Đề xuất hợp tác công - tư trong tìm kiếm, mua và tổ chức tiêm vaccine COVID-19
Từ ngày 17 - 23/6/2021, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đã khảo sát ý kiến của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc về đề xuất với 3 nhóm chính sách cụ thể liên quan đến doanh nghiệp và người lao động, gồm: Chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; Chính sách tiếp tục hỗ trợ DN giảm thiểu thiệt hại, khó khăn trong dịch; Chính sách thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19.
Cuộc khảo sát đã thu hút sự tham gia của 23 hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc đại diện cho hơn 17.600 DN và hàng triệu lao động.
Liên quan đến chính sách thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, 22/23 hiệp hội tham gia khảo sát đồng thuận đề xuất với Chính phủ 2 nhóm vấn đề: Chính phủ cho rà soát việc triển khai đang còn rất khác nhau tại các ngành, các địa phương về chiến dịch mua và tiêm vaccine cho người dân và người lao động tại các DN. Minh bạch các quy trình chuyên môn liên quan để người lao động và DN nắm bắt nhằm tổ chức tốt hơn hoạt động từ phía DN để phối hợp hiệu quả với Chính phủ và các chính quyền trong khâu thực thi.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và 1 số cơ quan, địa phương xây dựng quy trình mẫu cho mô hình hợp tác công - tư trong việc tìm kiếm, đàm phán, mua và tổ chức tiêm vaccine COVID-19 giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và công bố công khai các quy trình mẫu này nhằm giúp DN hình dung và hoạch định tốt hơn các hoạt động của DN trong quá trình phòng, chống dịch.
Đề xuất hợp tác công - tư trong tìm kiếm, mua và tổ chức tiêm vaccine COVID-19 |
Ngoài 2 nhóm kiến nghị chung nêu trên, các hiệp hội và 1 số DN được phỏng vấn đưa ra rất nhiều kiến nghị xoay quanh việc thúc đẩy hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19. Theo đó, nhóm đề xuất về cách thức đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 mong muốn Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế cùng các các Bộ ngành liên quan tích cực, đẩy nhanh tốc độ hợp tác sản xuất vaccine với Nga và Cuba để đưa sản phẩm vaccine của các nước này vào sử dụng cho người dân với thời gian nhanh nhất.
Bộ Y tế phối hợp với các địa phương xây dựng phương án tăng số lượng điểm tiêm phòng để giãn cách người dân bớt tiếp xúc gần với nhau cũng như tăng nhanh số lượng tiêm trong một ngày. Xây dựng và công bố sớm danh sách ưu tiên, lộ trình tiêm cho DN tại các khu vực để DN chủ động lập danh sách người lao động đăng ký tiêm, sắp xếp kế hoạch sản xuất kinh doanh khi có vaccine, tránh tình trạng lộn xộn, vội vã do khi có vaccine mới thông báo cho DN để DN làm danh sách đăng ký.
Bộ Y tế cần quảng bá và hướng dẫn rộng rãi cho mọi người dân sử dụng Sổ Sức khỏe điện tử để góp phần triển khai tiêm vaccine nhanh, chính xác trên toàn quốc.
Trong khi đó, nhóm đề xuất về đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 mong muốn Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu các phương án mở rộng đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 gồm: Người lao động (NLĐ) trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; NLĐ hoạt động trong lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu; các doanh nhân, cán bộ, lãnh đạo các công ty hay làm việc với thị trường quốc tế.
Đồng thời, xây dựng chính sách xuất/nhập cảnh cởi mở hơn cho các chuyên gia, doanh nhân nước ngoài đã tiêm vaccine đầy đủ để tạo điều kiện thúc đẩy giao thương, đặc biệt với các thị trường lớn: Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Châu Âu, Singapore...
Nhóm này cũng đề xuất Chính phủ xem xét ưu tiên hoàn thành tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh trong tháng 7-8/2021 vì TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của cả nước, việc ngừng trệ hoạt động sản xuất kinh doanh ở trung tâm này gây ra ảnh hưởng rất tiêu cực với cả nền kinh tế và nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Lưu lượng hàng hoá, con người lưu thông từ TP Hồ Chí Minh đi/đến các tỉnh, thành trong cả nước là rất lớn. Tiếp nối sự ưu tiên cho TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Y tế có thể tiếp tục xem xét, ưu tiên cho các khu vực có tính “trung tâm” của các vùng, các lĩnh vực để đạt miễn dịch cộng đồng sớm ở các địa bàn có sức ảnh hưởng lớn nhằm đảm bảo mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”.