Sáng 5/6, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Điện Biên cho biết, Trung tâm vừa ghi nhận trường hợp thứ 14 mắc bệnh than; bệnh nhân chỉ mới 2 tuổi; là người tại xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

Cụ thể, trường hợp mắc bệnh than thứ 14 được xác định là cháu T.T.Đ. (sinh năm 2021) địa chỉ tại xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Trước đó bệnh nhân được ghi nhận có tình trạng sốt, nôn mửa, trên cánh tay trái xuất hiện nốt tím đen và ngứa.

Sau 2 ngày xuất hiện trên cơ thể cháu Đ., nốt tím đen phát triển rộng hơn và có mủ, gia đình đã đưa bệnh nhân đi bó thuốc tại huyện Tủa Chùa nhưng không đỡ.

Sáng 4/6, người nhà mới đưa cháu T.T.Đ đến Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa để khám. Chiều cùng ngày, cháu Đ. được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên và được chẩn đoán viêm phổi, mắc bệnh than.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, cho rằng, trường hợp của bệnh nhân T.T.Đ là hiếm gặp vì bệnh nhân còn rất nhỏ. Trước đó, gia đình chỉ ăn thịt lợn và rau, không ăn thịt trâu bò, trong vùng không có trâu bò mắc bệnh. Hiện, chưa xác định nguồn lây bệnh đối với cháu Đ.

Trước đó, từ ngày 5/5 - 30/5, trên địa bàn huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đã ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than thể da với 13 trường hợp mắc bệnh. Trong đó có 1 ổ dịch tại xã Mường Báng và 2 ổ dịch tại xã Xá Nhè.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu Sở Y tế tỉnh Điện Biên tăng cường phòng, chống lây nhiễm bệnh than từ động vật sang người. Ngay sau đó, Sở Y tế đã cử đoàn công tác, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa triển khai các biện pháp lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần, lấy mẫu trên trâu bò và môi trường (đất) để xét nghiệm.

Đến nay đã xác định các mẫu đất và trâu, bò đều dương tính với vi khuẩn bệnh nhiệt than. Các biện pháp xử lý môi trường đang được khẩn trương tiến hành.

Điện Biên vẫn chưa tìm ra nguồn lây sau khi ghi nhận ca bệnh than thứ 14
Người mắc bệnh than tại Điện Biên. Ảnh: CDC Điện Biên.

Liên quan đến vấn đề này, theo nhân định của Bộ Y tế, so với trung bình số mắc 5 năm gần đây, bệnh than hiện đang có dấu hiệu gia tăng tại khu vực miền núi phía Bắc, do các nguyên nhân sau:

Bệnh than hiện vẫn là bệnh lưu hành trên đàn gia súc và trên người ở một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam bao gồm Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang là những khu vực có địa hình đồi núi hiểm trở là một trong những trở ngại lớn trong việc tiếp cận thông tin liên lạc cũng như hạn chế các hoạt động giám sát và phòng chống dịch.

Mầm bệnh tồn tại bền vững và lâu dài trong môi trường như đất, nước dẫn đến nguy cơ tiếp tục lây lan cho đàn gia súc và từ đó làm tăng nguy cơ lây sang người.

Bệnh liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm và vệ sinh giết mổ động vật. Tại khu vực ổ dịch, người dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên khả năng tiếp cận với truyền thông về các biện pháp phòng, bệnh còn hạn chế do các rào cản về địa lý, phong tục, tập quán, ngôn ngữ.

Do đó dẫn đến các hành vi nguy cơ như giết mổ, ăn thịt gia súc chết... hoặc không khai báo cho chính quyền địa phương và bán thịt gia súc ốm, chết cho người dân ở địa phương khác dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh than trên người trong thời gian tới có thể xảy ra.

Nhận thức của người dân về các biện pháp phòng bệnh cũng như thói quen vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân chưa cao. Đồng thời, thói quen chăn nuôi gia súc cũng dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh sang khu vực khác.

Bệnh than là bệnh lây truyền từ động vật sang người nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành thú y. Sự phối hợp liên ngành y tế - thú y đôi khi còn chưa được tích cực, chủ động dẫn đến thông tin dịch bệnh không được chia sẻ kịp thời.

Về một số hoạt động trọng tâm thời gian tới, Bộ Y tế cho hay, tiếp tục chỉ đạo tỉnh Điện Biên và các tỉnh miền núi phía Bắc có ổ dịch than trước đây tăng cường công tác phòng chống dịch trong thời gian tới. Tiếp tục theo dõi sức khoẻ các trường hợp tiếp xúc gần tại các ổ dịch bệnh than nêu trên.

Điều trị dự phòng bằng kháng sinh đối với những tiếp xúc gần theo Quyết định số 5703/QĐ-BYT ngày 20/12/2017 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh than trên người.

Tổ chức các hoạt động truyền thông đến hộ gia đình về sự nguy hiểm của bệnh than các biện pháp phòng chống bệnh than, tuyên chuyền cho người dân không giết mổ, không ăn, không sử dụng, không buôn bán các sản phẩm từ gia súc mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Tăng cường phối hợp với cơ quan thú y, chính quyền địa phương thực hiện giám sát hàng ngày tại các thôn bản đang có ca mắc và các thôn bản lân cận, khi phát hiện ca nghi ngờ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm theo quy định.

Rà soát các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về giám sát và xử lý ổ dịch, chẩn đoán và điều trị bệnh than; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, điều trị bệnh than và phối hợp liên ngành y tế - thú y về giám sát và điều tra, xử lý ổ dịch trên người và động vật.

Theo Bộ Y tế, các ca bệnh than trên người mới ghi nhận ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đều là những xã đã từng xuất hiện ổ dịch than trước đây. Trung bình giai đoạn 2016-2022, toàn quốc ghi nhận 7 ca/năm và không có ca tử vong.

Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về công tác phòng chống dịch bệnh than trên người.

Các ca bệnh than mới ghi nhận ở huyện Tủa Chùa, đều là những xã đã từng xuất hiện ổ dịch than trước đây

Theo Bộ Y tế, bệnh than còn gọi là bệnh nhiệt thán, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm của các loài động vật máu nóng (gia súc, động vật hoang dã), có thể lây truyền từ động vật sang người qua việc tiếp xúc, giết mổ, ăn thịt gia súc đặc biệt là trâu, bò, ngựa bị bệnh, ốm chết hoặc tiếp xúc với môi trường, đất có vi khuẩn than.

Bệnh than là bệnh lưu hành địa phương, thường xảy ra ở nơi có ổ dịch cũ. Những người mắc bệnh chủ yếu ở thể da, thường lành tính và rất hiếm khi lây trực tiếp từ người sang người.