UBND Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra đường sau 20h ngày 27/9

Sáng 27/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ra công văn mới về việc ứng phó với bão Noru (bão số 4). Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu người dân (trừ lực lượng làm nhiệm vụ) không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20 giờ ngày 27/9 cho đến khi có thông báo tiếp theo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự.

Lực lượng Cảnh sát cơ động, Công an TP Đà Nẵng hỗ trợ người dân chèn chống nhà cửa xuyên đêm 25-9
Lực lượng Cảnh sát cơ động, Công an TP Đà Nẵng hỗ trợ người dân chèn chống nhà cửa xuyên đêm 25-9

Lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, quận huyện tuyệt đối không để người ở lại trên các tàu cá, lán trại tạm, công trình đang xây dựng từ 14 giờ ngày 27/9 đến khi có thông tin cuối cùng về cơn bão số 4.

Từ 12h ngày 27/9, Đà Nẵng tạm dừng họp chợ truyền thống; tất cả cán bộ công chức viên chức, người lao động, công nhân… nghỉ làm việc để tránh bão.

Đồng thời yêu cầu các địa phương tổ chức sơ tán dân tại vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vùng núi, vùng ven sông, ven suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng đến nơi an toàn, hoàn thành trước 14 giờ ngày 27.9; báo cáo kết quả thực hiện về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Đà Nẵng trước 16 giờ cùng ngày.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đến trưa 27/9, các địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng sẽ hoàn tất công tác sơ tán nhân dân đến các điểm tập trung và nhà dân, công trình kiên cố lân cận. Dự kiến tổng số người sơ tán theo kế hoạch là gần 81.000 người, trong đó sơ tán tập trung gần 26.000 người.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, đến 8 giờ sáng 27/9, địa phương cơ bản đã hoàn thành công tác cắt tỉa và chống đỡ cho cây xanh tại các tuyến đường chính.

Ngoài ra, đã có hơn 800 tàu cá vào neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang, hơn 220 tàu cá đang neo đậu ở các khu vực vịnh Mân Quang, cồn Ma, bờ đông và bờ tây sông Hàn, Đa Phước, biển Thanh Khê; 664 ghe, thúng đã được cẩu, kéo lên bờ.

Đà Nẵng khẩn trương chuẩn bị công tác ứng phó bão Noru.
Đà Nẵng khẩn trương chuẩn bị công tác ứng phó bão Noru.

Điện lực miền Trung sẵn sàng phương án phòng chống bão

Liên quan đến khắc phục sự cố điện có thể xảy ra khi bão Noru vào đất liền, các đơn vị thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã thành lập 28 đội xung kích với 809 người, 101 phương tiện, 688 trang bị an toàn, dụng cụ thi công, 187 cột sắt lắp ghép để sẵn sàng triển khai khai lực lượng khi được EVNCPC huy động.

Các đơn vị đã triển khai các phương án phòng chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”, các chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương. EVNCPC cũng đề nghị các đơn vị viễn thông cung cấp các kênh dự phòng để điều hành hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin được thông suốt trong quá trình điều hành trước, trong và sau bão; đặc biệt là bảo đảm nguồn điện dự phòng phục vụ điều hành phòng chống bão của Ban chỉ đạo tiền phương đặt TP.Đà Nẵng.

Cũng theo EVNCPC, về lưới điện 110 kV, do đây là cơn bão lớn ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung và Tây nguyên nên EVNCPC đã bố trí lực lượng, tái lập ca trực cho trạm biến áp 110 kV không người trực, chuẩn bị sẵn sàng xử lý trong các tình huống. Ngay sau khi bão Noru tan, EVNCPC sẽ triển khai ngay công tác kiểm tra hiện trường lưới điện tại tất cả các địa bàn có ảnh hưởng, tổ chức khắc phục nhanh sự cố lưới điện để sớm khôi phục cấp điện phục vụ khách hàng.

Tin mới nhất về bão Noru

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đến 10h ngày 27/9, vị trí tâm bão Noru vào khoảng 15.3 độ Vĩ Bắc; 111.7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất: cấp 14-15 (150-183 km/giờ), giật cấp 17.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 20km/giờ.

Hiện tại, ở khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định đã có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 26/9 đến 07h ngày 27/9 có nơi trên 60mm như: Cam Thành (Quảng Trị) 66mm, Vĩnh Tú (Quảng Trị) 64.4mm,…

Từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, ở khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 300-400mm, có nơi trên 450mm; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Từ đêm 27/9 đến đêm 28/9, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 200mm.

Ngày và đêm 28/9, ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 100mm. Chiều và đêm 27/9, ở khu vực từ Phú Yên đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo từ ngày 29-30/9, mưa lớn tiếp tục duy trì trên khu vực Bắc Trung Bộ, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.