Đại dịch COVID-19 đã phần nào giúp cải thiện chất lượng không khí toàn quốc

Báo cáo “Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn” là báo cáo đầu tiên cung cấp thông tin hiện trạng bụi PM2.5 không chỉ tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà của tất cả 63 tỉnh/thành phố, với dữ liệu được tổng hợp và phân tích từ trạm quan trắc tiêu chuẩn, thiết bị cảm biến tới dữ liệu vệ tinh.

Theo báo cáo của ban tổ chức, năm 2020 có đến 10 tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn gồm: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc.
Theo báo cáo của ban tổ chức, năm 2020 có đến 10 tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn gồm: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc.

Báo cáo này được thực hiện bởi trường Đại học Công nghệ (Đại học quốc gia Hà Nội), Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.

Theo báo cáo, chất lượng không khí toàn quốc năm 2020 có phần cải thiện hơn so với 2019, tuy nhiên nhiều vùng và địa phương vẫn chịu ô nhiễm bụi PM2.5 (nghĩa là có nồng độ PM2.5 trung bình năm cao hơn QCVN 05:2013/BTNMT).

Năm 2020, toàn quốc có 10/63 tỉnh thành có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn, trong đó tất cả các tỉnh thành này đều nằm ở miền bắc. Năm 2019, toàn quốc có 13/63 tỉnh thành có nồng độ PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT (gồm 11 tỉnh thành tại miền Bắc, và 2 tỉnh thành tại miền Nam).

Nếu so sánh với nồng độ bụi PM2.5 theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2021 (5 µg/m3) và năm 2005 (10 µg/m3), nồng độ bụi PM2.5 của tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong giai đoạn 2019 – 2020 đều vượt nhiều lần các mức khuyến nghị này.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, Báo cáo đã xây dựng các bản đồ phân bố nồng độ bụi chi tiết tới cấp quận, huyện, thị xã cho Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Trong năm 2020, miền Bắc có 10/25 tỉnh thành có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm toàn tỉnh vượt quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT, bao gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc. Miền Trung và miền Nam không có tỉnh, thành phố nào có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 toàn tỉnh vượt quy chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên, trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An (miền trung) và TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai vẫn có nhiều khu vực đang chịu ô nhiễm bụi PM2.5.

Hà Nội là thành phố đứng thứ 6 trong xếp hạng các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 cao nhất. Nồng độ bụi trung bình cả hai năm 2019-2020 đều vượt quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT, mặc dù ô nhiễm bụi PM2.5 năm 2020 giảm 16% so với năm 2019.

Có sự chênh lệch nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm giữa các quận/huyện, trong đó cao hơn nội thành và thấp hơn ở các huyện ngoại thành (trừ các huyện Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì). Năm 2020, có 29/30 quận/huyện có nồng độ trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia. Nồng độ bụi PM2.5 có chênh lệch rõ rệt theo mùa, cao hơn từ 11 - tháng 3 và thấp hơn từ tháng 5 - tháng 9.

Tại TP Hồ Chí Minh, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm đứng thứ 11 trong xếp hạng toàn quốc. Nồng độ trung bình năm 2020 của thành phố vẫn thấp hơn giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT, và giảm 13% so với nồng độ trung bình năm 2019. Năm 2020, nồng độ bụi PM2.5 cao ở phía bắc và thấp ở phía nam của thành phố; và có 12/24 quận/huyện có nồng độ trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia. Nồng độ bụi sự khác biệt theo mùa, cụ thể là cao trong các tháng 11 đến tháng 2 (mùa khô) và thấp trong các tháng 6 đến tháng 10 (mùa mưa).

Các dữ liệu tổng hợp cho thấy giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 đã phần nào giúp cải thiện chất lượng không khí toàn quốc và hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Bụi mịn PM2.5 là gì?

Bụi mịn PM2.5 là những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống (so với sợi tóc con người thì nó nhỏ hơn khoảng 30 lần). Bụi mịn PM2.5 được hình thành từ các chất như nitơ, carbon và các hợp chất kim loại khác.

Bụi mịn PM2.5 xuất hiện trong không khí bắt nguồn từ nguyên nhân tự nhiên và nguyên nhân nhân tạo. Khi nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí ở ngoài trời tăng lên thì sẽ làm cho không khí bị mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù.

Bụi mịn PM2.5 xuất hiện trong không khí bắt nguồn từ nguyên nhân tự nhiên và nguyên nhân nhân tạo.
Bụi mịn PM2.5 xuất hiện trong không khí bắt nguồn từ nguyên nhân tự nhiên và nguyên nhân nhân tạo.

Bụi mịn PM2.5 có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp và gây nên một số bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư....

Người thường xuyên phải tiếp xúc với bụi mịn có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe như hắt hơi, sổ mũi, khó thở, khô mắt...khi tiếp xúc lâu dài thì sẽ làm gia tăng tỷ lệ giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính và tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim ở người bệnh.

Theo thống kê thì mỗi năm, bụi mịn PM2.5 có thể tăng 10μg/m3, đồng nghĩa với việc số bệnh nhân cấp cứu vì bệnh cao huyết áp sẽ tăng 8% và các bệnh về tim mạch cũng tăng lên đáng kể.

Ngoài những mối nguy hiểm kể trên thì bụi mịn PM2.5 còn được mệnh danh là sát thủ có thể thúc đẩy, làm đẩy nhanh quá trình tiến triển của bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng gan, góp phần vào sự phát triển của bệnh tiểu đường.