Được biết, trong số 86 bị cáo trong vụ đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) sắp hầu tòa có 2 bị cáo là người thân của Trương Mỹ Lan, gồm: Trương Huệ Vân (cháu gọi Trương Mỹ Lan bằng cô ruột) và Chu Lập Cơ (chồng Trương Mỹ Lan).

Còn bị can Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị xét xử về các tội: Tội tham ô tài sản, Tội đưa hối lộ và Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, đối với tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng của bị can Trương Mỹ Lan, Viện Kiểm sát truy tố bị can theo quy định tại BLHS 1999 mà không áp dụng theo BLHS 2015.

Theo luật sư, do bị can Trương Mỹ Lan và các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài mà theo quy định hiện hành nêu rõ, hành vi phạm tội xảy ra vào thời điểm nào thì sẽ áp dụng văn bản pháp luật vào thời điểm đó. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 41/2017/QH14, kể từ 1/1/2018, tất cả các điều khoản của BLHS 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 00 giờ 00 phút ngày 1/1/2018, có xem xét đến nguyên tắc có lợi cho các bị can.

BLHS 1999 có hiệu lực pháp luật đến hết 31/12/2017. Bởi vậy, trường hợp hành vi vi phạm pháp luật được xác định trong khoảng thời gian có hiệu lực của văn bản pháp luật này thì sẽ áp dụng BLHS 1999 để giải quyết.

Do bà Trương Mỹ Lan có hành vi sai phạm diễn ra trong thời gian dài, trước khi BLHS 2015 có hiệu lực thi hành nên cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng BLHS 1999 thay vì BLHS 2015 dựa trên nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội.

Cụ thể, ở Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Viện Kiểm sát truy tố bà Lan theo khoản 3, Điều 179 BLHS 1999 với khung hình phạt từ 10-20 năm tù, thay vì áp dụng khoản 4, Điều 206 BLHS 2015 với khung hình phạt từ 12-20 năm tù.

Trong 86 bị can, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố 3 tội danh: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.
Trong 86 bị can, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố 3 tội danh: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.

Chồng và cháu ruột bà Trương Mỹ Lan đóng vai trò thế nào trong vụ Vạn Thịnh Phát?

Trong số 86 bị cáo trong vụ đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) sắp hầu tòa có 2 bị cáo là người thân của Trương Mỹ Lan, gồm: Trương Huệ Vân (cháu gọi Trương Mỹ Lan bằng cô ruột) và Chu Lập Cơ (chồng Trương Mỹ Lan).

Cụ thể, Trương Huệ Vân được Trương Mỹ Lan tin tưởng giao đứng tên cổ phần, góp vốn, tham gia quản lý nhiều công ty khác nhau thuộc Vạn Thịnh Phát như:

Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor, Công ty Việt Vĩnh Phú, Công ty cổ phần Sài Gòn Galleria, Công ty cổ phần Eurasia Concept…

Trương Huệ Vân cũng được xác định là người trực tiếp sử dụng số tiền mà nhóm Vạn Thịnh Phát rút ra khỏi Ngân hàng SCB.

Năm 2021, Trương Mỹ Lan mua lại Công ty cổ phần Lavifood để đưa vào hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp và giao cho Trương Huệ Vân quản lý, điều hành.

Quá trình hoạt động, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Trương Huệ Vân sử dụng pháp nhân Công ty Lavifood vay vốn tại Ngân hàng SCB để phục vụ mục đích kinh doanh và trả nợ vay tại các ngân hàng khác.

Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn thống nhất, chỉ đạo Trương Huệ Vân cho thành lập các công ty "ma" để lấy phương án kinh doanh mua bán nông sản với Công ty Lavifood nhằm lập hồ sơ vay vốn khống, tạo lập khoản vay, rút tiền từ Ngân hàng SCB để sử dụng cho các mục đích của Lan và Vân.

Quá trình điều hành Công ty Sài Gòn Galleria, Công ty Eurasia Concept, Vân còn chỉ đạo nhân viên cấp dưới phối hợp với các đối tượng ở Ngân hàng SCB lập hồ sơ vay vốn để lấy tiền chi cho các hoạt động của các công ty này.

Nhưng khi cần trả nợ thì không sử dụng nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh, mà lấy tiền từ các khoản vay của các công ty, cá nhân khác được tạo lập khống tại Ngân hàng SCB để trả nợ cho chính SCB.

Cơ quan điều tra xác định từ năm 2020, Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 công ty "ma" và 4 công ty có hoạt động thật (50 khoản vay), tạo lập 155 khoản vay khống để rút tiền khỏi Ngân hàng SCB.

Tính đến ngày 17/10/2022, 155 khoản vay này còn dư nợ 2.800 tỉ đồng. Cơ quan điều tra xác định Trương Huệ Vân đã giúp sức, đồng phạm với Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền gần 1.100 tỉ đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh là 25 tỉ đồng.

Trương Huệ Vân được cơ quan điều tra nhận định là đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án, nhận thức rõ hành vi phạm tội, tác động gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả.

Trương Huệ Vân, Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ) bị cáo buộc giúp sức cho Trương Mỹ Lan (chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) chiếm đoạt, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn của Ngân hàng SCB.
Trương Huệ Vân, Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ) bị cáo buộc giúp sức cho Trương Mỹ Lan (chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) chiếm đoạt, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn của Ngân hàng SCB.

Ông Chu Lập Cơ (tức Chu Nap Kee Eric, quốc tịch Hong Kong, Trung Quốc) là chồng của Trương Mỹ Lan bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay quy định tại khoản 3, điều 179, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Theo đó, ông Chu Lập Cơ là cổ đông chính (có 99,26% cổ phần), chủ tịch hội đồng quản trị, giữ vai trò quyết định cao nhất tại Công ty cổ phần Times Square Việt Nam.

Năm 2012, để lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng SCB nhằm cơ cấu các khoản nợ hợp nhất 3 ngân hàng thành Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan đã trao đổi, thống nhất với Chu Lập Cơ và lãnh đạo Ngân hàng SCB về việc sử dụng các tài sản ở Times Square để đảm bảo cho các khoản vay.

Thực hiện theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Chu Lập Cơ đã ký biên bản họp đại hội đồng cổ đông; biên bản họp hội đồng quản trị của Công ty Times Square chấp thuận thế chấp tài sản của công ty để bảo lãnh nợ vay cho các cá nhân, tổ chức do bà Lan chỉ định.

Sau khi có tài sản đảm bảo để vay vốn, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Times Square lập các hồ sơ vay vốn khống, nhờ người đứng tên các khoản vay và ký khống hồ sơ, thủ tục vay vốn.

Bằng phương thức này, từ tháng 12/2012 đến tháng 12/2014, Chu Lập Cơ đã giúp Trương Mỹ Lan hợp thức hóa hồ sơ vay vốn khống để giải ngân số tiền vay tại Ngân hàng SCB cho 73 khoản vay của 67 khách hàng, tổng số tiền giải ngân là 29.441 tỉ đồng, thời hạn vay vốn 5 năm. Toàn bộ số tiền vay vốn được sử dụng cho mục đích riêng của Trương Mỹ Lan.

Đến năm 2017, các khoản nợ đến hạn nhưng không thể trả được, Trương Mỹ Lan thuyết phục Chu Lập Cơ tiếp tục sử dụng tài sản của Công ty Times Square để thế chấp. Tài sản thế chấp này đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay cho 54 khách hàng đang vay vốn tại Ngân hàng SCB nhằm gia hạn cho số nợ được đảm bảo là 35.541 tỉ đồng.

Tính đến thời điểm ngày 17/10/2022, tổng nghĩa vụ các khoản nợ do Chu Lập Cơ ký hợp thức thủ tục còn 46 khoản vay với tổng cộng dư nợ là 39.217 tỉ đồng.

Sau khi đối trừ giá trị tài sản bảo đảm của các khoản vay mà Chu Lập Cơ đã ký các tài liệu để hợp thức thủ tục vay vốn nêu trên là 30.100 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra cáo buộc Chu Lập Cơ đã giúp sức vợ gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 9.116 tỉ đồng.

Toàn cảnh vụ Vạn Thịnh Phát

Theo kết luận của cơ quan chức năng, trong quá trình hoạt động Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát" với hơn hơn 1.000 doanh nghiệp, chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau, gồm: nhóm định chế tài chính, nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhóm các công ty "ma’’ tại Việt Nam và mạng lưới công ty tại nước ngoài.

Trong nhóm định chế tài chính, SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được bị can Trương Mỹ Lan sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái. Mọi hoạt động của ngân hàng này đều cơ bản phục vụ hoạt động của nữ chủ tịch tập đoàn.

Với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát", bị can Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân bằng việc mua, sở hữu phần lớn số lượng cổ phần rồi thao túng.

Từ tháng 12/2011, bằng hình thức nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, bà Lan nắm giữ hơn 81% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), hơn 98% cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và hơn 80% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đệ Nhất.

Sau khi 3 ngân hàng trên hợp nhất thành SCB, bị can Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ người đứng tên hơn 85% cổ phần của ngân hàng này. Cũng với thủ đoạn nhờ người đứng tên, nữ doanh nhân đã mua cổ phần và tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần tại đây lên hơn 91% vào ngày 1/1/2018.

Bằng cách nắm quyền chi phối, bị can Lan đã đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân tin tưởng, thân tín đều là những người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng vào các vị trí chủ chốt của SCB. Những người này đều nghe theo chỉ đạo của bà Lan và được trả lương cao, từ 200 - 500 triệu đồng/tháng.

Về hoạt động của SCB, đáng chú ý, ngân hàng này được sử dụng như "một công cụ tài chính để huy động tiền gửi của người dân và các tổ chức". Tuy nhiên, trong hoạt động cho vay, SCB lại chủ yếu phục vụ mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan.

Sau khi thâu tóm SCB, bị can Trương Mỹ Lan đã thông qua các cá nhân thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại đây và tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để rút tiền của ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được lập khống. Thậm chí, có nhiều khoản vay rút tiền trước, hoàn thiện hồ sơ sau.

Mỗi khoản tiền rút ra sẽ được giao cho từng nhóm để dựng công ty "ma", "vẽ" ra phương án đầu tư tại các dự án, giao cho các bộ phận tính toán tài sản bảo đảm cho phù hợp...

Kết luận điều tra cho thấy SCB đã huy động tiền gửi từ 50 chi nhánh nhưng chỉ tập trung giải ngân đối với nhóm Trương Mỹ Lan tại 3 đơn vị hội sở, 3 chi nhánh lớn, 6 chi nhánh nhỏ lẻ. Các hồ sơ cho vay, giải ngân của nhóm này tại các đơn vị, chi nhánh trên đều có ký hiệu theo dõi riêng như "HSTT", "phương án, dự án" để nhân viên ngân hàng nhìn vào đều hiểu là cho vay các công ty trong "hệ sinh thái".

Cơ quan điều tra Bộ Công an chỉ rõ thủ đoạn được nhóm Trương Mỹ Lan sử dụng để vay tiền SCB gồm: tạo lập khách hàng vay vốn khống; thuê hoặc nhờ người đứng tên tài sản; tạo lập hồ sơ vay khống; đưa ra tài sản bảo đảm được định giá trị để tạo hồ sơ đúng quy định nhằm che giấu, đối phó với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, thực chất là để "rút ruột" ngân hàng. Hầu hết các khoản vay của Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được giải ngân trước và hợp thức hóa sau.

Theo quy trình thông thường, ngân hàng chỉ giải ngân khi đã hoàn thiện thủ tục pháp lý về thế chấp tài sản bảo đảm. Nhưng thực tế, 1.284 khoản vay của bị can Lan còn dư nợ chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân; số còn lại có tài sản bảo đảm chủ yếu là cổ phần, quyền tài sản.

Kết quả xác minh hồ sơ vay vốn 1.284 khoản vay nói trên tại SCB cho thấy có 201 khoản vay, hồ sơ vay vốn không có phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Các khoản vay này giải ngân hơn 10.000 tỉ, đến nay tổng dư nợ 11.600 tỉ.

Nhóm của Trương Mỹ Lan còn tạo lập, sử dụng khách hàng vay vốn khống, thuê người đứng tên tài sản bảo đảm để vay 1.200 khoản tại SCB. Nhóm bà Lan cũng thành lập hàng ngàn pháp nhân, thuê hàng ngàn cá nhân làm đại diện pháp luật, đứng tên cổ đông, đứng tên ký hồ sơ vay vốn, đứng tên tài sản bảo đảm để hợp thức việc rút tiền.

"Sở dĩ "kho" pháp nhân này càng ngày càng phình to vì phải thành lập nhiều pháp nhân, "dựng" nhiều cá nhân mới để đứng tên khoản vay thì khi kiểm tra sẽ không có dư nợ tín dụng lớn" - kết luận nêu.

Để bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện được hành vi rút tiền, chiếm đoạt tiền từ SCB thông qua thủ đoạn vay, còn có sự tiếp tay của các đối tượng tại các công ty thẩm định giá. Lãnh đạo, nhân viên các công ty này không thực hiện công tác thẩm định nhưng đã phát hành các chứng thư thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của SCB để thông đồng, hợp thức thủ tục vay vốn, nâng khống giá trị.

Để che giấu thực trạng tài chính yếu kém, các sai phạm có thể bị phát hiện qua thanh tra cũng như để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và được tiếp tục tái cơ cấu, Trương Mỹ Lan đã gặp, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn - trưởng đoàn thanh tra hoạt động ngân hàng này. Đồng thời, chỉ đạo cấp dưới tiếp xúc, đặt vấn đề đưa tiền, quà bồi dưỡng cho các thành viên đoàn thanh tra.

Đồng ý với bị can Trương Mỹ Lan, trong báo cáo về kết quả thanh tra tại SCB của NHNN trình bày với Chính phủ, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - NHNN Đỗ Thị Nhàn cùng Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát NHNN Nguyễn Văn Hưng đã chỉ đạo thành viên đoàn chỉ nêu chung chung, không ghi số liệu trung thực, không nêu thực trạng tài chính yếu kém của SCB. Mục đích là để giảm nhẹ, "làm mờ" cho các sai phạm của SCB.

Sau khi báo cáo Chính phủ, Đỗ Thị Nhàn tiếp tục yêu cầu bỏ nội dung kiến nghị phân loại nợ nhóm 4, nhóm 5 với 3 dự án tại chi nhánh SCB Cống Quỳnh trong dự thảo. Đoàn thanh tra còn phát hiện rất nhiều sai phạm tại các khoản vay của nhóm 71 khách hàng ở cùng một địa chỉ nhưng không đưa vào báo cáo kết quả thanh tra gửi lãnh đạo NHNN và báo cáo Chính phủ, cũng như chuyển cơ quan điều tra.

Đáng chú ý, khi thành viên đoàn thanh tra đề xuất "đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt" thì bị can Hưng gạt nội dung này khỏi báo cáo của NHNN gửi Chính phủ. Bên cạnh đó, tại phần kiến nghị, đoàn thanh tra đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho SCB tái cơ cấu.