Bộ Công Thương đề xuất tạm áp dụng giá mua điện mặt trời mái nhà tự dùng dư thừa phát lên lưới ở mức 671 đồng một kWh.
Theo Bộ Công thương, đây là mức giá được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán theo chi phí tránh được bình quân năm 2023.
Mức giá này cũng được cho là không cố định và sẽ được Bộ Công thương điều chỉnh theo năm, sau khi có đề xuất của EVN, nhằm đảm bảo khuyến khích phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.
Cách xác định giá mua điện mặt trời mái nhà còn dư được phát lên lưới của hệ thống tự sản, tự tiêu là lựa chọn thứ ba trong số 3 phương án được Bộ Công thương đưa ra.
Cụ thể, phương án 1 là áp dụng bằng bình quân giá điện năng theo chi phí tránh được do Bộ Công thương ban hành. Phương án này được cho là đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với hiện trạng của hệ thống đo đêm hiện nay mà không cần tốn chi phí nâng cấp đảm bảo thanh toán theo thị trường điện; đặc biệt là các hộ nhỏ.
Phương án 1 này cũng đúng với bản chất của việc bán điện dư, không cam kết công suất, do vậy, không khuyến khích trả chi phí công suất tránh được trong trường hợp này.
![]() |
Đề xuất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu bán cho EVN giá 671 đồng/kWh |
Phương án 2 là lấy bằng giá biên thị trường điện (SMP) từng giờ (không bao gồm giá CAN) và trừ đi chi phí phân phối trên 1 kWh.
Việc loại trừ chi phí phân phối được lý giải là EVN đã đầu tư lưới phân phối để cấp điện cho khách hàng, do vậy, EVN phải thu hồi để bù đắp một phần chi phí phân phối không thu được trong quá trình khách hàng sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu mà không mua điện của EVN.
Phương án này cũng được Bộ Công thương đánh giá là đảm bảo tính thị trường hơn phương án 1, có thể áp dụng cho cả bán điện dư trong cơ chế DPPA không sử dụng lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, việc thực hiện lại rất phức tạp, khối lượng tính toán tăng lên nhiều vì phải tính từng chu kỳ giao dịch theo thị trường điện và phải tốn nhiều chi phí để nâng cấp hệ thống đo đếm theo thị trường, đặc biệt là những hộ tiêu thụ điện nhỏ (chi phí trang bị hệ thống đo đếm gấp 8 đến 10 lần hiện nay).
Cho biết hiện nay không có phương pháp nào phù hợp để xây dựng một giá mua điện dư, do đó, không đủ lý luận để lấy giá mua điện dư phát lên lưới điện quốc gia theo phương án 1 hay phương án 2. Để đơn giản trong thực hiện, nên Bộ Công thương đã đưa ra phương án 3, tạm áp dụng giá mua điện dư phát lên lưới từ 600 - 700 đồng/kWh.
Bộ Công Thương đề xuất thực hiện theo phương án 3, giá đề xuất là 671 đồng/kWh (theo EVN tính toán chi phí tránh được bình quân năm 2023).
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng về việc EVN chịu trách nhiệm mua sản lượng điện dư và bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện, bảo đảm sự hài hòa và khuyến khích phát triển cơ chế này, Bộ Công Thương cho hay lãnh đạo EVN thống nhất mua sản lượng điện dư của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phát vào hệ thống điện quốc gia.
Các giải pháp, thiết kế điều kiện cần thiết để không xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn lực xã hội đã được quy định tại các điều khoản cụ thể tại dự thảo nghị định.
Cả nước có khoảng 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.
© thitruongbiz.vn