Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn dự kiến sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 2 - 3/5, theo nhận định của Reuters.

Song, loạt dữ liệu quan trọng từ nay đến lúc đó, đặc biệt là cuộc khảo sát liên quan đến hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng, có thể giúp các quan chức xác định những rủi ro mà nền kinh tế đang đổi mặt và có nên quyết định tạm dừng chiến dịch nâng lãi suất hay không.

Bên ngoài toà nhà của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). (Ảnh: Reuters).
Bên ngoài toà nhà của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). (Ảnh: Reuters).

Gác lại mối lo ngân hàng

Kể từ cuộc họp chính sách hồi cuối tháng 3, giới chức Fed cho biết họ đã giữ liên lạc chặt chẽ với các giám đốc ngân hàng và đầu mối trong những ngành khác.

Mục đích là để đánh giá ảnh hưởng vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) đến hoạt động cấp tín dụng trong nền kinh tế cũng như nhằm đề phòng những rủi ro lớn hơn trong hệ thống tài chính.

Chia sẻ với Reuters, các quan chức Fed cho biết họ đang kiểm tra thanh khoản của hệ thống ngân hàng mỗi ngày và cố gắng đảm bảo rằng tất cả các nhà băng đều có sẵn giấy tờ để vay nhanh từ các cơ sở cho vay khác nhau của ngân hàng trung ương khi cần.

Các động thái trên cho thấy Fed từng nhận định vụ sụp đổ của SVB và Signature Bank sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà băng khác. Tuy nhiên, hỗn loạn trong ngành ngân hàng thực tế không gây thiệt hại lớn hơn.

Trong giai đoạn ba tuần từ ngày 15/3 đến 5/4, tín dụng ngân hàng nói chung đã giảm khoảng 1,5% và khách hàng đã ồ ạt rút tiền gửi ra khỏi các nhà băng nhỏ để gửi vào các ngân hàng lớn hơn.

Song, dòng tiền gửi tháo chạy đã nhanh chóng tạm dừng và báo cáo Beige Book gần đây của Fed cho thấy rắc rối dường như chỉ xảy ra ở một vài khu vực, chứ không phát triển thành một cuộc khủng hoảng tín dụng trên quy mô quốc gia.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters sau khi SVB sụp đổ, ông Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, cho hay: “Hỗn loạn đã xảy ra. Cúng tôi bắt đầu hỏi các ngân hàng rất nhiều thứ. Anh có thấy tiền gửi tháo chạy hay không? Khách hàng có gọi điện liên tục không? Chúng tôi khi đó rất cảnh giác”.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu các quan chức có nghe thấy điều gì bất thường hay không, ông Bostic trả là lời là “không, không thực sự có gì đáng quan ngại”.

Vì vậy, trong những ngày qua, các quan chức Fed đã tập trung trở lại vào vấn đề lạm phát cao dai dẳng và nhấn mạnh ngân hàng trung ương Mỹ cần tăng lãi suất thêm ít nhất 25 điểm cơ bản nữa.

Hiện tại, các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ thực hiện đợt nâng lãi suất thứ 10 liên tiếp vào tháng 5, qua đó đưa lãi suất lên phạm vi 5 - 5,25%. Trong các dự đoán hồi tháng 12 và tháng 3, Fed cho rằng đây có thể là mức đỉnh cho chu kỳ thắt chặt chính sách lần này.

Nhiều nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng tháng 5 sẽ là đợt tăng lãi suất cuối cùng của Fed, bất chấp bức tranh kinh tế ngày càng trở nên khó đoán. Một số thông tin trọng tâm liên quan đến thời điểm Fed dừng chu kỳ thắt chặt sẽ chỉ được công bố sau cuộc họp tháng 5.

Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất vào tháng 5 nhưng có thể tạm dừng nếu hệ thống ngân hàng siết hoạt động cho vay

Bức tranh kinh tế rối ren

Các dữ liệu chính thức kể từ cuộc họp tháng 3 của Fed cho thấy nền kinh tế đang yếu đi và cung cấp một số lý do để công chúng tin rằng lạm phát sẽ hạ nhiệt hơn nữa. Trên thực tế, tại cuộc họp tháng 3, giới chức Fed đã dự đoán Mỹ sẽ rơi vào một “cuộc suy thoái nhẹ” vào cuối năm nay.

Ở diễn biến khác, hoạt động tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn diễn ra mạnh mẽ cho tới tháng 3 và tiền lương tiếp tục tăng nhanh hơn mức mà các quan chức Fed cảm thấy là bền vững.

Trong các lĩnh vực quan trọng của ngành dịch vụ, áp lực lạm phát vẫn còn dai dẳng. Thống đốc Fed Christopher Waller từng nhận định những tiến bộ trên mặt trận chống lạm phát “ít nhiều đang bị đình trệ”.

Thứ Sáu tuần tới (ngày 28/4), Fed sẽ nhận được báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) tháng 3. PCEPI là thước đo lạm phát ưa thích của các quan chức và tính đến tháng 2, chỉ số này vẫn tăng 5% so với cùng kỳ.

Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất vào tháng 5 nhưng có thể tạm dừng nếu hệ thống ngân hàng siết hoạt động cho vay

Cùng ngày đó, chính phủ sẽ công bố báo cáo Chỉ số Chi phí Việc làm (ECI), cung cấp cái nhìn bao quát hơn về chi phí lao động của chủ lao động. ECI được phát hành hàng quý và bao gồm cả tiền lương lẫn các phúc lợi khác của người lao động, giúp Fed hiểu rõ hơn về xu hướng chi phí trên thị trường lao động.

Theo Reuters, thông tin có trọng lượng hơn cả sẽ là kết quả của cuộc khảo sát ý kiến cán bộ cho vay ngân hàng (SLOOS). Đây là một bảng câu hỏi được gửi đến một số nhà băng Mỹ mỗi ba tháng một lần.

Bởi vì SLOOS được công bố khoảng một tuần sau khi Fed nhóm họp, thị trường sẽ không có cách nào để đánh giá báo cáo trước, khác với các chỉ số giá và chi phí lao động nêu phía trên.

Mặc dù kết quả khảo sát là thông tin định tính, các câu hỏi của SLOOS về việc hệ thống ngân hàng đang thắt chặt hay nới lỏng điều kiện cho vay được coi là một chỉ báo hàng đầu về xu hướng cho vay.

Kết quả trên có thể ảnh hưởng đến nhận định của Fed về triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát, đồng thời giúp Fed xác định nên giữ nguyên lãi suất hay tăng thêm lãi suất tại các cuộc họp sau.

Trong khảo sát SLOOS quý trước, các nhân viên cho vay cho biết nhiều nhà băng đã thắt chặt điều kiện cho vay, dù các quan chức Fed lưu ý rằng một số loại hình tín dụng cấp cho doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn tiếp tục tăng.

Giới chuyên gia kinh tế dự đoán khảo sát SLOOS sắp tới sẽ cho thấy các điều kiện cho vay đang thắt chặt hơn nữa, trong bối cảnh tín dụng của các ngân hàng đang trong đà sụt giảm.

Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất vào tháng 5 nhưng có thể tạm dừng nếu hệ thống ngân hàng siết hoạt động cho vay