Tằn tiện từng đồng, thắt chặt chi tiêu

"Gạo, đường, mắm muối... cái gì cũng tăng. Cái nào tăng ít 3.000-5.000 đồng, nhiều 10.000-20.000 đồng, nhưng đồng lương vẫn vậy. Chi nhiều lên mà thu không tăng nên ngoài việc tằn tiện lại thì không biết làm như thế nào" - chị Nguyễn Xuân Huệ (sinh năm 1991, quê Đồng Tháp) than vãn.

Theo chị Huệ, khoản tiền hơn 8 triệu đồng/tháng là tổng thu nhập của chị có từ việc làm công nhân tại một công ty đóng ở khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM). Và khoảng 7 triệu đồng/tháng cũng là số tiền mà chồng chị Huệ có thể kiếm được từ công việc thợ sửa máy.

Thu nhập chỉ có vậy, nhưng hai vợ chồng chị đang phải cáng đáng nuôi 6 miệng ăn trong nhà. "Nhà có trẻ nhỏ, người già nên việc ăn uống không thể qua loa, phải đảm bảo dinh dưỡng. Thời gian gần đây, xăng dầu liên tục tăng giá, đẩy giá thực phẩm tăng theo. Ngày xưa đi chợ, 1 ngày chi khoảng 150.000 đồng nhưng giờ số tiền ấy không còn đủ, tằn tiện lắm cũng phải 180.000-200.000 đồng, loay hoay mãi nhưng không có cách giải quyết" - chị Huệ bật khóc.

Đồng lương thấp, không đủ lo cho cuộc sống gia đình khiến chị Nguyễn Xuân Huệ (sinh năm 1991, quê Đồng Tháp) bật khóc. Ảnh: Chân Phúc
Đồng lương thấp, không đủ lo cho cuộc sống gia đình khiến chị Nguyễn Xuân Huệ (sinh năm 1991, quê Đồng Tháp) bật khóc. Ảnh: Chân Phúc

Chị Huệ tâm sự, hơn tháng nay, chị thường xuyên nhịn ăn sáng, đồng thời, những hoạt động vui chơi giải trí trong gia đình cũng được chị cắt giảm, vì theo người phụ nữ hơn 30 tuổi này, đây là những biện pháp tiết kiệm trước mắt mà chị có thể nghĩ ra.

Luẩn quẩn, bế tắc...

Đang mang bầu đứa con thứ 2 gần 4 tháng, chị Lê Thị Ngọc Minh (28 tuổi, quê Đồng Tháp) chỉ biết lắc đầu khi được chúng tôi hỏi về cuộc sống hiện tại.

"Em không biết nữa" là câu nói đầu tiên chúng tôi nghe từ chị. Chị Minh kể, lên TPHCM từ 8 năm trước, sau đó gặp chồng người cùng quê và kết hôn. Hiện gia đình chị sống tại căn phòng trọ gần công ty với giá 2.500.000 đồng/tháng, rộng chừng 20m2.

Khoản tiền khoảng 15 triệu đồng là tổng thu nhập của 2 vợ chồng chị Minh hàng tháng. Theo chị, với số tiền ấy ngày chưa có con, 2 vợ chồng cũng đủ sống, ngoài ra còn để dành được một khoản nho nhỏ. Nhưng từ ngày có con, tiền tã, sữa... rồi tiền học hành nên khoản lương nhỏ của 2 vợ chồng đã còn không đủ. Thời điểm này, khi mang thai đứa con thứ 2, cuộc sống của gia đình nhỏ này càng trở nên chông chênh hơn.

Cuộc sống gia đình chị Lê Thị Ngọc Minh (28 tuổi, quê Đồng Tháp) trở nên chông chênh, khó khăn hơn trong những ngày giá thực phẩm tăng cao. Ảnh: Chân Phúc

Căn phòng chừng 15m2 trên đường số 20, phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức đang là chỗ ở tạm thời của 2 vợ chồng anh Công Quang (29 tuổi) và chị Nguyễn Thị Mỹ Lan (26 tuổi, cùng quê Nghệ An). Những ngày này, chuyện nên tiếp tục ở lại TPHCM làm việc hay về quê sinh sống đang khiến 2 vợ chồng anh chị phân phân, chưa thể đưa ra quyết định.

Anh Quang cho rằng nên về quê sinh sống vì giá cả từ tiền thuê phòng, đến lương thực, thực phẩm ở thành phố đang leo thang theo từng ngày. Còn ở quê, tuy thu nhập thấp nhưng giá cả có lên cũng không quá nhiều mà lại có thể tự túc được phần nào thực phẩm, đi chợ cũng chỉ phải mua thịt, cá và một thứ khác.

Trong khi đó, chị Mỹ Lan lại cho rằng, nên tiếp tục ở lại làm việc thêm vài năm rồi hẵng về. "Ở lại cố gắng làm. Ít ăn, ít tiêu thì hàng tháng cũng có thể để được khoản tiết kiệm, đi làm công ty cũng được đóng bảo hiểm, nếu sau này nghỉ làm thì cũng có được khoản nữa, chứ nếu về quê làm ruộng, thu nhập ít không đủ lo cho con cái" - chị Lan đưa ra lý do.