Giá cà phê và hồ tiêu ngày 15/8: Cà phê ổn định, hồ tiêu giảm mạnh 1.000 đồng/kg
Giá cà phê ngày 15/8
Giá cà phê ngày 15/8 tại thị trường trong nước không có biến động mới so với hôm qua.
Cụ thể, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 48.500 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 49.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 48.900 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 48.900 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 48.800 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 48.900 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 48.800 đồng/kg.
Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 48.900 đồng/kg. Thị trường cà phê trong nước hôm nay đi ngang so với cùng thời điểm sáng hôm qua.
Giá cà phê ngày 15/8 tại thị trường trong nước không có biến động mới so với hôm qua. Ảnh minh họa |
Giá cà phê thế giới tuần qua tăng mạnh trên cả hai sàn phái sinh. Trong đó, giá cà phê robusta tại London giao tháng 9/2022 tăng 209 USD/tấn, leo lên mức cao nhất 7 tháng qua. Trong khi đó, giá cà phê arabica tại New York giao tháng 9/2022 tăng 17,15 Cent/lb, ở mức đỉnh trong vòng 6 tuần qua.
Giá cà phê kỳ hạn tiếp nối đà tăng sau báo cáo niền tin của người tiêu dùng Mỹ có phần lạc quan hơn dự báo và một loạt dữ liệu kinh tế tốt hơn dự kiến trong tuần này làm tăng kỳ vọng lạm phát ở nước này đã đạt đỉnh. Điều này sẽ khiến Fed sẽ dễ dàng hơn trong việc điều hành lãi suất. Tỷ giá đồng Real tăng thêm 1,66% lên ở mức 1 USD = 5,0740 Real cũng khiến người Brazil giảm bán hàng cà phê vụ mới.
Sự thanh lý và chuyển tháng kỳ hạn của các Quỹ và đầu cơ trước đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 9 cũng đã góp phần hỗ trợ giá tăng bằng những lệnh mua kỹ thuật, bất chấp tình hình cho thấy cả hai sàn cà phê đã vào vùng “quá mua”.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 12/8), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tiếp tục tăng mạnh, kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng 36 USD (1,62%), giao dịch tại 2.252 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 11/2022 tăng 38 USD (1,71%), giao dịch tại 2.261 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York, kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng 2,65 Cent (1,18%), giao dịch tại 226,6 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 tăng 2,85 Cent/lb (1,30%), giao dịch tại 222,4 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng rất mạnh.
Giá hồ tiêu 15/8
Giá tiêu hôm nay tiếp tục đà giảm tại các vùng trồng trọng điểm Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Tại Gia Lai giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 72.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg
Tương tự, tại các tỉnh Đông Nam bộ, giá tiêu cũng quay đầu giảm 1.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Bình Phước, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 721.500 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 72.500 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 69.500 đồng/kg.
Như vậy, giá tiêu trong nước đã đồng loạt giảm ngay trong phiên đầu tuần. Mặc dù xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang Trung Quốc đang ấm dần lên nhưng các chuyên gia dự báo giá tiêu chưa thể tăng trở lại trong ngắn hạn, thậm chí có thể tiếp tục giảm.
Nguyên nhân là bởi thị trường đang xuất hiện một số yếu tố gây bất lợi cho sự phục hồi của giá tiêu. Sức ép của việc tăng lãi suất cơ bản tiền tệ buộc những đơn vị nhập khẩu không vội vàng ký hợp đồng mới bởi tồn kho vẫn còn.
Giá hồ tiêu ngày 15/8 tiếp tục giảm mạnh 1.000 đồng/kg. Ảnh minh họa |
Trong khi đó, giới đầu cơ trong nước cũng tính đến phương án bán cắt lỗ do phải gánh lãi suất cao. Điều này khiến thị trường liên tục rơi vào trạng thái thừa cung, thiếu cầu.
Đặc biệt, càng về thời điểm cuối năm, áp lực bán ra càng lớn bởi các đại lý cũng như đầu cơ nắm giữ hồ tiêu cần xoay vòng vốn để chuyển sang vụ cà phê.
Không những thế, thị trường cũng đối mặt với nỗi lo nhu cầu giảm sút khi lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ, hai thị trường tiêu thụ hồ tiêu chủ lực của Việt Nam.
Một khó khăn nữa là rào cản kỹ thuật ngày càng cao của các thị trường đặc biệt thị trường châu Âu và Hoa Kỳ, điều kiện về dư lượng chất bảo vệ thực vật liên tục được đưa ra với mức thấp hơn gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Mặt khác, giá vật tư đầu vào tăng cao như thuốc, phân bón, nhân công, cước tàu, nhiên liệu… ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp và người nông dân.
Cùng với đó là sự cạnh tranh ngày càng cao giữa các nước sản xuất như Brazil, Indonesia, Cambodia do chất lượng hồ tiêu các nước này đang vươn lên mạnh mẽ, ngoài chất lượng khi xuất khẩu giá cước tàu xuất khẩu của các nước này cũng cạnh tranh hơn so với Việt Nam.