% kế hoạch vốn của khối các bộ, ngành, cơ quan trung ương. Đến hết quý I-2022, Bộ này giải ngân khoảng 7.492 tỷ đồng, đạt 14,7% kế hoạch, cao hơn mức bình quân chung. Ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý dự án Thăng Long - một trong các ban quản lý dự án có tỷ lệ giải ngân cao của Bộ Giao thông - Vận tải cho hay, một mặt Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo điều chuyển hạng mục công trình từ nhà thầu yếu kém sang nhà thầu đủ năng lực, mặt khác Ban Quản lý dự án báo cáo Bộ cho phép chỉ giữ lại 5% tiền bảo hành công trình, không giữ 2% tiền phục vụ quyết toán công trình để giúp nhà thầu bảo đảm năng lực tài chính, tăng khối lượng giải ngân dự án.

Giải ngân vốn đầu tư công: Vào cuộc với trách nhiệm cao
Thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (tỉnh Bình Thuận) do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông - Vận tải) làm chủ đầu tư. Ảnh: Phước Tuấn

Kiểm điểm việc chậm phân bổ vốn

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chuyển số vốn hết quý I-2022 chưa phân bổ của các bộ, ngành và địa phương cho các bộ, cơ quan, địa phương khác. Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị đôn đốc, đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện thủ tục, giải ngân vốn cho các dự án có khối lượng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, người đứng đầu các đơn vị phải coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022, từ đó quyết liệt vào cuộc, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân ngay vốn đầu tư. Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, quan trọng nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, đi đôi với cơ chế linh hoạt trong việc điều chỉnh dự án, điều chỉnh vốn và phân quyền để triển khai dự án nhanh hơn.

Về phía địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã yêu cầu các đơn vị tháo gỡ ngay khó khăn cho các dự án, đồng thời coi giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản là thước đo đánh giá người đứng đầu mỗi đơn vị. Ngày 15-4, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các công trình trọng điểm của thành phố. Mục tiêu là phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Trong đó, từng chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân và cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án; xem xét, điều chuyển vốn đối với các trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Liên quan đến đầu tư công, tại Nghị quyết số 50/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2022, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất phương án điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đến ngày 31-3 chưa phân bổ hết cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác đã có dự án và có nhu cầu bổ sung vốn. Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, địa phương chậm phân bổ kế hoạch vốn chịu trách nhiệm kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan mà không có lý do khách quan, bất khả kháng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4-2022. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, báo cáo Chính phủ hằng tháng, đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời để bảo đảm mục tiêu đề ra.