Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn thời gian qua đã đánh trúng vào nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tai nạn. Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp, vi phạm này cũng gián tiếp dẫn đến các hành vi như chạy quá tốc độ, tránh vượt, dừng đỗ sai quy định... và kéo theo nhiều hành vi phạm pháp khác.

"Minh chứng rõ nhất là tai nạn giao thông trong thời gian thực hiện cao điểm xử lý vi phạm đã giảm sâu cả 3 tiêu chí", Thiếu tướng Lê Xuân Đức nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, về trường hợp người uống siro, nước hoa quả vi phạm nồng độ cồn, thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT, cho biết hiện nay ngưỡng xử lý vi phạm nồng độ cồn đã được quy định rõ trong Nghị định 100 và các quy định hiện hành. Theo đó, những trường hợp uống nước hoa quả, siro mà vi phạm rất hãn hữu.

Trong kỳ nghỉ Tết 2023 có 7.726 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn bị xử lý. Ảnh: Báo Giao thông
Trong kỳ nghỉ Tết 2023 có 7.726 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn bị xử lý. Ảnh: Báo Giao thông

"Quy trình xử lý nồng độ cồn chúng tôi đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham mưu các cơ quan chuyên môn của bộ y tế và các bộ ngành có liên quan và tuân thủ theo luật và những quy định hiện hành. Để xác định người vi phạm nồng độ cồn, ngoài việc thực hiện theo nghiệp vụ, chúng tôi sẽ đo theo 2 mức, đo định tính trước, sau đó mới đo định lượng. Chính vì vậy, gần như khi không có trường hợp nào bị xử lý sai về kết quả nồng độ cồn", thiếu tướng Đức nói.

Theo báo cáo của Cục CSGT (Bộ Công an), từ ngày 15/11/2022 đến 5/2/2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã huy động 273.587 lượt tổ công tác với 1.116.049 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức tuần tra kiểm soát, đã phát hiện 660.908 trường hợp vi phạm. Phạt tiền 1.246 tỉ 708 tỉ đồng. Tước giấy phép lái xe 121.071 trường hợp, tạm giữ 9.048 ôtô, 175.781 môtô, 21 phương tiện thủy.