Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Thời gian qua, các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp để giữ giá xăng dầu, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ DN và người dân. Đồng thời, Bộ cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đẩy mạnh nhập khẩu, theo tiến độ được giao, làm sao đảm bảo đủ xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng, trong thời gian giá xăng dầu thế giới tăng cao, nguồn cung trên thế giới đứt gãy, còn nguồn trong nước, từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, cũng bị gián đoạn.
Dự kiến, tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm nay là khoảng 20,6 triệu m3. Tuy nhiên nguồn cung xăng dầu trong nước và nhập khẩu đều bị gián đoạn do các nhà máy giảm công suất khai thác và giá xăng dầu tăng trên thế giới.
Báo VTV News đưa tin, trước tình hình này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn nhất cả nước đẩy mạnh nhập khẩu và duy trì nguồn dự trữ ở mức vượt 20% so với kế hoạch.
Hiện giá bình quân một số mặt hàng xăng, dầu thế giới tại thị trường Singapore đã tăng 45 - 63% so với đầu năm. Tuy nhiên, nhờ sử dụng linh hoạt những công cụ bình ổn giá, nên giá xăng dầu trong nước tăng chỉ ở mức 27 - 47%, thấp hơn mức tăng của thế giới.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, quỹ bình ổn giá hiện đã âm, do đó để giảm giá xăng dầu cần tính toán đến các giải pháp như giảm thuế, phí… Bộ Công Thương đã đề xuất, kiến nghị và Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 18 về giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn 50% và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường với dầu hỏa đến hết năm nay.
Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành đang cố gắng ở mức cao nhất, với những biện pháp đã và sẽ được triển khai để đảm bảo điều chỉnh mức giá xăng dầu trong khả năng cho phép, trong đó cũng sẽ hướng tới việc đề xuất những chính sách an sinh cho người dân; đồng thời tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp khi giá xăng, dầu tăng như hiện nay; sẵn sàng các kịch bản điều hành hướng tới sự phục hồi của nền kinh tế và mục tiêu kiểm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo TTXVN đưa tin, trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nêu 3 giải pháp để bình ổn thị trường và giá xăng dầu. Cụ thể, sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
“Cần nhìn nhận, giá xăng dầu tăng không chỉ gây khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp mà cũng tạo sức ép hết sức lớn đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI),” ông Hải nói.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu, đơn cử, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt Bộ Tài chính, tiếp tục rà soát, đề xuất các phương án trong phạm vi có thể để giảm các loại thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng dầu.
Được biết, theo quy định hiện hành, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì điều hành Quỹ BOG, song với vai trò là đơn vị phối hợp, Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tiếp tục biến động phức tạp như hiện nay, việc tiếp tục tính toán, cân đối sử dụng Quỹ BOG xăng dầu để góp phần bình ổn giá xăng dầu, qua đó hỗ trợ người tiêu dùng và sản xuất kinh doanh là giải pháp cần thiết.
Đối với việc điều hành giá xăng dầu trong nước, theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, giá bán xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Do đó, Bộ Tài chính cho biết việc điều hành giá xăng dầu trong nước đang bám sát theo diễn biến giá xăng dầu thế giới; đồng thời linh hoạt sử dụng Quỹ BOG để hạn chế tối đa mức tăng giá xăng dầu trong nước nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp, hỗ trợ đời sống của người dân, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, những giải pháp đồng bộ về đảm bảo nguồn cung; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý... mà Bộ Công Thương đang triển khai là cần thiết. Bên cạnh đó, cần tiếp tục chú trọng thông tin, tuyên truyền về điều hành giá xăng dầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.
© thitruongbiz.vn