Theo phân tích của Cơ quan nghiên cứu kinh tế châu Âu Bruegel, các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu hiện đã dành hoặc phân bổ 681 tỷ euro để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng trầm trọng hơn.

Châu Âu đã chi trả gần 800 tỷ euro cho cuộc khủng hoảng năng lượng
Khủng hoảng năng lượng của châu Âu có thể trầm trọng hơn trong năm 2023. (Ảnh: Reuters)

Bên cạnh đó, kể từ tháng 9/2021, chính phủ Anh đã phân bổ 103 tỷ euro. Con số này với chính phủ Na Uy là 8,1 tỷ euro.

Hiện nay, tổng số chi trả mà các nước châu Âu đã đạt tới 792 tỷ euro, so với 706 tỷ euro trong đánh giá gần nhất trước đó của Bruegel vào tháng 11 khi các quốc gia tiếp tục trải qua mùa đông thiếu năng lượng - hậu quả từ việc Nga cắt hầu hết hoạt động cung cấp khí đốt cho châu Âu vào năm 2022.

Đức đứng đầu bảng xếp hạng chi tiêu, phân bổ gần 270 tỷ euro cho việc ứng phó với khủng hoảng năng lượng, đây được xem là một khoản tiền vượt hẳn so với tất cả các quốc gia khác.

Anh, Ý và Pháp là những nước có mức chi cao nhất tiếp theo, mặc dù mỗi nước chi chưa đến 150 tỷ euro. Hầu hết các quốc gia EU đều đã phải chi trả thêm cho chi phí năng lượng cho thời gian vừa qua.

Các nhà phân tích của Bruegel cho rằng, trong thời gian tới các quốc gia sẽ phải chi trả nhiều hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.

Nếu các chính phủ ở châu Âu không triển khai biện pháp nào khác ngoài hỗ trợ tài chính, và nếu họ gánh vác tất cả phần chi phí năng lượng tăng thêm, số tiền phải chi ra sẽ tương đương 6% tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm của EU - một con số khổng lồ.

Châu Âu đã đạt được một thành công lớn là tích trữ đủ khí đốt cho mùa đông năm 2022, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng của khu vực này vẫn chưa thể kết thúc, khó khăn hơn nhiều sẽ là mùa đông năm 2023 nếu nguồn cung khí đốt Nga tiếp tục thắt chặt.