Giá vàng nửa cuối 2025 đứng trước ngưỡng mới khi dự báo chia rẽ. Bên cạnh kỳ vọng vàng vượt 4.000 USD/ounce nhờ bất ổn địa chính trị, nhiều nhà phân tích đầu tư thận trọng hơn, lo ngại nhu cầu trú ẩn giảm và thị trường chứng khoán hồi phục.
Giá vàng đã chạm mức cao kỷ lục khoảng 3.500 USD/ounce vào tháng 4/2025. Tính từ đầu năm, giá vàng đã tăng hơn 25%, vượt xa nhiều dự báo trước đó.
Đà tăng này xuất phát từ việc ngân hàng trung ương tăng mua vàng và giới đầu tư tìm đến vàng như kênh trú ẩn an toàn trước bối cảnh xung đột địa chính trị leo thang.
Tuy nhiên, những tháng gần đây, giá vàng bắt đầu điều chỉnh giảm. Khi tâm lý thị trường cải thiện, nhà đầu tư quay lại với thị trường chứng khoán. Từ ngày 7/4, chỉ số S&P/ASX 200 (Úc) đã tăng 16%, còn S&P 500 (Mỹ) tăng tới 23%.
Gần đây,
căng thẳng mới giữa Israel và Iran lại đẩy giá vàng bật lên, đạt 3.400
USD/ounce trong tháng 6. Nhưng sau đó, giá vàng tiếp tục suy yếu, lùi về mức 3.321
USD/ounce (The Motley Fool ghi nhận hôm nay)
"Liệu giá vàng đã đạt đỉnh trong năm nay?" là câu hỏi đáng quan tâm nhất của các nhà đầu tư vàng hiện nay.
JP Morgan dự báo giá vàng vẫn còn dư địa tăng. Trong tháng 6, JP Morgan đưa ra nhận định lạc quan cho giá vàng cuối năm 2025.
Đầu năm nay, chúng tôi đã phân tích xu hướng dịch chuyển cơ cấu trong nhu cầu vàng và các yếu tố địa chính trị thúc đẩy giá vàng neo ở mức cao hơn. Chúng tôi đặt ra câu hỏi liệu vàng có thể lên tới 4.000 USD/ounce hay không. Và câu trả lời là có, nhất là trong bối cảnh xác suất suy thoái kinh tế cao hơn và những rủi ro về thương mại và thuế quan tiếp tục kéo dài. Chúng tôi vẫn rất tin tưởng vào xu hướng tăng giá dài hạn của vàng.
JP Morgan hiện dự báo giá vàng bình quân đạt 3.675 USD/ounce trong quý cuối năm 2025 và có thể hướng tới 4.000 USD/ounce vào quý II/2026.
Ai đang mua bán vàng?
Theo Bloomberg, nhà đầu tư bán lẻ Mỹ đang có xu hướng bán vàng miếng và vàng thỏi để chốt lời, do họ dần cảm thấy yên tâm hơn trước chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nợ công gia tăng và căng thẳng địa chính trị. Điều này phản ánh ở đà tăng mạnh của chỉ số S&P 500, vừa đạt đỉnh mới trong tuần này. Trái lại, nhà đầu tư châu Á vẫn tiếp tục mua vàng, do lo ngại căng thẳng địa chính trị kéo dài và nguy cơ đồng tiền nội địa mất giá.
Các hình thức đầu tư vàng trên thế giới
- Mua vàng vật chất (VD: thông qua Perth Mint)
- Đầu tư vào ETF vàng (VD: Global X Gold Bullion ETF, ASX: GXLD, phí quản lý 0,15%/năm. đã tăng 20% từ đầu năm và 45% so với một năm trước)
- Đầu tư vào cổ phiếu các công ty khai thác vàng. (VD: Macquarie hiện khuyến nghị mua cổ phiếu Newmont Corporation (ASX: NEM), với giá mục tiêu 106 USD, tiềm năng tăng gần 20% trong 12 tháng tới.)
Theo CBS News, dữ liệu của American Hartford Gold cho thấy, vào tháng 11/2023, giá vàng chỉ khoảng 1.990 USD/ounce, nhưng đến cuối tháng 6/2025. Tức là, giá vàng đã đạt 3.288,46 USD/ounce, tức tăng tới 65% chỉ trong hơn 18 tháng.
Năm 2024, vàng liên tục vượt qua nhiều mốc kỷ lục và tiếp tục xu hướng này trong nửa đầu năm 2025, khi vượt mốc 3.000 USD/ounce vào tháng 3 và đạt mức kỷ lục mới trên 3.400 USD/ounce vào tháng 4. Diễn biến này đã khiến vàng trở thành tài sản hấp dẫn không chỉ với các nhà đầu tư lâu năm, mà còn thu hút những người mới muốn tìm kiếm một kênh đầu tư có tiềm năng tăng giá.
Dự đoán giá tương lai của bất kỳ tài sản nào luôn khó khăn vì những yếu tố bất ngờ có thể tác động theo cả hai chiều. Dẫu vậy, dựa trên các xu hướng gần đây và một số yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng, nhiều khả năng giá vàng sẽ duy trì ổn định trong tháng 7, chỉ dao động nhẹ lên xuống như thường lệ.
Dưới đây là các lý do:
Lạm phát có thể vẫn ở mức thấp: Khi lạm phát tăng cao, nhà đầu tư thường đổ tiền vào vàng, đẩy giá vàng tăng. Ngược lại, khi lạm phát hạ nhiệt, nhu cầu với vàng cũng giảm. Hiện lạm phát chỉ tăng nhẹ từ 2,3% lên 2,4% trong tháng 5. Nếu báo cáo lạm phát tiếp theo, dự kiến công bố ngày 15/7 (cho dữ liệu tháng 6), vẫn ở mức tương tự, tác động đến giá vàng sẽ không nhiều.
Lãi suất tạm ngừng điều chỉnh: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa cắt giảm lãi suất kể từ tháng 12/2024. Dù khả năng Fed hành động trong cuộc họp cuối tháng 7 vẫn còn, kịch bản được dự đoán nhiều hơn là Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Khi lãi suất tăng, giá vàng thường giảm, và ngược lại. Việc Fed giữ nguyên mức lãi suất thêm hai tháng nữa có thể giúp giá vàng duy trì quanh mức đầu tháng 7.
Căng thẳng địa chính trị vẫn phức tạp: Trong những năm gần đây, khi căng thẳng địa chính trị leo thang, vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn vì giữ được giá trị khi các tài sản khác hoặc đồng USD giảm. Nhưng nếu tình hình căng thẳng không quá nóng, tác động lên giá vàng và bạc sẽ hạn chế. Tuy vậy, đây vẫn là yếu tố khó lường nhất vì có thể thay đổi chỉ sau một đêm, kéo giá vàng biến động bất ngờ.
Tại thời điểm đầu tháng 7/2025, chuyên gia CBS News dự đoán giá vàng sẽ giữ ổn định. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý, nếu quyết định đầu tư vào vàng, thì chỉ nên dành tối đa 10% danh mục cho kim loại quý này để không ảnh hưởng tới các tài sản khác như trái phiếu, cổ phiếu hay bất động sản.
Một chuyên gia phân tích từ Ngân hàng Bank of America Securities (BofA Securities) mới đây nhận định giá vàng có thể tăng vọt lên 4.000 USD/ounce vào cuối năm 2025, trong bối cảnh thế giới tiếp tục đối mặt với những bất ổn toàn cầu.
Francisco Blanch, Giám đốc toàn cầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa và phái sinh của BofA Securities, chia sẻ với Kitco News rằng đợt điều chỉnh giá kim loại quý hiện nay chủ yếu do tác động ngắn hạn từ bất ổn địa chính trị. Theo ông, cả vàng và bạc đều sẽ tăng giá trong nửa cuối năm 2025.
Chúng tôi vẫn lạc quan trong dài hạn. Có thể từ nửa cuối năm 2025 hoặc sang năm 2026, giá vàng sẽ vượt ngưỡng 4.000 USD/ounce. Vàng đã vài lần tiến sát mốc 3.500 USD/ounce, nhưng để vượt qua mức này và tiếp tục tăng, cần phải có bối cảnh bất ổn địa chính trị và chính sách,
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với kênh tin tức tài chính Mỹ CNBC, chuyên gia của BofA Securities từng dự đoán giá vàng có thể đạt 3.500 USD/ounce trong 6 tháng đầu năm 2025. Thực tế, dự báo này khá sát khi giữa quý II/2025, giá hợp đồng vàng tương lai tháng 6 trên sàn Comex đã ghi nhận mức 3.442,3 USD/ounce.
Ông Francisco Blanch cho biết thị trường vàng hiện đang trong giai đoạn điều chỉnh, có thể kéo dài vài tháng.
Theo báo cáo dự báo công bố hồi đầu tháng 4/2025, HSBC cũng dự tính giá vàng trung bình trong năm 2025 sẽ đạt 3.015 USD/ounce, và năm 2026 là 2.915 USD/ounce.
Ngày 17/6, Citibank công bố hạ mục tiêu giá vàng ngắn hạn và dài hạn, dự báo giá vàng có thể giảm xuống dưới 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026, nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu đầu tư sụt giảm và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tích cực. Đến nay, ngân hàng này vẫn chưa tăng kỳ vọng của mình.
Ngân hàng đã điều chỉnh mục tiêu giá vàng trong khung thời gian 0-3 tháng xuống còn 3.300 USD/ounce (từ mức 3.500 USD/ounce trước đó) và mục tiêu 6-12 tháng xuống còn 2.800 USD/ounce (so với mức 3.000 USD/ounce trước đó).
Citi cho biết, giá vàng dự kiến sẽ tiếp tục dao động trong khoảng 3.100 – 3.500 USD/ounce trong quý III năm nay, nhờ các yếu tố hỗ trợ như rủi ro địa chính trị, khả năng thay đổi chính sách thuế của Mỹ, và lo ngại về ngân sách của Mỹ, trước khi bước vào xu hướng giảm vào cuối năm.
Chúng tôi dự báo nhu cầu đầu tư vàng sẽ giảm dần vào cuối năm 2025 và năm 2026, khi sự ủng hộ dành cho Tổng thống Trump và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ trở thành yếu tố hỗ trợ thị trường, đặc biệt khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đến gần.
Ngân hàng dự báo, giá vàng có thể quay về mức 2.500 – 2.700 USD/ounce vào nửa cuối năm 2026.
Trong kịch bản lạc quan nhất, Citi cho rằng giá vàng có thể vượt 3.500 USD/ounce trong quý III/2025 nhờ nhu cầu phòng ngừa rủi ro và đầu tư mạnh hơn, trong bối cảnh kinh tế Mỹ và tình hình địa chính trị có nhiều biến động.
Ngược lại, ở kịch bản tiêu cực, giá vàng có thể giảm dưới 3.000 USD/ounce nếu các tranh chấp thuế quan được giải quyết, rủi ro địa chính trị hạ nhiệt, và kinh tế Mỹ tránh được suy thoái sâu, mặc dù hoạt động mua vào từ các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi có thể giúp giá vàng không giảm quá mạnh. Tuy nhiên, Citi chỉ gán xác suất 20% cho cả hai kịch bản lạc quan và bi quan này.
Trái với triển vọng thận trọng của vàng, Citi dự báo giá bạc sẽ tăng lên 40 USD/ounce trong 6-12 tháng tới, được thúc đẩy bởi nguồn cung thắt chặt và nhu cầu mạnh mẽ. Trong kịch bản tích cực, giá bạc có thể đạt tới 46 USD/ounce vào quý III/2025, nhờ tiến trình giải quyết nhanh chóng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và chính sách tiền tệ cứng rắn hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo các nhà phân tích của FOREX, vàng đã có một nửa đầu năm 2025 rực rỡ, vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce hồi giữa tháng 3, khép lại giai đoạn tăng giá mạnh mẽ với mức tăng 25% kể từ đầu năm. Tính từ đầu 2023, vàng đã tăng 77%, ghi nhận chuỗi tăng 6 trong 7 quý gần nhất.
Tuy nhiên, sau cú tăng hình “parabol” lên mức kỷ lục 3.500 USD/ounce hồi tháng 4, vàng bắt đầu chững lại, phần lớn thời gian quý II dao động gần đỉnh nhưng lộ rõ dấu hiệu “đuối sức”.
Bước sang nửa cuối 2025, câu hỏi không phải là xu hướng dài hạn của vàng có còn tích cực không — vì rõ ràng là có — mà là liệu tốc độ tăng mạnh mẽ có tiếp tục được duy trì. Với việc vàng rơi vào trạng thái “quá mua” đầu năm nay, sự đi ngang hoặc thậm chí điều chỉnh nhẹ trong H2 được cho là cần thiết và lành mạnh.
Giá vàng nửa cuối năm 2025 ở mức trung tính. Nhu cầu trú ẩn có thể đã đạt đỉnh nhưng vàng vẫn còn những yếu tố hỗ trợ, đặc biệt là nhu cầu từ các ngân hàng trung ương và những bất ổn về tài chính Mỹ.
Đặc biệt, khẩu vị rủi ro đang trở lại khi chỉ số S&P 500 phục hồi hoàn toàn từ cú sụt đầu năm, khiến nhu cầu trú ẩn vào vàng có thể giảm và gây áp lực lên các dự báo tăng giá trước đó.
Bất chấp nỗi lo nợ công Mỹ, thị trường trái phiếu và USD nhìn chung vẫn chịu sức ép. Dự báo thâm hụt ngân sách Mỹ có thể đạt gần 9% GDP vào năm 2035, cộng với kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 4,5 nghìn tỷ USD chưa có nguồn bù đắp, đang dấy lên lo ngại về tính bền vững của tài chính Mỹ.
Dẫu vậy, S&P 500 vẫn lập đỉnh mới cuối quý II, cho thấy nhà đầu tư chưa thực sự lo lắng sâu sắc. Nhưng nếu Mỹ tiếp tục bị hạ xếp hạng tín dụng, vàng có thể được hưởng lợi mạnh.
Một động lực quan trọng khác của giá vàng là nhu cầu mua vào mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương, đặc biệt từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Trong 3 năm qua, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã mua trung bình hơn 1.000 tấn vàng mỗi năm - mức cao nhất kể từ thập niên 1960.
Cuộc khảo sát mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy 76% ngân hàng trung ương dự kiến tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối sẽ còn tăng trong 5 năm tới.
Dù vậy, giá vàng đang ở vùng cao lịch sử mà chưa trải qua các đợt điều chỉnh lớn, khiến nhu cầu từ các ngân hàng trung ương - vốn là những người mua có ý thức về giá trị, có thể chững lại trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư cá nhân và qua các quỹ ETF vẫn chưa bù đắp được hoàn toàn.
Ngoài ra, không thể quên yếu tố cung. Giá vàng cao có thể kích thích các công ty khai thác tăng sản lượng, tạo thêm nguồn cung ra thị trường. Bên cạnh đó, các tài sản thay thế như bạc, vừa vượt ngưỡng 30 USD/ounce, có thể “lấn sân” vàng, đặc biệt nếu thị trường chứng khoán tiếp tục tăng mạnh, giảm nhu cầu trú ẩn. Thậm chí, sự hấp dẫn ngày càng lớn của tiền số như Bitcoin cũng có thể hút bớt vốn khỏi vàng.
Nhu cầu trú ẩn, vốn là trụ cột hỗ trợ vàng trong những năm qua, có thể vẫn còn duy trì, nhất là khi căng thẳng thương mại thời Trump quay lại, cùng chính sách đối ngoại khó lường. Dù căng thẳng Israel – Iran tạm lắng, các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza vẫn chưa có lối ra rõ ràng.
Tuy nhiên, FOREX cho rằng bất kỳ diễn biến bất ngờ nào theo hướng hạ nhiệt xung đột cũng có thể làm giảm nhu cầu vàng tạm thời.
Phân tích kỹ thuật về giá vàng: Các ngưỡng cần theo dõi
Về kỹ thuật, vàng vẫn trong xu hướng tăng dài hạn, nhưng chỉ báo RSI trên biểu đồ tháng đã vượt 85 - mức cao nhất kể từ thời điểm đại dịch COVID-19. Trong lịch sử, khi RSI vượt ngưỡng 80, vàng thường có xu hướng điều chỉnh hoặc ít nhất đi ngang.
Trên biểu đồ tuần, RSI đã giảm dần từ mức đỉnh gần 80 xuống quanh 63, cho thấy giai đoạn “xả hơi” sau đợt tăng quá nóng. Một dấu hiệu khác là vàng đang giao dịch cao hơn tới hơn 1.000 USD so với đường trung bình động 200 tuần, hiện nằm quanh vùng 2.160 USD. Mức hỗ trợ trước mắt được xác định quanh vùng 3.170 USD (EMA 21 tuần) và vùng tâm lý quan trọng 3.000 – 3.100 USD.
Về kháng cự, mốc 3.435 USD đang là ngưỡng khó vượt, trước khi hướng tới đỉnh lịch sử 3.500 USD. Nếu vượt đỉnh này, vàng sẽ bước vào “vùng chưa có tiền lệ” và khó đoán mức trần tiếp theo.
Chính vì vậy, FOREX dự báo giá vàng nửa cuối năm 2025 ở mức trung tính. Nhu cầu trú ẩn có thể đã đạt đỉnh, nhưng vàng vẫn còn những yếu tố hỗ trợ, đặc biệt là nhu cầu từ các ngân hàng trung ương và những bất ổn về tài chính Mỹ.
Dù vậy, sau đợt tăng nóng, vàng nhiều khả năng sẽ trải qua giai đoạn tích lũy, thậm chí có thể điều chỉnh nhẹ, trước khi xác lập xu hướng mới.
© thitruongbiz.vn