Sáng 22/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024; dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2025 - 2027.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Ảnh: Quochoi.vn |
Liên quan đến vấn đề tăng lương, Chính phủ kiến nghị trình Quốc hội trong năm 2025 chưa xem xét tăng lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công... Trong điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý bất hợp lý của một số ngành nghề như y tế, giáo dục; mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích luỹ dành cho cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để điều chỉnh một số chính sách về lương hưu, trợ cấp xã hội, an sinh xã hội, tinh giản biên chế...
Phía cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng nhất trí với đề xuất của Chính phủ, về việc trong 2025 sẽ hạn chế tối đa các chính sách làm giảm thu ngân sách Nhà nước bảo đảm huy động đủ nguồn cho các nhiệm vụ chi quan trọng quốc gia; chưa xem xét tăng lương trong năm 2025.
Về tình hình thu ngân sách Nhà nước năm 2024, theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, dự toán thu là gần 1,8 triệu tỷ đồng; thực hiện 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đánh giá cả năm sẽ vượt 10,1% dự toán thu, đạt tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước khoảng 16,5% GDP. Trong đó, từ thuế và phí là 13,1% GDP. Cơ bản ước các lĩnh vực thu ngân sách đều đạt hoặc vượt dự toán được giao.
Số thu thuế, phí và tiền thuê đất được gia hạn, miễn, giảm ước 189.600 tỷ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Về chi ngân sách Nhà nước, dự toán là gần 2,12 triệu tỷ đồng; thực hiện 9 tháng đầu năm 59,3% và ước cả năm tăng 7,7% so với dự toán.
Về cân đối ngân sách Nhà nước, dự toán bội chi năm 2024 là 399.400 tỷ đồng, bằng 3,6% GDP; ước bội chi cả năm đạt 389.400 tỷ đồng, bằng 3,4% GDP, giảm 10.000 tỷ đồng so với dự toán do giảm chi nguồn vay của ngân sách địa phương.
Để triển khai chủ trương xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Chính phủ báo cáo Quốc hội được sử dụng số tiết kiệm tăng thêm 5% chi thường xuyên năm 2024 của cả ngân sách Trung ương và địa phương cho nhiệm vụ này. Đến hết năm 2024, số kinh phí tiết kiệm được chưa sử dụng được phép chuyển nguồn qua năm 2025 để tiếp tục thực hiện...
Về dự toán thu Ngân sách năm 2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, dự toán thu ngân sách Nhà nước là gần 1,97 triệu tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024. Tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước đạt 16% GDP. “Mức dự toán nêu trên là tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức,” Phó Thủ tướng nói.
Về dự toán bội chi ngân sách Nhà nước năm 2025 là 471.500 tỷ đồng, tương đương 3,8% GDP. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ công đạt 36-37% GDP, nợ Chính phủ đạt 34 - 35% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Năm 2025, để đảm bảo chi trả lương khu vực công theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, ngoài số cân đối bố trí từ nguồn thu ngân sách Nhà nước, Chính phủ kiến nghị sử dụng khoảng 110.000 tỷ đồng từ nguồn tích luỹ tiền lương. Theo đó, dự toán chi ngân sách Nhà nước của năm 2025 là gần 2,55 triệu tỷ đồng.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2025 là năm cuối thời kỳ ổn định ngân sách hiện hành, căn cứ nhiệm vụ chi cho phân cấp và khả năng cân đối ngân sách Trung ương, Chính phủ kiến nghị bổ sung cân đối dự toán ngân sách địa phương địa phương hơn 248.000 tỷ đồng; đồng thời dự toán 14.400 tỷ đồng bổ sung cho một số địa phương có thu cân đối ngân sách năm 2025 thấp hơn năm 2023 - năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách.
Cụ thể, chi cho đầu tư phát triển năm 2025 dự kiến 790.700 tỷ đồng, chiếm 31% tổng chi ngân sách. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển ngân sách Trung ương là 315.000 tỷ đồng, gồm bố trí 295.000 tỷ đồng cho nhiệm vụ đầu tư công trung hạn 2021-2025, tăng 70.000 tỷ đồng so với năm 2024. Dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương là 475.700 tỷ đồng.
Năm 2025, ngoài số tiết kiệm chi 10%, để đảm bảo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương phấn đấu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên tăng thêm nhằm giảm bội chi ngân sách, tăng chi các nhiệm vụ cần thiết...
Về Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2025 - 2027, Chính phủ dự báo kinh tế xã hội năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục tích cực, nền tảng vĩ mô ổn định, các cân đối lớn đảm bảo. Dự tăng thu ngân sách từ các hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa hàng năm từ 5-7%, từ xuất nhập khẩu 4-6%. Chi ngân sách Nhà nước cơ cấu lại, hướng vào chi đầu tư phát triển đồng thời đảm bảo các nhiệm vụ chi chính trị, quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội, tiền lương...
URL: https://thitruongbiz.vn/de-xuat-chua-tang-luong-trong-nam-2025-d16853.html
© thitruongbiz.vn