Du lịch Hà Nội “hiến kế” sống chung với Covid-19
Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 liên tục bùng phát đã ảnh hưởng đến ngành du lịch Hà Nội như thế nào thưa bà?
- Ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021 đối với ngành du lịch Thủ đô là rất nặng nề. Từ đầu năm đến tháng 9/2021, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp chống dịch; đặc biệt từ tháng 7 vừa qua TP đã thực hiện giãn cách hội phòng, chống dịch Covid-19, nên các điểm đến di tích, văn hóa phải đóng cửa, các điểm du lịch vui chơi, giải trí đang tạm dừng hoạt động… vì vậy không đón khách du lịch quốc tế đến Hà Nội. Tính chung 9 tháng qua, du lịch Hà Nội chỉ đón được 2,92 triệu lượt khách nội địa, giảm 57,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 8,17 nghìn tỷ đồng, giảm 66,2% so với cùng kỳ năm trước. Công suất sử dụng phòng các khách sạn từ 1 - 5 sao đạt 21,4%, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Dịch Covid-19 đã khiến 1.550 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề. Trên 95% doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Kinh doanh vận chuyển khách du lịch cũng sụt giảm, công suất xe lưu hành trung bình dưới 10% và không hoạt động trong thời gian giãn cách. Số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động ước khoảng 11.600 người và 21.500 lao động tạm thời không có việc làm.
UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 22/CT-UBND nới lỏng giãn cách xã hội qua đó tạo điều kiện cho ngành du lịch Thủ đô đưa ra giải pháp hồi phục trong thời gian tới, vậy Sở Du lịch Hà Nội đã có phương án như thế nào để sớm đưa du lịch hoạt động trở lại?
- Để ngành du lịch hồi phục trở lại, đơn vị đã tham mưu với UBND TP Hà Nội xây dựng chi tiết Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô gắn với phòng, chống dịch Covid-19 từ nay đến cuối năm.
Cụ thể, Sở Du lịch đã xây dựng, đề xuất các giai đoạn mở cửa du lịch dựa trên hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch Covid-19” gắn với 4 giai đoạn. Dự kiến trong tháng 10/2021 nếu TP phê duyệt, Sở Du lịch sẽ triển khai mở cửa theo giai đoạn 3, cho phép các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển được hoạt động trở lại. Trong giai đoạn này chủ yếu phục vụ khách du lịch là người dân Hà Nội tham gia các tour “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”.
Tháng 11 áp dụng các biện pháp mở cửa và phục hồi theo giai đoạn 3 và 4 dựa theo đánh giá tình hình thực tế. Cho phép các đơn vị du lịch đón khách trong địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh. Sau khi TP Hà Nội chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, đơn vị sẽ đánh giá tình hình từ đó kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép “ mở cửa” du lịch theo giai đoạn 4 vào tháng 12. Cũng trong thời gian này Sở Du lịch sẽ tổ chức Lễ hội quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2021 tại khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Du lịch Hà Nội “hiến kế” sống chung với Covid-19 |
Để thực hiện kế hoạch hiệu quả, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp, gồm: Xây dựng điểm đến an toàn và sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin làm đa dạng các sản phẩm mới phục vụ thu hút khách du lịch nội địa; Tổ chức các hoạt động, sự kiện, chuyển đổi số ngành Du lịch; Tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn cho du khách và cơ sở du lịch. Có thể nói những giải pháp này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch hoạt động bình thường, đón khách du lịch tại các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên các doanh nghiệp du lịch trong quá trình tổ chức tour vẫn phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các chuyên gia du lịch cho rằng muốn thu hút du khách nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19 đòi hỏi phải tổ chức tour du lịch “xanh” vậy trong thời gian tới ngành du lịch Hà Nội sẽ triển khai xây dựng các tour như vậy không thưa bà ?
- Xây dựng tour du lịch “xanh” là giải pháp quan trọng trong việc thu hút du khách thời kỳ “hậu” Covid-19, vì vậy trong thời gian tới Sở Du lịch Hà Nội tập trung nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận huyện thị xã trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp triển khai các hoạt động du lịch trải nghiệm, thể thao, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch homestay… trong đó lấy Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn làm trọng tâm tổ chức.
Để loại hình, điểm đến này thu hút khách ngành du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, các điểm đến gắn với di sản - di tích, làng nghề trên các phương tiện truyền thông của Trung ương và Hà Nội. Hiện Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên trên nền tảng điện tử là cần thiết, vì vậy đơn vị sẽ đẩy mạnh số hóa các điểm đến du lịch trong hệ thống giới thiệu du lịch chung bằng giao diện ảnh 360, 3D, Flycam, công nghệ thực tế ảo. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tổ chức hoạt động quảng bá sản phẩm, các chương trình hội chợ, trải nghiệm du lịch, các buổi triển lãm, các tour du lịch trên không gian mạng.
Đảm bảo an toàn phòng dịch cho du khách, cơ sở du lịch trong quá trình tham gia tour là một trong những điều kiện bắt buộc, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các ngành liên quan triển khai như thế nào?
Việc đảm bảo an toàn cho cộng đồng, du khách và các cơ sở du lịch là ưu tiên hàng đầu của ngành Du lịch Thủ đô. Đơn vị đã yêu cầu 100% cơ sở lưu trú, điểm đến đăng ký và đánh giá an toàn trên hệ thống safe.tourism.com.vn. Đồng thời Sở Du lịch phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tập huấn, hướng dẫn lực lượng lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nắm vững quy trình phòng, chống dịch, có các phương án xử lý kịp thời trong trường hợp xuất hiện các trường hợp nghi nhiễm.
Bên cạnh đó Sở Du lịch thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho khách du lịch của các đơn vị. Tuy nhiên để hoạt động này đi vào thực chất, đơn vị sẽ phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND TP Hà Nội xây dựng Bộ tiêu chí hướng dẫn an toàn đối với các khách sạn, điểm du lịch, lữ hành, vận chuyển, dịch vụ du lịch. Trong đó quy định chi tiết các tiêu chí, quy trình phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới đối với các đơn vị, qua đó xây dựng các điểm du lịch “xanh”, cơ sở lưu trú “xanh”, dịch vụ “xanh” để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho cộng đồng, du khách và các đơn vị du lịch.
Xin cảm ơn bà!