Bộ giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không. Có nhiều mức phạt được đề xuất tăng mạnh so với hiện nay.

Cụ thể, với hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội nhưng không cài quai đúng cách với người tham gia môtô, xe máy hiện nay sẽ phạt từ 200.000 – 300.000 đồng, được đề xuất tăng lên 400.000 – 600.000 đồng. Tương tự, mức phạt này với người đi xe đạp máy, xe đạp điện cũng được đề xuất tăng mức phạt từ 100.000 – 200.000 đồng lên 400.000 đồng.

Người lái xe máy không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, bị tẩy xóa hoặc không hợp lệ hiện bị phạt từ 0,8 - 1,2 triệu đồng, dự kiến tăng lên từ 1 – 2 triệu đồng.

Với người đi xe máy trên 175cm3, xe môtô ba bánh mà không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép không hợp lệ hiện bị phạt 3 – 4 triệu đồng, dự kiến sẽ tăng lên 4 -5 triệu đồng.

Người đi xe máy không có biển số, biển không rõ chữ số, che biển, dán thêm hình làm thay đổi chữ hoặc màu sắc của chữ số sẽ bị phạt từ 1 – 2 triệu đồng, dự kiến sẽ tăng gấp 10 lần hiện nay.

Đề xuất phạt 600.000 đồng đối với người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm
Hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội nhưng không cài quai đúng cách với người tham gia môtô, xe máy hiện nay sẽ phạt từ 200.000 – 300.000 đồng, được đề xuất tăng lên 400.000 – 600.000 đồng.

Ngoài ra, nhiều mức phạt khác với người lái xe ô tô vi phạm cũng được đề xuất tăng 1,5 – 2 lần. Cụ thể, mức phạt từ 1,2 – 3 triệu đồng sẽ tăng lên 2 – 4 triệu đồng đối với người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lái xe ô tô, tương tự xe ô tô.

Với người lái xe ô tô có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn sử dụng dưới một tháng; xe không đủ hệ thống hãm hoặc có đủ nhưng không tác dụng, không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Mức phạt từ 2 -3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 – 3 tháng như hiện tại sẽ tăng lên thành 3 – 5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 1 – 3 tháng.

Người lái xe ô tô quá niên hạn; xe đăng ký tạm, xe có phạm vi hoạt động hạn chế quá thời gian cho phép. Mức phạt 4 - 6 triệu đồng, tước giấy phép lá xe 1 – 3 tháng tăng lên thành 10 – 12 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 – 3 tháng.

Tại các trạm thu phí, lái xe, chủ xe trốn tránh, không trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ khi qua trạm sẽ bị phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng.

Một số hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông như lái xe không nhường đường hoặc gây cản trở với xe ưu tiên bị phạt 3 – 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 – 4 tháng, dự kiến tăng thành 6 – 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 – 4 tháng.

Việc dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng quy định, quay đầu trên cao tốc hiện mức phạt từ 6 – 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 – 4 tháng, dự kiến tăng lên thành 10 – 12 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng.

Hành vi đua xe, Ban soạn thảo nghị định đã điều chỉnh mức phạt 7 – 8 triệu đồng lên thành 10 – 15 triệu đồng đối với người đua xe máy, xe máy điện trái phép. Đồng thời, điều chỉnh từ 8 – 10 triệu đồng thành 20 – 25 triệu đồng đối với người đua xe ô tô trái phép.

Ban soạn thảo nghị định cũng thay đổi mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ 40 lên 75 triệu đồng đối với cá nhân và từ 80 lên 150 triệu đồng đối với tổ chức, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Sửa đổi).

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, việc gom và sửa đổi ba nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không thành một nghị định nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, để đồng bộ với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính thực hiện từ 1/1/2022.

Ngoài ra, sau hơn một năm thực hiện Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá mức phạt đối với một số hành vi vi phạm còn chưa phù hợp, cần phải được điều chỉnh để tăng tính răn đe.

“Việc tăng mức xử phạt để tăng cường răn đe, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự. Bởi vì thời gian qua tại một số tỉnh thành trên cả nước đã xảy ra tình trạng sử dụng ô tô, môtô, xe gắn máy, xe máy điện để đua xe trái phép, gây mất trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết.