Hà Nội: Black Friday ảm đạm dù chương trình giảm giá cực lớn

Trưa 25/11, không khí tại các trung tâm thương mại, tuyến phố thời trang ở Hà Nội tương đối ảm đạm. Theo ghi nhận của Dân trí, tại các trung tâm thương mại lớn như Vincom, Aeon Mall ở Hà Nội… nhiều thương hiệu thời trang đồng loạt tung chương trình giảm giá lên đến 50-70%, hay mua 1 tặng 1. Dù vậy, lượng khách đến các trung tâm mua sắm này cũng không đông, chỉ tương đương những dịp cuối tuần cao điểm.

Thậm chí, các cửa hàng tại một trung tâm thương mại ở phố Nguyễn Chí Thanh lúc 11h trưa nay - vốn là cao điểm đi săn hàng giảm giá Black Friday trước đây của dân công sở - cũng chỉ lác đác khách ở sảnh trung tâm. Ở một số cửa hàng thậm chí còn gần như không có khách.

“Từ sáng, nhiều khách vào xem, hỏi giá xong cũng đi ra ngoài luôn. Không thấy có những gia đình đến mua một lúc vài chục triệu như trước đây", một nhân viên bán túi xách nói. Nhân viên này cho biết lượng khách từ sáng đến trưa ngày Black Friday thậm chí còn thấp hơn ngày hôm qua. Hôm qua, buổi chiều ở đây còn không đủ chỗ gửi xe.

Ở các cửa hàng ở các tuyến phố thời trang như Cầu Giấy, Chùa Bộc… một vài nơi cũng có đông người đến. Nhưng nhìn chung sức mua trưa nay chưa sôi nổi như kỳ vọng của nhiều chủ cửa hàng.

Trên các con phố thời trang ở Hà Nội như Bà Triệu, Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc…không khó để bắt gặp những biển hiệu quảng cáo bắt mắt “Sale Black Friday” với mức giảm giá sâu, bán hàng đồng giá hoặc tặng quà hấp dẫn.

Ghi nhận của Tiền phong, Chị Hoa - nhân viên một cửa hàng thời trang trên phố Bà Triệu cho biết: “Lượng khách đến mua sắm mấy ngày nay gần như không tăng, do Black Friday gần với 11/11 và hiện khách hàng cũng chuyển sang mua sắm nhiều trên các sàn thương mại điện tử hay mới đây là Tiktok Shop - kênh này đang khá hút khách bởi có nhiều mã khuyến mại”.

Lý giải cho việc Black Friday năm nay chưa đủ sôi động, một số chủ cửa hàng cho rằng không chỉ năm nay, từ khi có dịch Covid-19 đến nay, sức nóng của ngày lễ mua sắm Black Friday tại Việt Nam đã có phần hạ nhiệt.

Anh Tùng Lâm, chủ shop quần áo nam ở Chùa Bộc (Hà Nội) cho biết không kỳ vọng nhiều dịp Black Friday năm nay. Cửa hàng của anh giảm giá 25-50% tùy mặt hàng. "Với những sản phẩm có giá tiền triệu, một số khách quen trước đây chi rất thoáng, giờ cũng phải nâng lên, đặt xuống nhiều lần mới quyết định mua", anh Lâm nói.

Vẫn có cửa hàng quần áo có lượng khách đông. Chị Thu Thảo, chủ cửa hàng thời trang nữ tại Cầu Giấy cho biết sinh viên dịp giảm giá này tích cực săn mặt hàng đồng giá như 149.000, 199.000 đồng...

Nhiều khách hàng cho biết không hứng thú với việc đi săn hàng Black Friday bởi họ thích mua sắm trực tuyến hơn. Các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada… từ trước ngày Black Friday đã nhập cuộc đua khuyến mại với nhiều voucher giảm giá trên sản phẩm, mã giảm giá vận chuyển, hàng đồng giá, hoàn tiền, hoàn xu... Nhiều sàn cho áp dụng cộng dồn các mã giảm giá, khách hàng sưu tầm được càng nhiều mã, số tiền được giảm càng nhiều.

Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu, cửa hàng đã kéo dài thời gian giảm giá thay vì chỉ trong một ngày như trước hoặc tung các chương trình khuyến mại trước đến một tuần. Các khách hàng vì vậy, có xu hướng đi mua sắm trước và sau ngày lễ chính thức với tâm lý ngại chen chúc.

Hoàng Nam, sống tại Hà Nội, nói: "Các deal giảm giá không quá chất lượng và hiện cũng có nhiều chương trình khuyến mại suốt cả năm nên không nhất thiết phải chờ Black Friday". Hoàng Nam cho biết các dịp lễ Black Friday những năm trước từng sẵn sàng chờ hàng tiếng đồng hồ để săn những món đồ công nghệ có thể rẻ bằng nửa giá niêm yết.

TPHCM: Khách thử đồ rồi đi ra

Hơn 11h trưa ngày 25/11, tại TPHCM, theo ghi nhận của Dân trí, trung tâm thương mại Vincom trên đường Lý Tự Trọng đã hết chỗ gửi xe máy.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, nhiều người dân đã ra ngoài đi mua sắm khiến một số tuyến đường quanh các TTTM như Vincom Đồng Khởi, Saigon Centre,... bị ùn tắc cục bộ. Nhiều điểm giữ xe của các TTTM gần như kín chỗ, dẫn đến ùn ứ lan ra ngoài đường, muốn vào săn hàng Back Friday, nhiều người phải đi tiếp khoảng 50m rồi gửi xe máy ở vỉa hè với giá 15.000 đồng/xe.

Tại đường Lê Thánh Tôn (quận 1) bị kẹt xe cục bộ do nhiều người đến TTTM Vincom và Parkson mua sắm trong ngày Black Friday. Tại khu vực này có một hầm giữ xe cho khách hàng mua sắm nhưng do số lượng người đến quá đông đã gây ùn ứ từ trong hầm lan ra ngoài đường Lê Thánh Tôn. Bãi giữ xe này liên tục điều tiết đóng và mở để hạn chế quá tải.

Trong khi ngoài đường kẹt xe, bên trong TTTM cũng đông đúc, nhộn nhịp người đi mua sắm trong ngày giảm giá mạnh nhất từ đầu năm. Các tầng của TTTM Vincom luôn có đông người đi lại hơn so với trước đó một ngày. Đặc biệt nhiều cửa hàng thời trang đến hôm nay mới chính thức giảm giá 50% nên khách đến mua sắm càng sôi động hơn.

Các gian hàng thời trang treo biển giảm giá tới 70% thu hút khá đông khách hàng. Cứ 15 phút tại một nhãn hàng thời trang nổi tiếng là có khoảng 15 khách hàng xem nhưng chỉ có khoảng 3 người đến quầy thanh toán.

Nói về lý do không mua hàng, chị Hạnh cho biết Black Friday năm nay để giảm đến 70% nhưng thực tế chỉ là sản phẩm làm "mồi" cho khách mua những sản phẩm khác. Những hàng cao cấp có mức giảm không nhiều.

Theo ghi nhận của Thanh niên, nhiều người bức xúc bày tỏ “Mình thấy bảng quảng cáo giảm giá đến 60% nhưng khi bước vào cửa hàng thì sự thật không phải vậy. Hầu hết mặt hàng tại đây chỉ có giảm giá từ 20-40%, có những món đồ mình cần mua thì không có giảm tí nào. Còn mặt hàng giảm giá 60% thì được để một góc nhỏ trên tầng 1 của cửa hàng, đó là mặt hàng ví da và mũ. Đây là 2 mặt hàng ít có người mua nào quan tâm, hơn nữa sản phẩm nhìn đã cũ, mẫu mã lại không đẹp”.

Cũng rơi vào trường hợp “sập bẫy” của một cửa hàng quần áo khi đi mua hàng Black Friday, N.T.Đ.K, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng bày tỏ: “Không phải tất cả các sản phẩm đều giảm đúng như giá chào mời ở ngoài, Sản phẩm mình muốn mua thì không có giảm hoặc giảm rất ít. Sản phẩm giảm giá sốc là những món đồ đã không còn xu hướng".

Tại Vincom, nếu như ở các cửa hàng thời trang có 10 khách thì tại nơi bán túi xách, đồng hồ, hoặc hàng nữ trang chỉ có 1-2 người. Những người mua hàng thời trang đa phần là các bạn trẻ gia đình có điều kiện. Còn người đắn đo, so sánh và xem nhiều hơn mua đa phần là phụ nữ trung tuổi.

Một địa điểm lớn bày bán quần áo thời trang trên đường Cách Mạng Tháng 8 có không khí mua sắm khá buồn tẻ. Tại đây có hàng trăm gian hàng thời trang nhưng chỉ có khoảng vài chục người đến xem và ít người mua.

Thảo, Linh, Trang là 3 sinh viên Đại học Sài Gòn, tranh thủ giờ nghỉ trưa ghé trung tâm xem đồ thời trang nhưng không ai mua gì do là "rảnh đi cho có không khí, cũng không có sản phẩm ưng ý".

Nhiều cửa hàng thời trang trên đường 3/2 giảm giá các sản phẩm lên tới 70%, thậm chí 80% nhưng đến khoảng 12h hôm nay cũng hầu như không có khách ghé.

Ông Hà Ngọc Sơn - Trưởng phòng quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TPHCM - cho biết, chưa có con số thống kê nhưng ông lo ngại sức mua năm nay sẽ thấp. Lý do là kinh tế đang có tín hiệu chưa khả quan, đơn hàng không nhiều, lao động mất việc tăng nên người dân thận trọng với túi tiền của mình hơn. Tuy nhiên, TPHCM kỳ vọng dịp giảm giá sâu này sẽ khiến các doanh nghiệp bán được nhiều hàng để có doanh thu, bù lại những tháng không bán được.