Điểm danh 09 ngôi chùa linh thiêng cho chuyến hành hương dịp Tết Nguyên Đán 2023

Chùa Bái Đính (Ninh Bình)

Theo quan niệm cũng như phong tục tập quán, chuyến du xuân thường tìm về các ngôi chùa linh thiêng để cầu may mắn, tài lộc nên vào đầu năm. Nổi bật nhất miền bắc có lẽ là quần thể du lịch tâm linh chùa Bái Đính, nơi đây được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á. Vào những ngày đầu năm, chùa Bái Đính đã trở nên đông đúc hơn, khách du lịch vãn cảnh gia tăng nhanh chóng. Đến với chùa Bái Đính, du khách thường tham quan Điện Quan Âm - nơi đặt tượng Phật bà cao tới 9,57m, nặng tới 80 tấn; Cổng Tam Quan, Điện Tam Thế - nơi du khách có thể chiêm ngưỡng bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam; và Tháp Chuông cao tới 3 tầng cùng với 24 mái, toạ lạc quả chuông đồng nặng đến 36 tấn. Ngoài khu vực chùa Bái Đính mới thì chùa Bái Đính cổ vẫn còn được lưu giữ, nằm gần đỉnh của một rừng núi rất yên tĩnh, êm ả.

Điểm danh 09 ngôi chùa linh thiêng cho chuyến hành hương dịp Tết Nguyên Đán 2023

Đền Trần (Nam Định)

Đền Trần Nam Định là khu di tích thờ 14 vị vua nhà Trần cùng gia quyến và các quan lại có công với đất nước. Nơi đây nổi tiếng với Lễ khai ấn Đền Trần đầu xuân và Hội Đền Trần tháng tám. Dịp Tết hàng năm, Đền Trần Nam Định thu hút đông đảo du khách thập phương về dự lễ khai ấn, nhằm tri ân công đức các vua Trần và cầu khấn những điều may mắn, tốt đẹp. Được biết, Ban tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định đã thông báo thời gian tổ chức lễ hội từ ngày 1 đến 6/2/2023 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng). Cụ thể, ngày 1/2 (tức ngày 11 tháng Giêng) tổ chức lễ rước kiệu Ngọc Lộ; ngày 2/2 (tức ngày 12 tháng Giêng) tổ chức lễ rước Nước, tế Cá. Ngày 4/2 (tức ngày 14 tháng Giêng) thực hiện nghi lễ dâng hương, nghi lễ rước Kiệu ấn, và nghi lễ Khai ấn.

Điểm danh 09 ngôi chùa linh thiêng cho chuyến hành hương dịp Tết Nguyên Đán 2023

Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh)

Chùa Ba Vàng (còn gọi là Bảo Quang Tự) nằm trên lưng chừng núi Thành Đẳng, phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Chùa tọa lạc trên một vị trí rất đẹp ở độ cao 340m, phía trước là sông dài, phía sau tựa lưng vào núi và hai bên là rừng thông trải dài xanh ngát. Chùa được xây dựng vào năm Ất Dậu 1706, dưới triều vua Lê Dụ Tông. Trải qua thời gian cùng sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh, chùa Ba Vàng đã trở thành phế tích. Vào năm 1988, chùa được tôn tạo, trùng tu lại bằng gỗ. Đến năm 1993 thì chùa được xây dựng lại. Các di vật của chùa xưa hầu hết không còn, chỉ còn lại một cây hương đá, một tấm bia linh vị thiền sư và những viên tảng kê chân cột. Có thể nói, du lịch chùa Ba Vàng dịp Tết Nguyên Đán là đến với vùng đất Phật linh thiêng, huyền bí được xây dựng ở vị trí có đầy đủ các yếu tố sông dài nằm phía trước, đằng sau là núi cao, hai bên là Thanh Long, Bạch Hổ - một mỹ cảnh làm đắm say lòng người.

Điểm danh 09 ngôi chùa linh thiêng cho chuyến hành hương dịp Tết Nguyên Đán 2023

Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)

Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng núi Kho, thuộc khu Cô Mễ, phường Vũ Ninh (thành phố Bắc Ninh). Đền được lập từ thời Lý, ban đầu vốn là ngôi miếu nhỏ, vào thời Lê, được trùng tu, mở rộng thành khu Đền lớn. Đến nay, Đền Bà Chúa Kho đã được Nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia và được tỉnh Bắc Ninh công nhận là một trong 14 điểm du lịch của tỉnh. Đền Bà Chúa kho là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân miền Bắc. Đền là nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương vào các ngày 12 - 15 tháng Giêng, với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Nếu có dịp, người dân Bắc Ninh thường mời bạn bè, du khách thập phương về vãn cảnh, hành hương tại Đền Bà Chúa Kho một lần.

Điểm danh 09 ngôi chùa linh thiêng cho chuyến hành hương dịp Tết Nguyên Đán 2023

Đền Chúa Thác Bờ (Hòa Bình)

Đền Bà Chúa Thác Bờ thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Đền thờ lâu đời này nằm bên bờ hồ rộng lớn quanh năm một màu xanh ngọc phẳng lặng. Phía sau đền là hệ thống núi cùng các hang động thạch nhũ tuyệt đẹp làm nức lòng du khách. Năm 2009, Động Thác Bờ trong cụm di tích đã được Bộ Văn Hóa - Thông Tin và Du Lịch công nhận là Di tích Danh thắng Quốc Gia. Tương truyền, Đền Bà Chúa Thác Bờ thờ hai vị nữ tướng là bà Đinh Thị Vân người dân tộc Mường và một bà (không rõ tên) người dân tộc Dao. Hai bà đã có công dưới thời Lê Lợi, giúp dân và quân vận chuyển lương thực, thuyền bè qua Thác Bờ lên Mường Lễ dẹp loạn. Sau khi hai bà mất, thường hiển linh giúp người dân an toàn vượt qua con thác nổi tiếng hiểm trở, khắc nghiệt khi sông Đà chưa ngăn dòng ngày ấy. Nhân dân biết ơn lập đền thờ hai bà nhằm tỏ lòng thành kính và mong muốn hai bà sẽ phù hộ, che chở cho họ khỏi nguy hiểm khi đi qua dòng nước. Vào khoảng thời gian từ 7/1 đến hết tháng 3 (âm lịch), nơi đây có nhiều lễ hội náo nhiệt nhất trong năm.

Điểm danh 09 ngôi chùa linh thiêng cho chuyến hành hương dịp Tết Nguyên Đán 2023

Thiền Viện Trúc Lâm (Vĩnh Phúc)

Thiền viện trúc lâm Tây Thiên (hay nhiều người còn gọi là chùa Tây Thiên) nằm cách Hà Nội khoảng 65 km về phía Tây Bắc, thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc là một quần thể văn hoá du lịch tổng hợp. Nếu quan tâm đến loại hình tôn giáo Phật giáo, có lẽ không ai không biết đến thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, là một trong những thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự. Trong Kiến Văn Tản Lục của Lê Quý Đôn cũng có đoạn tả về Tây Thiên: “Bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; sườn núi có Tây Thiên cổ tự, cảnh sắc thanh nhã. Trên đỉnh núi có chùa Đồng Cổ; từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa. Hai bên ngoài hồ, suối từ sườn núi chảy ra, bên tả là suối Bạc, bên hữu là suối Vàng…”.

Điểm danh 09 ngôi chùa linh thiêng cho chuyến hành hương dịp Tết Nguyên Đán 2023

Đền ông Hoàng Bảy (Lào Cai)

Từ lâu, đền ông Hoàng Bảy (đền Bảo Hà) ở xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên) là nơi thờ một danh tướng thời Lê, có công dẹp giặc, giữ nước, chiêu dụ nhân dân khẩn điền, khai mỏ - Xây dựng quê hương…; và đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Cụ thể, vào cuối đời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng 1740 - 1786) khắp vùng phủ Quy Hóa, nhất là châu Thủy Vĩ và châu Văn Bàn luôn bị giặc cướp vùng Vân Nam (Trung Quốc) tràn sang cướp phá. Triều đình cử danh tướng thứ bảy họ Nguyễn lên trấn thủ vùng biên ải, tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Sau khi giải phóng phủ Quy Hóa, ông chiêu dụ các thổ hào địa phương đón người Dao, người Thổ, người “Nùng áo xanh” khẩn điền, khai mỏ xây dựng quê hương. Các triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị đã tặng ông danh hiệu "Trấn An Hiển liệt", các triều vua nhà Nguyễn sắc phong ông là "Thần Vệ Quốc". Với công đức và chí khí dũng cảm chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi nhiều truyền thuyết dân gian ca ngợi, nhân dân tạc dạ ghi ơn ông... lập đền thờ để tưởng nhớ công tích của người danh tướng này.

Điểm danh 09 ngôi chùa linh thiêng cho chuyến hành hương dịp Tết Nguyên Đán 2023

Chùa Yên Tử (Quảng Ninh)

Núi Yên Tử được Phật Hoàng Nhân Tông chọn để tu hành sau khi truyền ngôi cho con trai. Tại đây, ông còn là người giảng đạo cho chư tôn, tăng ni. Sau đó một thời gian, Phật Hoàng Nhân Tông quyết tâm xây dựng và thành lập ra Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Theo Đại Nam nhất thống chí, bộ quốc sử thời Nguyễn, Yên Tử là “Tổ sơn” của toàn bộ khu vực núi non vùng Hải Đông (tức toàn bộ phía Đông đồng bằng châu thổ Bắc Bộ thời Trần, trong đó có Hải Dương, Quảng Ninh ngày nay) và vùng Đông Triều thuộc khu vực sườn nam dãy núi Yên Tử là nơi phát tích của nhà Trần, không phải là vùng Tức Mặc-Long Hưng-Thiên Trường. Như vậy, Yên Tử là “linh địa”, là nơi có vị trí đặc biệt của dòng họ nhà Trần, với vua Phật Trần Nhân Tông. Chùa Yên Tử có vị trí tọa lạc tại thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí. Ngôi chùa nằm trên lưng chừng núi Yên Tử ở độ cao hơn nghìn mét, còn được xem là ranh giới phân chia của Quảng Ninh và Bắc Giang. Đứng tại vị trí này, ta sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh cây cối xung quanh hòa với làn mây mù trắng xóa huyền ảo. Bởi vậy, đây được xem là mảnh đất “vàng” của người dân tỉnh Quảng Ninh với thiên nhiên hiền hòa và khí hậu mát mẻ.

Điểm danh 09 ngôi chùa linh thiêng cho chuyến hành hương dịp Tết Nguyên Đán 2023

Đền Mẫu Đồng Đăng (Lạng Sơn)

Đền Mẫu Đồng Đăng còn có tên khác là Đồng Đăng linh tự, là nơi thờ Phật và Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Lý giải về việc đền Mẫu Đồng Đăng nổi tiếng đến vậy có thể kể đến Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong "Tứ bất tử" của người Việt được thờ cúng tại đây. Tương truyền Mẫu Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng tên là Quỳnh Hoa. Bà xuống trần gian giúp đỡ con người vào thời Hậu Lê và được triều đình sắc phong làm công chúa Liễu Hạnh, còn là Thượng đẳng Phúc thần. Một lần khi bà đến Lạng Sơn thì thấy một ngôi chùa bỏ hoang có tượng Phật nhưng lại không có ai hương khói. Khi đó bà gặp Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan lúc ông vừa đi sứ Trung Quốc về, bà nhắc khéo ông tu sửa ngôi chùa. Phùng Khắc Khoan liền nghe theo và từ đó ngôi đền Mẫu Đồng Đăng thờ cả Phật và Mẫu Liễu Hạnh. Người dân đến với đền vừa cầu bình an nơi cửa Phật, vừa cầu lộc tài cho công việc, kinh doanh và học tập ở ban thờ Mẫu, hy vọng Phúc thần sẽ phù hộ cho mình có may mắn và phát triển công danh. Được biết, sau này do có quá đông người hành hương mà chùa được chuyển từ chân núi tới thung lũng Đồng Đăng để tiện cho việc hành lễ của du khách thập phương.