Dấu hiệu khởi sắc từ đầu năm

Ngành du lịch Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc ở cả du lịch nội địa và quốc tế trong tháng 1/2023, với điểm nhấn là đợt nghỉ Tết Nguyên Đán.

Để thu hút thêm nhiều du khách đến du xuân dịp cao điểm du lịch sau Tết, nhiều địa phương đã chủ động làm mới sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn , đậm đà bản sắc địa phương.

Du lịch nội địa và quốc tế ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ đầu năm
Du khách đi hành hương tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử, TP Uông Bí, Quảng Ninh trong dịp Tết Nguyên Đán.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2023 ước đạt trên 871 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với tháng 12/2022.

Doanh thu du lịch lữ hành trong tháng 1 cũng đạt tới 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 113,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số địa phương cho thấy mức tăng mạnh như Hải Phòng tăng 541,5%; Đà Nẵng tăng 387,1%; Tiền Giang tăng 380,2%; Lào Cai tăng 196,3%; Hà Nội tăng 113,8%; Hồ Chí Minh tăng 98,7% ...

Nhiều chuyên trang du lịch trên thế giới đã dự báo năm 2023 sẽ là năm ngành du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh, đặc biệt ngay từ đầu năm, Trung Quốc – một thị trường du khách lớn – đã mở cửa biên giới và du lịch.

Đây cũng là một thị trường lớn đối với du lịch Việt Nam trong việc thúc đẩy các hoạt động đón khách du lịch Trung Quốc, góp phần ổn định dòng khách quốc tế, gia tăng doanh thu du lịch từ thị trường này.

Còn theo Tổng cục Du lịch, riêng dịp Tết Nguyên đán, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong dịp Tết lại tăng mạnh hơn so với năm trước. Ước tính, các cơ sở lưu trú ghi nhận số lượng đặt phòng của khách quốc tế đạt 30 - 40% tổng lượng đặt phòng dịp Tết.

Cả nước có khoảng 9 triệu lượt khách nội địa du xuân, tăng 47,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy tổng thu từ du khách chỉ ước đạt 17,5 ngàn tỷ đồng, giảm 30% so với dịp Tết năm ngoái. Trong khi đó, công suất phòng trung bình cũng chỉ đạt khoảng 40 - 45% bởi khách lưu trú ít hơn và khách trong nước thắt chặt chi tiêu hơn.

Tại thủ đô Hà Nội, hoạt động du lịch cũng diễn ra nhộn nhịp trong dịp nghỉ Tết, nhiều khu, điểm du lịch trong thành phố đều đón một lượng lớn khách đến tham quan. Điển hình như Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã đón 3,3 vạn lượt khách du xuân, tham quan, trải nghiệm các hoạt động văn hóa ngày Tết, chỉ trong 5 ngày từ mùng 2 đến mùng 6 tháng Giêng.

Còn theo Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong 5 ngày Tết Nguyên đán (từ mùng 1 - 5 tháng Giêng), Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón gần 15 vạn lượt khách du xuân, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, nhất là phong tục xin chữ, cầu may đầu năm.

Đổi mới sản phẩm, tận dụng cơ hội sau Tết

Sau Tết Nguyên đán, các chương trình du lịch văn hoá, nhất là các chương trình du xuân, lễ hội diễn ra khá nhộn nhịp. Tháng Giêng cũng là mùa cao điểm du lịch nội địa, tập trung du lịch văn hoá tâm linh, lễ hội.

Để đón luồng du khách cho đợt cao điểm du xuân sau Tết, các địa phương đã chủ động làm mới sản phẩm du lịch, trang hoàng các khu, điểm du lịch và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, nổi bật đặc trưng văn hóa của từng địa phương.

Tại Hà Nội, có thể kể tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám có hội chữ xuân; các tour tham quan tại các Bảo tàng như: Tour văn học “Chữ tâm chữ tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam,…

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, để bảo đảm hoạt động du lịch diễn ra an toàn, văn minh, chất lượng trong và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Sở đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, chất lượng dịch vụ... tại các khu, điểm du lịch và các điểm đến tập trung đông người trên địa bàn thành phố. Những nỗ lực này nhằm chấn chỉnh ngay hiện tượng chèo kéo, nâng giá, ăn xin, các điểm trông giữ xe trái phép tại các điểm tập trung đông du khách, bảo đảm chất lượng dịch vụ phục vụ lễ hội xuân sau tết.

Mặt khác, ở khu vực miền Bắc, tỉnh Quảng Ninh khởi động lại Hội xuân Yên Tử sau 2 năm không tổ chức do đại dịch. Hội Xuân Yên Tử 2023 sẽ được bắt đầu khai hội vào ngày 10 tháng Giêng.

Phần lễ khai hội năm nay gồm các hoạt động rước kiệu, dâng lễ, còn phần hội có nhiều hoạt động như: Đêm hội hoa đăng, biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền, hát quan họ, vẽ tranh Đông Hồ, khám phá ẩm thực địa phương…

Ở khu vực miền Trung, các sự kiện, hoạt động phục vụ du khách ở TP. Đà Nẵng kể tới: chiếu sáng nghệ thuật trên cầu Nguyễn Văn Trỗi; trải nghiệm du ngoạn sông Hàn; các chương trình “Xuân yêu thương” tại bãi biển Mỹ Khê…

Còn ở khu vực miền Nam, tỉnh Tây Ninh cũng xây dựng sản phẩm du lịch mới cho du khách du xuân, ví như khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đưa vào hoạt động tuyến cáp treo mới. Điểm đến này cũng diễn ra nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm văn hoá Nam bộ của đồng bào Khmer.

Đẩy mạnh xúc tiến du lịch

Để bứt phá trong năm 2023, ngành du lịch nước ta không chỉ cần đổi mới sản phẩm du lịch mà còn phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, truyền thông hiệu quả để nắm bắt các cơ hội, thu hút khách quốc tế. Mới đây, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã ra mắt video clip đầu tiên của năm 2023 trong chương trình truyền thông “Việt Nam: Đi để yêu!” với chủ đề “Du lịch Golf - Tận hưởng từng khoảnh khắc”, đưa du khách đến với những trải nghiệm về loại hình du lịch thể thao golf gắn với dịch vụ, tiện ích giải trí.

Tiếp nối, trong Kế hoạch số 33/KH-UBND về hội nhập quốc tế TP Hà Nội năm 2023 cũng nêu rõ việc cần phải đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, trên các kênh CNN quốc tế, các kênh truyền thông quốc tế, trang website, các nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá phù hợp để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn”;…