Thị trường việc làm đang ngày càng phân hóa đa dạng không chỉ về mặt chuyên môn mà còn về hình thức, quy mô doanh nghiệp. Nếu thế hệ trước chỉ cần quan tâm đến hai khối doanh nghiệp công và tư thì ngày nay “Gen Z” lại phải đắn đo giữa việc lựa chọn công ty khởi nghiệp hay tập đoàn đa quốc gia.

Những cơ hội…

Việc đặt chân vào các tập đoàn đa quốc gia (ĐQG) luôn được xem là bước thành công rực rỡ với các bạn trẻ mới ra trường. Theo Minh Đăng (24 tuổi), hiện là nhân viên kinh doanh (Business Development), làm việc tại một doanh nghiệp ĐQG sẽ giúp bản thân dễ dàng cập nhật kiến thức mới theo xu hướng thế giới, nâng cao kĩ năng chuyên môn và kĩ năng mềm một cách nhanh chóng.

Tại các doanh nghiệp ĐQG, chế độ phúc lợi luôn là yếu tố quan trọng thu hút các bạn trẻ thử sức. “Một điều không thể chối cãi là mặc dù các doanh nghiệp ĐQG sẽ liên tục đòi hỏi bạn rất nhiều trong công việc nhưng những công ty này cũng có một mức đãi ngộ rất tương xứng. Không chỉ về lương thưởng mà cả sức khỏe và tinh thần của nhân viên cũng được coi trọng. Nhiều tập đoàn sẽ có những chương trình đãi ngộ khác nhau nhằm giúp đảm bảo được đời sống của nhân viên luôn đạt được mức tốt nhất”, Minh Đăng chia sẻ.

Không chỉ có vậy, thông qua uy tín của các doanh nghiệp ĐQG, các bạn trẻ cũng sẽ sớm xây dựng được thương hiệu cá nhân, là đòn bẩy rất tốt để phát triển sự nghiệp sau này.

Tương tự, Thanh Phú (22 tuổi) - nhân viên sales tại một công ty ĐQG cũng cho rằng các tập đoàn lớn chứa đựng nhiều cơ hội để học hỏi, rèn giũa, nâng cao năng lực.

“Khi chọn lựa một tập đoàn lớn để làm việc thì dĩ nhiên bản thân mình sẽ được va chạm, nghĩa là tiếp xúc với nhiều anh chị dày dặn kinh nghiệm, được làm việc trong một môi trường hiện đại, đòi hỏi bản thân mỗi người phải thật sự nỗ lực hết mình. Có như thế bản thân mình mới thật sự trưởng thành hơn, dù làm ở bất cứ công ty nào và trong những ngành nghề nào thì mình cũng đủ “bản lĩnh” để chinh phục nó”, Phú chia sẻ.

Nếu các tập đoàn ĐQG là nơi thu hút người trẻ với chế độ và cơ hội học hỏi thì các công ty khởi nghiệp cũng hấp dẫn không kém nhờ môi trường năng động và kỷ luật doanh nghiệp có phần “dễ thở” hơn.

Ngọc Uyên - Biên tập viên tại một công ty khởi nghiệp chia sẻ: "Công ty khởi nghiệp cũng có những điểm cộng hấp dẫn tôi như môi trường làm việc trẻ trung, năng động và nội dung công việc mới lạ. Qua thời gian gần 1 tháng làm việc, tôi thấy có những thuận lợi như văn phòng tiện nghi, được thoải mái giờ giấc, trang phục; đồng nghiệp vui vẻ, trẻ trung, đặc biệt là luôn sẵn sàng giúp đỡ; công việc nhiều thú vị".

… Và thách thức

Đi cùng với sự “hào nhoáng” khi được làm việc tại một tập đoàn lớn là những thách thức mà các bạn trẻ phải đối mặt. Những khác biệt về văn hóa trong một doanh nghiệp đa quốc gia cũng là một trong những rào cản đòi hỏi các bạn trẻ tập cách thích ứng và thay đổi tư duy cho phù hợp.

Theo Minh Đăng: “Điểm khó đầu tiên chính là tốc độ phát triển và sự thay đổi nhanh chóng của các tập đoàn ĐQG, vì bản thân họ phải liên tục cập nhật các xu hướng trong ngành trên nhiều quốc gia khác nhau, vậy nên để làm việc trong môi trường này, bản thân tôi phải luôn cập nhật kiến thức mới trong ngành và phải nắm rõ được xu hướng phát triển của ngành nghề trên nhiều quốc gia khác nhau và đồng thời tìm cách để đồng bộ hóa được xu hướng này vào thị trường của Việt Nam.

Điểm khó khăn thứ 2 chính là văn hóa làm việc, vì là đa quốc gia nên văn hóa làm việc chắc chắn sẽ xung đột với nhau, nó đến từ những việc nhỏ như cách làm việc nhóm giữa nhiều người ở các quốc gia khác nhau cho đến cách làm việc với sếp hay lớn hơn là cách hình thành một môi trường có thể giao thoa được nhiều nền văn hóa. Bản thân tôi khi làm việc ở đây phải thích nghi thật nhanh với văn hóa làm việc của tổ chức”.

Trong khi đó tại “khu vực” khởi nghiệp, Ngọc Uyên (23 tuổi) cho biết bạn cũng gặp phải một số trở ngại ban đầu trong việc làm quen, giao tiếp với mọi người cũng như còn ít kinh nghiệm để xử lý công việc.

IMG_1461

Ngọc Uyên cho biết bạn cũng gặp phải một số trở ngại ban đầu trong việc làm quen.

Đặc biệt, môi trường “startup” thường đòi hỏi từng cá nhân phải “đa năng”, “đa nhiệm” hơn, dễ khiến các bạn quá tải. Mặt khác, sự cởi mở, thoải mái trong kỷ luật, quy định của doanh nghiệp đôi khi là “con dao hai lưỡi” khi vừa tháo gỡ những ràng buộc với nhân viên nhưng cũng vừa khó đảm bảo các quyền lợi được bảo vệ thấu đáo.

Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp theo quy mô có quan trọng?

Hầu hết các bạn trẻ đều cho rằng việc lựa chọn doanh nghiệp là khởi nghiệp hay tập đoàn đa quốc gia không phải là tiêu chí ưu tiên hàng đầu.

Với Minh Đăng, quy mô và hình thức doanh nghiệp nên được xếp ở vị trí cuối cùng, sau định hướng sự nghiệp bản thân, tiềm năng phát triển của công ty, môi trường làm việc, lương thưởng và phúc lợi.

Đối với Thanh Phú, anh cũng quan tâm đến cơ hội phát triển bản thân hơn là đặt mình vào một tập đoàn lớn hay một công ty khởi nghiệp.

Thanh Phú cho biết: “Đối với tôi thì điều quan trọng vẫn là kĩ năng và cơ hội tiếp xúc với công việc. Vẫn câu nói đó, dù làm ở công ty nào và bất cứ ngành nghề nào thì tôi vẫn hết lòng với nó, mỗi công việc điều có những ý nghĩa và giá trị của riêng nó. Nên tôi không đặt nặng vấn đề mình sẽ làm việc cố định ở một ngành nghề nào cả, tôi vẫn thích được trải nghiệm ở những công việc khác nhau để thu góp nhiều kinh nghiệm”.

Tuy nhiên nếu xem xét cán cân giữa doanh nghiệp khởi nghiệp và tập đoàn ĐQG hiện nay sẽ thấy có sự chênh lệch lớn, theo khảo sát của Glints Việt Nam gần 90% Gen Z có ước mơ làm việc cho các công ty nước ngoài/tập đoàn đa quốc gia khi mới ra trường. Điều này cho thấy sức hấp dẫn nhờ vào danh tiếng và triển vọng phát triển cũng như sự ổn định của các tập đoàn ĐQG vẫn rất lớn, bất chấp sự thành công của các công ty khởi nghiệp trong những năm trở lại đây.