Theo quyết định của Bộ trưởng GD&ĐT, danh mục sách giáo khoa mới bắt đầu sử dụng trong các trường từ năm 2023 - 2024 theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 4, 8, 11 gồm: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Ba bộ sách này thuộc các nhà xuất bản: Công ty Cổ phần đầu tư và xuất bản giáo dục Việt Nam (VEPIC), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Theo đó, bộ sách giáo khoa lớp 4 giá từ 182.000 đồng/bộ đến 230.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh). Bộ sách giáo khoa lớp 8 từ 186.000 đồng/bộ đến 268.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh). Bộ sách giáo khoa lớp 11 từ 130.000 đồng/bộ đến 167.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh, sách giáo dục địa phương và không tính các môn học, chuyên đề tự chọn).

Giá sách lớp 4 đang sử dụng theo chương trình cũ là 87.000 đồng. Như vậy, giá sách mới cao hơn khoảng 3 lần. Giá sách lớp 8 và 11 cũng có mức tăng tương tự giữa chương trình mới và cũ.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2020 - 2021. Hiện, chương trình được áp dụng với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Tháng 9 năm nay, đến lượt khối 4, 8, 11 và đến năm 2025, tất cả khối lớp sẽ học theo chương trình mới.

Sách giáo khoa mới có giá cao gấp 2-3 lần so với sách cũ (Ảnh: Mỹ Hà).
Sách giáo khoa mới có giá cao gấp 2-3 lần so với sách cũ. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam

Theo quy định, trước khi đưa ra thị trường, các nhà xuất bản, đơn vị soạn sách phải kê khai giá bán lẻ các bộ sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) theo quy định.

Trước đó, tháng 5/2022, khi công bố giá các bộ sách giáo khoa mới, cao hơn sách cũ, Nhà xuất bản Giáo dục lý giải một phần bởi số cuốn trong mỗi bộ nhiều hơn.

Với sách mới, việc biên soạn, xuất bản được thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Với sách cũ, toàn bộ chi phí tổ chức bản thảo được chi trả bằng ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng thế giới; Nhà xuất bản Giáo dục chỉ trả chi phí bản thảo cho việc tái bản.

Ngoài ra, sách mới khổ 19 x 26,5 cm, lớn hơn 1,2 lần sách cũ (17 x 24cm).

"Để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo mô hình phát triển năng lực, sách giáo khoa cần thay đổi theo hướng tăng cường kênh hình, hình ảnh hóa nội dung... Do đó, đơn giá công in đã bị tăng lên 23%", đại diện Nhà xuất bản Giáo dục nói.

Trong bảng giá năm nay, Công ty VEPIC cũng nêu sách "Cánh Diều" được in trên giấy chất lượng tốt nhất, màu sắc sống động, độ sắc nét cao bảo vệ thị lực học sinh, áp dụng công nghệ hiện đại để chống giả.

Việt Nam thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) từ năm học 2020-2021. Hiện, chương trình được áp dụng với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Tháng 9 năm nay, đến lượt khối 4, 8, 11 và đến năm 2025, tất cả khối lớp sẽ học theo chương trình mới. Lộ trình thay sách cuốn chiếu cũng được thực hiện song song với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", bỏ độc quyền xuất bản.

Luật Giá và các văn bản hướng dẫn quy định giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp.

Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 hồi tháng 6/2022, sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật Giá. Trong thời gian chờ đợi sửa luật, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.