Kết thúc phiên 22/5, chỉ số Dow Jones giảm 1,35 điểm xuống 41.859,09 điểm, S&P 500 mất 2,60 điểm (-0,04%) còn 5.842,01 điểm; còn Nasdaq tăng 53,09 điểm (+0,28%) lên 18.925,74 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm (24/5) trong trạng thái lình xình của các chỉ số, do nhà đầu tư lo ngại về việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh và thâm hụt ngân sách ngày càng lớn của Washington.
Trong số 11 nhóm ngành chính thuộc S&P 500, có 8 lĩnh vực “đỏ lửa”, điển hình là tiện ích, y tế, năng lượng và hàng tiêu dùng thiết yếu. Ngược lại, tiêu dùng không thiết yếu, dịch vụ truyền thông và công nghệ ghi nhận đà phục hồi.
Loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như Nvidia, Amazon và Tesla đều tăng giá. Cổ phiếu Alphabet (công ty mẹ của Google) thêm 1,3% sau khi chạm mốc đỉnh gần ba tháng. Trong khi đó, Apple trượt 0,36%.
Cổ phiếu công ty điện toán đám mây Snowflake leo vọt hơn 13% khi doanh nghiệp nâng dự báo doanh thu sản phẩm cho năm tài chính 2026.
Cổ phiếu Analog Devices lại giảm 4,6% mặc dù kết quả kinh doanh quý vượt kỳ vọng của Phố Wall.
Nhiều công ty năng lượng mặt trời, ví dụ như First Solar, đã lao dốc do có thông tin cho rằng dự luật thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể chấm dứt một số chính sách ưu đãi đối với năng lượng xanh.
Tổng khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 16,09 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 17,56 tỷ cổ phiếu của 20 phiên vừa qua.
Tại Mỹ, những lo ngại gần đây về thâm hụt ngân sách liên bang đã đẩy lợi suất trái phiếu tăng cao, gây áp lực lên Phố Wall. Tuy nhiên, lợi suất dài hạn đã “hạ nhiệt” vào cuối phiên 22/5, giúp thị trường phần nào ổn định trở lại. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hạ 5,4 điểm cơ bản xuống còn 4,543%, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 2 vào phiên trước.
Cũng trong ngày 22/5, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật thuế mới của Tổng thống Donald Trump với tỷ lệ sít sao. Dự luật này hiện thực hóa nhiều cam kết tranh cử của ông Trump, nhưng dự kiến có thể khiến nợ công, đang vào khoảng 36,2 nghìn tỷ USD, tăng thêm 3,8 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO).
“Thị trường không ưa sự bất định và hiện chúng ta vẫn đang bị đè nặng bởi các yếu tố như thuế quan và thị trường trái phiếu”, ông George Young, đối tác và giám đốc danh mục đầu tư tại công ty Villere & Co nhận định.
Chuyên gia Jack Ablin từ Cresset Capital Management cho rằng sự biến động trên thị trường trái phiếu hôm thứ Năm (22/5) phản ánh các yếu tố ngắn hạn, sau khi cuộc đấu giá trái phiếu Chính phủ Mỹ hôm thứ Tư (21/5) không thành công, khiến lợi suất tăng vọt.Tại châu Âu, các chỉ số chủ chốt cũng kết thúc trong sắc đỏ, với các thị trường London, Frankfurt và Paris đều giảm nhẹ khi giới đầu tư phản ứng với dữ liệu hoạt động kinh doanh yếu kém từ khu vực đồng euro và Vương quốc Anh.Còn tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 22/5, chỉ số VN-Index giảm 9,21 điểm (0,7%) xuống 1.313,84 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 0,67 điểm (0,31%) xuống 216,79 điểm.
© thitruongbiz.vn